Người lính cứu hộ trên biển như đóa hướng dương rực rỡ trong nắng, họ ở đâu thì nơi đó lại dâng lên niềm hy vọng về sự bình an. Đối mặt nhiều bất trắc, biết rõ sự hung dữ của biển nhưng với lòng quả cảm, họ vẫn gắn bó với nghề.
Trò chuyện với anh Trần Văn Khôi (43 tuổi, quận Sơn Trà), thuyền viên tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) và anh Nguyễn Hữu Toàn Chung (31 tuổi, quận Sơn Trà), nhân viên Tổ Cứu hộ số 10, Đội Cứu nạn ở các bãi biển Đà Nẵng tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về sự khắc nghiệt của công tác cứu hộ trên biển
Anh Trần Văn Khôi đang buộc lại dây neo trong chuyến đi cứu hộ, cứu nạn trên biển (ảnh trái). Anh Khôi luôn nở nụ cười dù công việc cứu hộ gặp nhiều hiểm nguy. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tình yêu biển đã thấm vào làn da, hơi thở
Anh Trần Văn Khôi, người có 18 năm gắn bó với nghề nói rằng, biển có lúc nhẹ nhàng êm dịu nhưng đôi khi lại gào thét dữ dội như muốn cuốn trôi mọi thứ. Cái rét buốt của biển, tê lạnh của sương, tiếng sóng ầm ào như thấm đẫm vào trí nhớ của anh. Cứu hộ trên biển cũng giống như cấp cứu trên đất liền vậy, mỗi giây phút đều quan trọng, chậm một nhịp thì nạn nhân có thể ảnh hưởng tính mạng.
Trong sự nghiệp cứu hộ, sự kiện khiến anh không thể nào quên là giải cứu 4 thuyền viên trên tàu hàng Vietship 01 gặp nạn khi neo tại biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) vào năm 2020. Vì hành động dũng cảm đó, anh được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tôn vinh và trao giải thưởng cao quý “Hành động đặc biệt dũng cảm trên biển”. Ý nghĩa hơn, anh Khôi là thuyền viên người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng danh giá này.
Hồi tưởng lại khoảnh khắc khi cứu 4 thuyền viên, anh Khôi chia sẻ, gần 2 năm kể từ khi vụ việc diễn ra, mỗi khi nhớ lại anh vẫn thấy tiếc nuối vì đã nỗ lực tiếp cận nhiều lần nhưng không hiệu quả, không cứu được nhiều người. Toàn bộ 12 thuyền viên trên tàu kêu cứu trong điều kiện sóng to gió lớn, không nước uống, lương thực…
Đặc biệt, trong 2 ngày ngâm bờ để đưa ra phương án cứu hộ cùng đồng đội, anh Khôi quan sát thấy 4 thuyền viên có dấu hiệu hoảng loạn, nhảy xuống biển. Dẫu bầu trời đen kịt, dòng nước biển đỏ ngầu vì bị ảnh hưởng của bão và lũ, sóng cao như xé toạc đôi bờ nhưng xuồng máy của anh quyết xé sóng dữ đang cuồn cuộn để cứu sống 4 thuyền viên. Trong giây phút ngắn ngủi đó, anh không đủ thời gian suy nghĩ nguy hiểm cho bản thân mà phải nhanh chóng cứu nạn nhân. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính cứu hộ.
“Sau khi tôi cứu được 4 thuyền viên thì vẫn còn 8 người. Trời càng lúc càng tối, nước càng lúc càng mạnh, tôi lo lắng tột cùng và có chút sợ hãi. Sợ giữa biển đêm hun hút, những nạn nhân đang kiệt sức có trụ được hay không và ngoài kia họ đối mặt điều may rủi nào. May mắn, ngày hôm sau, trực thăng cứu hộ đã giải cứu các thuyền viên còn lại trong sự vui mừng của tất cả mọi người. Nỗi sợ thì hầu như ai cũng có nhưng mình dặn lòng phải mạnh mẽ, bình tĩnh, nếu run sợ thì đã thất bại với nghề. Nếu được chọn lại thì tôi vẫn sẽ hành động như vậy. Tôi luôn xem mỗi người dân gặp nạn đều là người thân, ruột rà. Việc cứu nạn thành công là niềm hạnh phúc không gì đong đếm của người lính cứu hộ”, anh Khôi chia sẻ.
