Đà Nẵng cuối tuần

TÀI NGUYÊN RÁC

Giải pháp cho rác thải

05:30, 18/12/2022 (GMT+7)

Trung bình mỗi ngày, Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.100 tấn rác, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ lệ không nhỏ, có xu hướng ngày càng gia tăng. Làm sao giảm lượng rác thải và xem đó là nguồn tài nguyên tái chế được các cấp, ngành, tổ chức liên quan đưa ra nhằm tối ưu hóa nguồn tài nguyên rác. Đà Nẵng cuối tuần ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý môi trường.

* Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực thích ứng (CAB):

Cần giảm tối đa việc tạo ra rác thải

Theo tôi, giải pháp đầu tiên và căn cơ nhất là cần giảm tối đa việc tạo ra rác thải như hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần; việc  ăn, mặc, sinh hoạt vừa đủ nhu cầu cá nhân. Rác được tạo ra từ sinh hoạt hằng ngày và con người cần phải xử lý nó bền vững, tránh ô nhiễm môi trường. Là người theo sát các hoạt động về rác thải, tôi nhận thấy tất cả các loại rác đều có thể tái sử dụng và tái chế. Hiện nay, việc thu mua rác của những người/vựa ve chai không giống nhau do rác có giá trị thấp lại cồng kềnh, có mùi, phân tán và vận chuyển khó khăn. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người hành nghề không chính thức (người thu mua, kinh doanh chất thải tài nguyên) và người làm nghề tái chế, xử lý rác thải.

Đối với dạng rác hữu cơ, bao gồm thức ăn thừa và rác rau, củ, quả,… cần khuyến khích, hướng dẫn người dân ủ lên men (phân hủy hoàn toàn) làm phân bón hoặc đổ xuống cống giúp xử lý tắc nghẽn, ô nhiễm nước thải. Bên cạnh việc khuyến khích người dân trồng cây xanh sân thượng để có thể tận dụng tốt nguồn phân hữu cơ từ thức ăn thừa, chính quyền cũng có thể thu gom để cấp cho chương trình trồng rừng, bón bồn cây công cộng, cây xanh đô thị thay phân hóa học. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai chương trình “Trường học không rác” tại 10 trường học trên địa bàn thành phố, qua đó tư vấn các trường về chính sách giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại căn tin, bếp ăn tập thể, hội họp và trong sinh hoạt hằng ngày của giáo viên, học sinh. Đồng thời, hướng dẫn các trường phân loại rác, thu gom giấy vụn, rác tái chế, ủ các loại lá cây, rác nhà bếp làm phân bón cho vườn trường.

* Tiến sĩ Kasia Weina, đồng sáng lập Tổ chức Tư vấn và Phát triển dự án quốc tế Evergreen Labs (EGL):

Chuyển đổi rác thải nhựa có giá trị thấp thành sản phẩm thương mại

Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi thiết lập mạng lưới chuyển đổi rác thải nhựa có giá trị thấp như đồ nhựa dùng một lần, giấy gói, nhựa dẻo, xốp… thành tấm ván thông qua quá trình xử lý đơn giản và hiệu quả. Sản phẩm làm ra bền chắc, không thấm nước, có thể thay thế gỗ để làm vật liệu nội thất, xây dựng (bàn ghế, tủ, gạch lát nền, sân chơi...). Toàn bộ quá trình diễn ra theo quy luật tuần hoàn, chúng tôi có thể thu hồi ván cũ và xử lý chúng thành mới. Bên cạnh đó, hỗ trợ lao động rác thải bằng cách khuyến khích họ thu gom, bán phế liệu qua hệ thống của chúng tôi. Hiện EGL có 10 nhà máy nhượng quyền hoạt động khắp thế giới, sau 6 năm đã chuyển đổi hơn 500 tấn nhựa giá trị thấp, không có giá trị sang sản phẩm có giá trị thương mại.

