Chuyện xưa xứ Quảng
Đình Trung Thái đất Phú Bông
Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đỏa, có sông Thu Bồn. Ngày trước, hàng tơ lụa sản xuất tại Phú Bông đã được dân gian xếp vào một trong 3 thành tố giúp định danh cho xứ đất Quảng Nam. Phú Bông giờ vẫn còn đình làng Trung Thái - một trong những thiết chế văn hóa cơ bản được tiền nhân xây dựng từ nhiều thế kỷ trước.
Đình Trung Thái sau khi trùng tu (ảnh trái) và bức bình phong cổ đã được phục dựng. Ảnh: V.T.L |
Phú Bông nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Gia phả chư phái tộc ở làng ghi rằng tổ tiên từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương… theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, khai khẩn đất hoang, đắp bồi nên một vùng đất trù phú. Cùng với việc lập ấp, lập làng, các thiết chế văn hóa cơ bản của một vùng quê mới như đình, chùa, miếu, võ cũng lần lượt được xây dựng.
Vùng đất nằm giữa sông Thu Bồn (dân gian gọi là sông Cái) và kinh thành Trà Kiệu được ghi nhận sớm nhất qua gia phả tộc Mạc (nay là tộc Nguyễn Trường) ở Trà Kiệu. Thư tịch cổ được viết vào năm Vĩnh Trị thứ năm (1680) này có nói đến sự kiện vào năm Dương Hòa thứ tám (1642) chúa Thượng Nguyễn Phước Lan cho trùng tu chùa Bửu Châu, vốn là nơi Mạc Cảnh Huống - một công thần của chúa Nguyễn, lập nên để tu tập lúc về già.
Năm đó, chúa Thượng huy động 3 cơ thủy quân dinh Quảng Nam cùng các tượng cục sở tác và nhân dân bảy xã gồm: Trà Kiệu xã, Phố Hoa châu, Thi Lai châu, Bà Mã châu, Hàm Rồng xã, Mỹ Xuyên Tây xã, Chiêm Sơn Đông xã tham gia xây dựng. Đây là các vùng đất nằm liền kề nhau, trong đó các địa danh như Trà Kiệu, Thi Lai, Mỹ Xuyên… vẫn còn giữ tên gọi như ngày nay. Phố Hoa, người đời sau cho rằng do kỵ tên húy bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng) nên đã đọc thành Phú Bông. Theo gia phả tộc Mạc, vào năm 1642, vùng đất Phú Bông đã đông đúc dân cư, có nhiều thợ giỏi tham gia trùng tu một công trình cấp quốc gia.
Theo cuốn Phủ biên Tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, Phú Bông ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn có 5 thôn: Bình An, Trung Mỹ, Trung An, Nam An, Trung Hòa. Địa bạ Gia Long (soạn trong khoảng 1812 - 1818) có tên các thôn của Phú Bông và liệt kê diện tích đất từng loại của từng thôn. Trung An, cuối triều Nguyễn đổi tên thành Trung Thái, là thôn có diện tích lớn nhất, gần bằng diện tích bốn thôn kia gộp lại. Làng Trung Thái - tọa lạc tại xóm Văn Thánh, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh - là nơi thủy tổ các tộc Hồ Văn, Hồ Viết, Hồ Tấn, Hồ Công, Đoàn, Trần, Huỳnh, Đặng, Võ (cửu tộc) kẻ trước người sau đến khai khẩn định cư. Thời Pháp thuộc, vùng đất này gọi là Phú Bông Ngũ Thôn, gồm năm làng nhỏ. Các thiết chế văn hóa như đình Ngũ Thôn, chùa Ngũ Thôn, Văn chỉ Ngũ Thôn cũng do người dân năm làng chung nhau tạo dựng, mỗi làng có một đình làng riêng.