Thật vậy, cứu hộ trên biển ban ngày đã vất vả trăm bề thì cứu hộ giữa đêm tối, sự khó khăn tăng lên gấp bội. Tuy vậy, người lính cứu hộ vẫn có những niềm vui hạnh phúc trong công việc. Đó là thời khắc đưa nạn nhân cập bờ, bao nỗi lo như được trút bỏ. “Mỗi khi nhìn giải thưởng, nó lại nhắc tôi nhớ về kỷ niệm tại biển Cửa Việt. Đối với tôi, giải thưởng IMO là một niềm vinh dự cho cá nhân nói riêng và toàn thể đơn vị nói chung.
Tôi chỉ nghĩ là nhiệm vụ bình thường mà bản thân phải hoàn thành khi được giao phó. Vì thế, tôi khá bất ngờ khi được tổ chức hàng hải quốc tế đánh giá cao đến vậy. Đó là nguồn động lực tinh thần rất lớn để trong tương lai tôi tiếp tục phấn đấu tốt hơn. Qua đó, tôi muốn khẳng định năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hải của Việt Nam không thua kém gì so với các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng ngư dân, người đi biển giúp họ yên tâm có những chuyến hàng hải thuận lợi để xây dựng một vùng biển Việt Nam an toàn và thịnh vượng”, anh Khôi xúc động nói.
Nói về cơ duyên đến với nghề cứu hộ, anh Khôi cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh. Từ nhỏ, những buổi trưa hè cùng bạn bè bơi lội qua đoạn sông gần nhà, trong anh đã được nuôi dưỡng tình yêu với sông nước. Vì vậy, anh Khôi có khả năng bơi lặn khá điêu luyện. Sau này, anh tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển tại Trường Cao đẳng Hàng hải I (Hải Phòng).
Năm 2005, anh bắt đầu công tác tại Trung tâm Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 tại Đà Nẵng đến nay. Suốt 18 năm đồng hành với biển, anh Khôi đã tham gia hàng trăm chuyến cứu hộ trên biển như hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30 và máy bay Kasa 212 ở Vịnh Bắc bộ, tìm kiếm thuyền viên tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn, cứu nạn thuyền viên bị chìm tàu tại cửa Gianh (tỉnh Quảng Bình)…
Theo anh Khôi, chuyến cứu nạn ngắn nhất là 3 ngày và dài nhất đến 15 ngày. Đội tìm kiếm cứu hộ không chỉ có chuyên môn về hàng hải, bơi, lặn mà còn rất thuần thục sơ cứu y tế hay phòng cháy chữa cháy… Từ khi gắn đời mình với biển, anh Khôi trải qua không biết bao lần đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết.
Thậm chí, trước mỗi chuyến đi cứu nạn, tất cả các thuyền viên phải ghi lại tên, tuổi và quê quán. Nghe đến đây, tôi không khỏi rùng mình, chắc hẳn đó là điều bắt buộc vì giữa mênh mông sóng nước, không ai dám chắc chắn một điều gì. Thế nhưng, anh và đồng nghiệp chưa bao giờ có ý nghĩ rời nghề vì tình yêu biển đã thấm vào từng làn da, hơi thở của họ.
Làm theo lương tâm
Đang tất bật công việc cứu hộ vì lượng khách du lịch khá đông, anh Nguyễn Hữu Toàn Chung (31 tuổi, quận Sơn Trà), nhân viên Tổ Cứu hộ số 10, Đội Cứu nạn ở các bãi biển Đà Nẵng cho hay, anh sinh ra và lớn lên tại làng chài cổ Mân Thái nên biển đối với anh khá thân thuộc như người bạn. Sau khi lớn lên, anh làm nhiều nghề khác nhau nhưng rồi vẫn quay lại làm nhân viên cứu hộ, có lẽ nghề chọn anh nên không thể bỏ. Tính đến nay, anh Chung làm công tác cứu hộ bãi biển hơn 4 năm.