Ngoài giải pháp tái chế rác thải, chúng tôi sản xuất và phân phối nước uống đóng chai thủy tinh được chứng nhận ISO và HACCP chất lượng cao; phân phối và thu gom lại chai thủy tinh nhằm giảm chi phí và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình tái sử dụng. Chúng tôi cung cấp dịch vụ cho khách sạn, nhà hàng lớn ở Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam) như Radisson, Hyatt, Hoiana, Premier Village, Novotel, Pizza 4Ps… Hiện nay, hệ thống của chúng tôi có thể chiết rót 5 triệu chai nước mỗi năm, tương đương với việc giảm 1.044 tấn khí thải carbon ở mỗi nhà máy.

Để hoạt động thu gom diễn ra hiệu quả, chúng tôi thiết lập mạng lưới người thu gom rác - The Collector Network nhằm cung cấp phương pháp, kỹ năng và cách xử lý rác phù hợp, bền vững. EGL hợp tác với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và một số trường học tại Đà Nẵng để lắp đặt các cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF), bao gồm các ô lưới phân loại chất thải có thể và không thể phân hủy, chất thải có thể tái sinh như bìa cứng, chai nhựa, túi nilon, chất thải nguy hại và chất thải đặc biệt. Đồng thời cung cấp kiến thức về phân loại, tái chế và cách vận chuyển rác thải đến MRF.

* Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố:

Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhằm tận dụng tối đa giá trị tài nguyên

Trước tiên, phải khẳng định đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 là chủ trương quan trọng, góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai. Trên cơ sở này, các dự án về môi trường đã được thành phố tích hợp trong quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện năng lực giám sát, xử lý và bảo vệ môi trường như cấp, thoát nước, xử lý rác thải, giao thông, hệ thống quan trắc… Theo từng giai đoạn, các sở, ban, ngành cùng tham gia đồng bộ ở 4 nhóm giải pháp trọng tâm: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với 31 tiêu chí cụ thể.

Ở cấp vĩ mô, để giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, Đà Nẵng cần đẩy mạnh nền kinh tế tuần hoàn, tiếp tục có kế hoạch hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong thu gom và xử lý chất thải rắn, nhất là phân loại rác thải tại nguồn; các giải pháp đầu tư xử lý ở khu vực nông thôn Hòa Vang; thúc đẩy các dự án tăng sản lượng từ năng lượng tái tạo; kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất, dịch vụ; áp dụng cơ chế thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra và lực lượng cảnh sát môi trường. Về kinh tế tuần hoàn, giai đoạn 2022-2030, thành phố ưu tiên phát triển 7 lĩnh vực gồm quản lý chất thải rắn; nguyên liệu; năng lượng; khu công nghiệp sinh thái; tuần hoàn lương thực; tuần hoàn nước và công dân tiêu dùng xanh. Trong đó, tập trung giảm khai thác tài nguyên không tái tạo; tăng cường năng lực, kiến thức, kỹ năng kinh tế tuần hoàn trong quản lý nhà nước; cải thiện năng suất, lợi nhuận của doanh nghiệp và nền kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn trên nền tảng chuyển đổi số; tạo thêm việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài, nội dung hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu, lồng ghép đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải rắn, phân loại, giảm thiếu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu...

* Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố:

Tăng cường công tác xử lý vi phạm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Ngoài tăng hình thức xử phạt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đề cập chi tiết công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn. Trong đó, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể hình thức, mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật cũng quy định đơn vị thu gom có quyền từ chối việc thu gom nếu rác thải không được phân loại; các tổ chức chính trị, xã hội tham gia giám sát người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (UBND phường, xã là đơn vị giao thực hiện chính)… Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Đến năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa…

Với nhiều chính sách mang tính đột phá, tôi hy vọng người dân nghiêm túc thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống. Mặt khác, Nhà nước cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử phạt cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm, tránh “giơ cao đánh khẽ”; vận động tổ dân phố, tổ chức chính trị, xã hội tham gia bảo vệ môi trường, đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại “Gia đình văn hóa” hằng năm và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thu mua rác tái chế. Ngoài ra, cần trang bị thêm phương tiện thu gom bảo đảm đầy đủ, phù hợp với từng địa bàn dân cư; tăng tỷ lệ hộ dân tham gia cải thiện chuỗi thu gom, phân loại nhằm tạo “vòng đời” mới, có ích hơn cho rác thải.

TIỂU YẾN (ghi)

.