Ông Hồ Văn Trường, thành viên Hội đồng chư tộc làng Trung Thái cho biết, chùa Ngũ Thôn nay gọi là chùa Lầu. Chùa làng được thành lập ban đầu là để thỏa mãn nhu cầu yên ổn tâm linh cho cộng đồng hơn là tu học lý thuyết nhà Phật. Chùa còn là chức năng trụ sở tinh thần của bà con có tín ngưỡng thiên về đạo Phật, do một vị cư sĩ trông coi việc đèn nhang, chưa có cao tăng trụ trì. Ngày trước ông Thông Nguyên người tộc Lê Văn là người trông coi ngôi chùa làng. Thầy trụ trì chùa Lầu có câu thơ: “Chùa Lầu vẫn vững như xưa/ Ngũ Thôn tên cũ hương thừa còn bay”.
Trải qua hơn bốn thế kỷ, các thế hệ người dân Phú Bông - Trung Thái đã lao động bền bỉ, khai khẩn đắp bồi nên một vùng đất trù phú có thể nói là nhất nhì xứ Quảng lúc bấy giờ. Sản phẩm tơ lụa Phú Bông lừng lẫy danh tiếng như câu ca dao xưa có sự đóng góp công sức, trí tuệ của người Phú Bông. Những năm 30 của thế kỷ XX, sau khi ông Võ Dẫn sáng chế khung cửi máy, nghề dệt ở Phú Bông có giai đoạn phát triển cực thịnh. Người dân Phú Bông mang khung cửi máy vào lập nghiệp ở Bảy Hiền, cùng người dân các địa phương khác của Quảng Nam lập nên làng dệt nổi tiếng ở Sài Gòn.
Trung Thái cũng là đất học. Cụ Hồ Tấn Linh đỗ tú tài năm Thiệu Trị tam niên 1843, cụ Hồ Hoàng đỗ cử nhân năm 1909. Những trí thức yêu nước xuất thân từ Trung Thái như các ông Hồ Nghinh, Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn), Hồ Tống, Hồ Thấu là những người học hành đỗ đạt, có công mở mang việc học ở Duy Trinh, về sau tham gia cách mạng, trở thành những nhà lãnh đạo nổi tiếng, có những đóng góp tầm cỡ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Đình làng Trung Thái tọa lạc ở Bãi Trước, mặt hướng về núi Bửu Châu. Trước đình có một bàu lớn, gọi là Bàu Làng, nước không bao giờ cạn. Đình thờ phụng tiền nhân có công mở đất lập làng, việc thờ cúng được kế tiếp từ đời này sang đời khác. Những năm chiến tranh, đình làng bị phá hủy, dân làng phiêu dạt nhưng vẫn không bao giờ bỏ lỡ ngày lệ làng hằng năm vào ngày 12 tháng 10 âm lịch.
Sau ngày đất nước thống nhất, dân làng tạm che mái tôn trên các bệ thờ để có chỗ lo hương khói cho tổ tiên. Năm 1999, đình được trùng tu tạm thời bằng tường xây, mái ngói. Năm 2019, Ban vận động gồm các vị đại diện cửu tộc làng Trung Thái đã vận động con cháu và các nhà hảo tâm gần một tỷ đồng để thực hiện công cuộc đại trùng tu đình.
Do đặc điểm đồng canh, đồng cư nên giữa làng này và làng khác không có địa giới, vì vậy có thể nói đến Phú Bông thì không thể thiếu Trung Thái, và việc của Trung Thái cũng có nghĩa là việc của Phú Bông. Trải bao thăng trầm lịch sử, đình làng Trung Thái vẫn luôn là trung tâm văn hóa tâm linh, là vật chứng lịch sử của làng xã, là nơi tổ chức các ngày lễ hội để lưu giữ phong hóa truyền thống tồn tại đã mấy trăm năm.
Người dân mỗi khi về đình viếng hương tiên tổ không quên dừng chân bên bức bình phong - di tích quý giá còn sót lại của ngôi đình xưa với câu đối ở mặt trước: TRUNG nghĩa nhân từ lưu hậu thế/ THÁI sơn vạn thủy cảnh trường tồn. Các cụ cao niên dịch nghĩa: Tổ tiên sống trung nghĩa nhân từ, để lại phước đức cho con cháu. Lòng trung nghĩa của tiền nhân cao như núi Bửu Châu, phước đức dồi dào như nguồn nước Bàu Làng. Cảnh vật đó còn mãi nên hậu thế sẽ vững bền.
VĂN THÀNH LÊ