Đà Nẵng cuối tuần

NGƯỜI CHIẾN SĨ BIÊN PHÒNG

Tấm lòng người thầy thuốc biên phòng

08:50, 04/12/2022 (GMT+7)

Cơn mưa cuối tuần khiến con đường vào khu dân cư văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) lênh láng nước. Sau khi gỡ vội chiếc áo mưa, Thiếu tá Đoàn Văn Phương, y sĩ phụ trách Trạm Y tế quân dân y kết hợp (viết tắt trạm quân y), Đồn Biên phòng Hải Vân dang tay đỡ một bệnh nhân khi thấy ông đang chật vật bước lên bậc tam cấp vào phòng khám.

Thiếu tá Đoàn Văn Phương kiểm tra sức khỏe cho bà Lê Thị Kim Tiến. Ảnh: H.L
Thiếu tá Đoàn Văn Phương kiểm tra sức khỏe cho bà Lê Thị Kim Tiến. Ảnh: H.L

“Điều trị cả tháng không tốn đồng nào”

Hai tay bám chặt khung tập đi chữ U, ông Nguyễn Văn Trung (tổ 20, phường Hòa Hiệp Bắc) nhấc từng bước chân nặng nhọc tiến vào khuôn viên trạm quân y. Những tháng gần đây, hầu như ngày nào ông Trung cũng ghé trạm châm cứu, bấm huyệt. Người đàn ông 58 tuổi liệt nửa người bên trái sau cơn tai biến hồi tháng 8 năm ngoái nay đã tập tễnh những bước đi đầu tiên.

Trong lúc chờ ông Trung cởi áo nón, y sĩ Đoàn Văn Phương nhanh tay mở tủ lấy dụng cụ, thực hiện các thao tác vệ sinh, khử khuẩn. Theo anh, bệnh tình của ông Trung khá nặng nên cần điều trị bằng thuốc kết hợp châm cứu, vật lý trị liệu. Trong đó, phương pháp châm cứu thúc đẩy tái tạo tế bào thần kinh, cải thiện trí nhớ, hỗ trợ tuần hoàn máu lên vùng não bị tổn thương, giảm thiểu tình trạng thiếu máu cục bộ… Nhờ tích cực điều trị, khả năng vận động của ông Trung dần cải thiện, những vết lở loét trên cơ thể giảm dần.

“Trước khi trở thành bệnh nhân thường xuyên của trạm quân y, tôi trải qua 5 lần đi viện, lần gần nhất kéo dài cả tháng. Chừng 6 tháng trước, biết tin trạm quân y hoạt động trở lại sau Covid-19, tôi trở thành bệnh nhân của y sĩ Phương. Vui vì đến nay đã có thể tự đi lại, dù tập tễnh từng bước ngắn nhưng như thế đã là kỳ tích”, ông Trung vui vẻ nói.

Sự hồi sinh kỳ diệu của ông Trung khiến người dân các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam tìm đến trạm quân y nhờ y sĩ Đoàn Văn Phương hỗ trợ điều trị ngày càng nhiều. Bà Lê Thị Kim Tiến (tổ 4, phường Hòa Hiệp Bắc) có nhà cách trạm chừng 2 cây số. Hơn nửa tháng nay, bà Tiến là bệnh nhân quen thuộc của trạm quân y. Đưa chúng tôi xem cuốn sổ khám bệnh, bà Tiến nói nhiều năm nay bà phải sống chung với những căn bệnh huyết áp cao, rối loạn tiền đình, thoái hóa cột sống, thiếu canxi, thiếu máu lên não… Nhiều lúc trái gió trở trời, tay chân tê bì, run rẩy không thể kiểm soát. Bà từng chọn cách sống chung, chỉ khi đau nhức không chịu nổi mới đến bệnh viện xin thuốc. Nhưng tuổi càng về già, cơ thể càng rệu rã sau mỗi trận đau.

