Đà Nẵng cuối tuần

Tháng Chạp, thương về...

16:45, 07/01/2023 (GMT+7)

Và rồi bánh xe thời gian đã dịch chuyển đến những vòng lăn cuối cùng, dắt ta về tháng Chạp. Không biết tự bao giờ, cái tên gọi đầy trìu mến người ta đặt cho tháng cuối cùng của năm lại dậy lên trong ta bao nỗi xốn xang, bồi hồi đến vậy.

Tháng Chạp chầm chậm rót xuống một nốt trầm bảng lảng nghe như một tiếng thở dài quạnh quẽ, vắng xa, đong đầy bịn rịn. Bao nỗi thăng trầm đầy vơi lặng lẽ tụ về đăm chiêu trên nếp nghĩ ngổn ngang. Nhìn những tờ lịch cuối cùng thưa mỏng, treo chênh vênh trên vách tường, chưa bao giờ ta chợt thấy bùi ngùi, xuyến xao đến vậy dẫu biết bao lần tháng Chạp về qua cuộc đời, chất dày lên tuổi tác.

Tháng Chạp, như cách ví von của ai đó, là một đoản khúc thời gian khắc khoải bời bời, là những nốt nhạc cuối cùng của bài hát còn nghe dở. Về lại bao lần cùng tháng Chạp, trong ta vẫn lạ quen bao nỗi xốn xang khó diễn tả bằng lời. Có phải vì vậy không mà ta yêu tháng Chạp nhiều đến thế, cứ muốn nâng niu mãi những xúc cảm bâng khuâng, đầy vơi khắc khoải này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Về bên tháng Chạp, ta thu dọn chỉn chu lòng mình cho thanh sạch tinh tươm; gột rửa, sửa sang tâm hồn đường xa bụi lấm. Ta trả về cho ngày cũ những oán trách, giận hờn, tha thứ cho đời, cho người cũng là trả nợ lòng ta. Tháng Chạp thỏa hiệp với bao khắt khe, định kiến, hào phóng san sẻ yêu thương cho lòng người được cứu rỗi lo âu mà an nhiên ngơi nghỉ.

Tháng Chạp, thảng nghe đâu đó những thanh âm rỉ rả bán mua từ phiên chợ cuối năm, nhác thấy những nỗi niềm phong kín trên vầng trán suy tư của biết bao người lao động nghèo xa xứ bởi nỗi lo cơm áo cứ rượt đuổi suốt năm rộng tháng dài. Người ta thường nhỏ to cùng nhau câu hỏi cũ mà mới, ân cần mà đôi lúc lại ngậm ngùi, xót xa: “Tết này bạn về quê không?”. Ta càng chạnh lòng cảm thương hơn những mảnh đời nổi trôi rày đây mai đó, không biết nơi đâu là chốn quay về…

Bao giờ cũng thế, tháng Chạp nhắc nhớ, gọi mời những đứa con xa náo nức xuôi về như một lời hẹn đầy trách nhiệm. Về nơi ta được sinh ra, nơi có gia đình ta, mẹ cha ta mỗi bận cuối năm cứ lần hồi bấm đốt ngón tay ngóng chờ. Trở về với yêu thương, để nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo, để dựa vào tấm lưng mỗi ngày càng còng xuống của mẹ cha để biết quý thương hơn, trân trọng
hơn những ngày tháng dần vơi theo liếp tuổi của đấng sinh thành.

Tháng Chạp, về lại quê nhà để ta làm nghĩa vụ khói nhang, sửa sang mộ phần của ông bà, tiên tổ. Chọn ngày nắng ráo, kiếm cát trắng mịn, rửa sạch, phơi khô để thay lư hương trên bàn thờ, tỉ mẩn bài trí, sắp xếp chỉn chu, tươm tất. Những việc làm hiếm hoi ấy là dịp để mỗi người hiểu được đầy đủ, trọn vẹn hơn nguồn cội thiêng liêng - một nét đẹp văn hóa tâm linh cần được lưu truyền và gìn giữ.

Biết bao nhiêu ân tình làm sao kể xiết. Tất cả như dồn tụ vào tháng Chạp, cứ thế neo vào chơi vơi bao dự cảm hồn người. Để quý, để thương đến thắt lòng những ngày cuối năm bâng khuâng mà lắng đọng, bồi hồi mà bịn rịn ưu tư.

Lòng người qua giông bão, hôm nay chợt nhiên trẻ lại, bỗng hiền lành và nhân hậu hơn. Ngoài kia, mùa xuân đang chùng chình xin chạm ngõ, miền nắng ấm thanh tân khấp khởi ùa về, khẽ khàng mở khuy áo Giêng hai…

NGÔ THẾ LÂM

.