Năm 2022, anh được mệnh danh là người hùng khi cùng lúc cứu sống 4 người bị sóng biển cuốn trôi giữa đêm tối. “Hôm đó, tôi kết thúc ca trực cuối cùng thì gặp nhóm 6 bạn đến biển dạo chơi. Một lúc sau, tôi di chuyển về nhà thì thấy bạn nữ chạy thục mạng kêu cứu vì có 4 bạn đang chìm dần. Tôi hoảng lắm nhưng với bản năng người cứu hộ, tôi lập tức sử dụng xuồng cứu hộ lao nhanh ra biển.
Trong trường hợp này, người cứu hộ bắt buộc dùng xuồng vì trời tối rất khó quan sát nạn nhân ở khu vực nào, nếu tôi bơi tự do thì dễ bị đuối và đôi khi xảy ra điều tồi tệ hơn. Gần 20 phút đánh vật với sóng biển, tôi đưa 4 nạn nhân vào bờ trong tình trạng sức khỏe ổn định. Đó là tình huống để tôi rút kinh nghiệm tiếp tục làm nghề vững hơn. Nghề cứu hộ thật sự khá hiểm nguy nhưng nó giúp tôi bổ sung liều thuốc tinh thần và là niềm tự hào rất lớn”, anh Chung nhớ lại.
Anh Nguyễn Hữu Toàn Chung luôn tâm huyết với nghề cứu hộ, mong đem lại bình an cho du khách. Ảnh: T.V |
Theo anh Chung, bãi biển khu vực thành phố Đà Nẵng nói chung khá lành nhưng không vì thế mà du khách và cứu hộ chủ quan. Dọc bờ biển có tổng cộng 12 trạm cứu hộ và khu vực giăng dây phao nhựa nổi thì được tắm, còn những nơi đặt biển cấm thì không được phép. “Người dân muốn nhận diện bãi tắm an toàn nên chọn nơi sóng dâng trắng xóa và nước trong còn những nơi nước biển đục và phẳng lặng thì phía dưới có ao xoáy di chuyển ngầm.
Đồng thời, khi xuống biển cứu người, người cứu hộ phải bơi xuôi theo dòng nước không nên bơi ngược sẽ bị cuốn vào xoáy không thoát được. Khi bơi trong trời biển động hoặc sóng lớn phải theo hướng con sóng lên xuống, bình tĩnh xử lý khi bị sóng đè để không bị hụt hơi và tuyệt đối không gồng sức bơi ngược con sóng”, anh Chung chia sẻ kinh nghiệm.
Cuộc trò chuyện thường xuyên bị ngắt quãng khi anh phải đi hướng dẫn du khách. Dường như nắng gió của biển đã làm da anh rám đậm màu nắng, nụ cười cũng rắn rỏi thêm và dáng người đậm hơn so với tuổi. Thời tiết nắng gắt hay rét buốt, đội cứu hộ vẫn căng mình hoạt động. Ngày mùa đông đỡ hơn phần nào nhưng trời vào hè, khi kết thúc ca trực, đôi chân anh cũng rã theo vì đi bộ quá nhiều. “Chúng tôi phải luôn di chuyển và quan sát khu vực được phân công.
Nếu có tình huống xấu là chúng tôi lao ngay ra biển, đôi khi sơ hở không theo dõi sẽ xảy ra chuyện không may. Ngày nào cứu hộ thành công thì bữa cơm, giấc ngủ của tôi hôm đó ngon hơn hẳn, nếu không tôi luôn day dứt, tự trách mình. Đó cũng là giây phút tôi cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa công việc mình đang làm. Nghề này được ví như nghề đổi mạng, nhưng tôi không đặt nặng mà chỉ làm theo lương tâm của mình. Người dân vui chơi bình an trên biển thì đội cứu hộ chúng tôi cũng thấy vui lây”, anh Chung tâm sự.
HUỲNH TƯỜNG VY