“Cả đời cực khổ với nghề biển, nghề rừng, chừ già rồi đủ thứ bệnh trong người, tiền mô mà đi viện, chưa kể bệnh viện ở dưới phố, khó khăn cho con cháu chăm nom. May có trạm quân y gần nhà, mỗi ngày tôi tự đi xe đến nhờ bác Phương châm cứu, bấm huyệt. Điều trị cả tháng vậy chứ không tốn đồng nào, nhiều khi thấy bác vất vả chăm sóc mình, thương mà chỉ biết nói cảm ơn”, bà Tiến chia sẻ.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Có mặt tại trạm quân y ngày cuối tuần còn gần chục bệnh nhân khác chờ đến lượt châm cứu. Tuổi 68, bà Ngô Thị Xê (tổ 12, phường Hòa Hiệp Bắc) bị thoái hóa cột sống thắt lưng thể nặng, hậu quả sau quãng thời gian lao động nặng nhọc, vất vả. Nhưng như nhiều người dân sinh sống dưới chân núi Hải Vân, bà Xê chỉ đến trạm quân y khi cơ thể xuất hiện triệu chứng đau vùng thắt lưng, không thể cúi người hay vặn mình… Y sĩ Đoàn Văn Phương cho hay, căn bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng của bà Xê cần châm cứu liên tục khoảng 1 tháng, mỗi lần châm kéo dài từ 30-45 phút mới hiệu quả. Nếu vẫn chần chừ việc chữa trị sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Tại làng Kim Liên, khoảng 100 người lao động thì hết 90 người thoái hóa cột sống, viêm đa khớp, tê bì tay chân hoặc rối loạn các chức năng vận động… Y sĩ Đoàn Văn Phương sớm nhận ra điều này trong quá trình khám, chữa bệnh tại đây. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc anh tham gia khóa đào tạo khám chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, y học cổ truyền tại Bệnh viện Quân y C17 năm 2013. Theo anh, ngoài tây y, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền khá an toàn và hiệu quả. Y học cổ truyền gọi các bệnh lý cơ, xương, khớp là “chứng tý”, ý nói khí huyết bị nghẽn lấp. Để điều trị, ngoài các nhóm thuốc chống viêm, giảm đau, người bệnh cần được can thiệp bằng các biện pháp như châm cứu, xoa bóp, xông hơi thuốc, giác hơi, điều trị kéo giãn cột sống… Trong đó, phương pháp châm cứu, đả thông các huyệt đạo giúp cơ thể giảm đau, giải phóng năng lượng xấu, lưu thông khí huyết.

Tốt nghiệp Y sĩ đa khoa tại Trường Chuyên môn kỹ thuật Quân khu 5 năm 1999, Thiếu tá Đoàn Văn Phương gắn bó với công tác quân y từ đó đến nay. Ngoài chữa bệnh bằng thuốc theo phương pháp tây y, anh đã châm cứu cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó nhiều người khỏi bệnh và phục hồi các chức năng vận động. Theo anh, hiệu quả châm cứu không đến nhanh, nhưng có thể bảo vệ người bệnh trước các tác dụng phụ của thuốc. Đây cũng là điều anh hướng tới trong các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

Tròn 10 năm hoạt động, Trạm Y tế quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng Hải Vân trở thành chỗ dựa tinh thần cho hàng ngàn hộ dân sống dưới chân đèo Hải Vân. Công tác khám, chữa bệnh được chiến sĩ quân y tiến hành thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, có khi kéo dài cả tuần, thậm chí mở cửa cả ngày thứ Bảy để hỗ trợ người dân đến thăm khám. Đặc biệt, những hoạt động thăm khám này diễn ra hoàn toàn miễn phí, với mục đích chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân địa phương. Toàn bộ thuốc men, trang thiết bị khám, chữa bệnh đều do đơn vị trang bị. Cuối năm ngoái, khi tủ thuốc tại trạm ít đi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân đã góp kinh phí mua bổ sung nguồn thuốc phục vụ bà con.

Bệnh nhân đông trong khi phương tiện khám, chữa bệnh chưa đáp ứng đủ, nhiều lúc y sĩ Đoàn Văn Phương mang máy giác hơi, phương tiện châm cứu từ nhà đến hỗ trợ người dân. Trong căn phòng nhỏ có không gian vừa đủ để kê 4 chiếc giường lúc nào cũng kín bệnh nhân, y sĩ Phương luôn tay xoa bóp, châm cứu và theo dõi máy đo. Anh nói rằng, ngoài vai trò thầy thuốc, ở anh còn có trách nhiệm của người lính mang quân hàm xanh. Vì thế, điện thoại của anh luôn để chế độ chuông, bởi bất cứ lúc nào, giờ nào, anh cũng có thể nhận cuộc gọi nhờ sơ cứu, cấp cứu từ người dân hoặc ngư dân trên biển.

HUỲNH LÊ

.