Đà Nẵng cuối tuần
Những bức tranh vô giá bị phá hoại
Vừa qua, những người biểu tình chống biến đổi khí hậu ở Áo đã ném chất lỏng màu đen lên bức tranh "Cái chết và sự sống" của họa sĩ xuất chúng người Áo Gustav Klimt, tại bảo tàng Leopold ở thủ đô Vienna.
Nhóm nhà hoạt động đổ chất lỏng đen lên tranh của Gustav Klimt ở bảo tàng Leopold, thủ đô Vienna, Áo. Ảnh: AP |
Theo đánh giá ban đầu, đại diện bảo tàng Leopold cho biết, may mắn kiệt tác chưa thực sự bị tổn hại nhưng khung kính giữ an toàn tác phẩm cũng như tường và sàn nhà bị loang lổ, hư hỏng đáng kể.
Hai nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu có hành vi phá hoại tác phẩm của Klimt thuộc nhóm có tên "Last Generation - Thế hệ cuối cùng”. Đây là nhóm có sáu thành viên tự gọi mình là thế hệ cuối cùng quyết tâm thực hiện cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
"Cái chết và Sự sống" là tác phẩm sơn dầu trên vải theo phong cách Tân nghệ thuật được cố danh họa người Áo Gustav Klimt bắt đầu vẽ từ năm 1908, hoàn thành năm 1915. Kiệt tác nghệ thuật mô tả cái chết ở phía bên trái và một nhóm người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở phía bên phải tượng trưng cho sức sống.
Trước đây, hai nhà hoạt động trẻ trong nhóm tự xưng “Just Stop Oil”- phản đối "việc khoan dầu khí" bởi họ cho rằng công việc này là "bản án tử hình đối với nhân loại", đã ném súp cà chua lên bức tranh Hoa hướng dương của danh họa Vincent van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London. Không dừng lại ở đó, các nhà hoạt động vì môi trường còn ném khoai tây nghiền lên bức Les Meules (Đống cỏ khô) của danh họa nổi tiếng Claude Monet tại bảo tàng ở Postdam (Đức).
Các nhà hoạt động khí hậu nhắm đến các bảo tàng với hy vọng thu hút những người có trách nhiệm chú ý đến sự nóng lên toàn cầu. Họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong những tháng gần đây.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)