Cầu nối tình hữu nghị Việt - Lào

.

Vừa dạy tiếng Việt cho người Lào, vừa làm thông dịch viên cho các đoàn cấp cao của các tỉnh, thành phố miền Trung Việt Nam khi đến thăm, làm việc tại Lào, anh Nguyễn Văn Đức (SN 1976, quê tỉnh Hà Tĩnh) trở thành “chuyên gia” quảng bá văn hóa Việt đến với nước bạn Lào và là cầu nối gắn kết giữa các địa phương của Việt Nam và Lào.

Anh Nguyễn Văn Đức (bên phải) tháp tùng và phiên dịch cho đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu thăm, làm việc với các tỉnh Nam Trung Lào tháng 7-2022. Ảnh: NGỌC PHÚ
Anh Nguyễn Văn Đức (bên phải) tháp tùng và phiên dịch cho đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu thăm, làm việc với các tỉnh Nam Trung Lào tháng 7-2022. Ảnh: NGỌC PHÚ

Tận tâm gieo con chữ

Đầu tháng 7-2022, trong chuyến tháp tùng đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng thăm, làm việc tại các tỉnh Nam Trung Lào, tôi có dịp ghé Trung tâm tiếng Việt Savannakhet và thực sự ấn tượng khi gặp người giáo viên đa năng - anh Nguyễn Văn Đức. Anh Đức là một trong những giáo viên người Việt được cử sang Lào thực hiện nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho học viên, sinh viên Lào trước khi họ sang Đà Nẵng học tập theo chương trình học bổng do thành phố tài trợ. Lớp do anh phụ trách có 20 học viên, từ học sinh đến cán bộ các sở, ngành tỉnh Savannakhet.

Nói về duyên gắn bó với nước bạn Lào, anh Đức cho biết, được đào tạo bài bản tiếng Lào nên khi Trung tâm tiếng Việt tại tỉnh Savannakhet được thành phố Đà Nẵng xây dựng và đưa vào hoạt động theo chương trình hợp tác giữa hai địa phương, anh được Trung tâm Phát triển hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng mời sang dạy tiếng Việt. Với mong muốn được cống hiến sức mình cho Tổ quốc, đồng thời, yêu quý đất nước, con người Lào nên anh nhận lời lên đường thực hiện nhiệm vụ. Dù xác định sang nước bạn làm nhiệm vụ sẽ xa quê hương, gia đình, bạn bè, nhưng được vợ con động viên, ủng hộ, anh an tâm thực hiện hoài bão.

Anh Đức cho biết, người nước ngoài học tiếng Việt rất khó, nhất là ngữ nghĩa của từ và ngữ pháp, vì vậy để học viên học tốt và không nhàm chán, anh phải chuẩn bị bài giảng thật chu đáo. “Mỗi giờ lên lớp không chỉ dạy đủ, dạy đúng mà còn phải dạy hay và tạo sự thoải mái cho sinh viên, do đó, ngoài việc chuẩn bị bài vở kỹ, mình luôn tranh thủ học để mở rộng vốn từ, văn hóa Lào, pha chút hài hước khi giảng dạy. Những giờ dạy, vì vậy mà trở nên vui vẻ, sôi nổi hơn, học viên học đông đủ với tinh thần tự nguyện”, anh Đức tâm sự.

Mỗi khóa học tiếng Việt kéo dài 6 tháng, kết thúc khóa học có kiểm tra, đánh giá và trung tâm cấp chứng chỉ. Trong hơn 10 năm qua, anh đã đứng lớp giảng dạy tiếng Việt cho hàng trăm học sinh, học viên tỉnh Savannakhet. Nhiều học viên sau khi nhận chứng chỉ được sang Đà Nẵng và Việt Nam học tập theo chương trình học bổng. “Vốn hiểu biết tiếng Lào thành thạo nên việc dạy tiếng Việt của thầy Đức khiến học sinh rất dễ hiểu. Thầy còn có khiếu hài hước nên các tiết học không nhàm chán, trái lại, học viên học rất hào hứng”, anh Vongviengsay, học viên Trung tâm tiếng Việt Savannakhet nhận xét.

Mong muốn được cống hiến

Không chỉ dạy tiếng Việt, để tạo sự gắn kết với học sinh, người dân bản địa, anh Đức còn tận tình giúp đỡ học sinh, học viên khó khăn; gặp gỡ, giao lưu với người dân, dạy cho học viên những bài hát về tình hữu nghị Việt - Lào, tham gia các hoạt động lễ cưới, hỏi của học viên. Sự hòa nhập của anh đã tạo sự gần gũi, gắn bó mật thiết, góp phần xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.

Cùng với công tác giảng dạy, anh Đức được chỉ định tháp tùng và là thông dịch viên mỗi khi có đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung sang thăm, làm việc với các địa phương Lào. Từ lúc đặt chân đến đất bạn Lào đến nay là hơn 10 năm, anh vinh dự được phục vụ nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố Đà Nẵng.

Điều đặt biệt hơn, anh nhiều lần trở về quê hương với vai trò là thông dịch viên của phái đoàn cấp cao tỉnh Savannakhet khi tỉnh bạn đến thăm, làm việc tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung của Việt Nam. “Ngôn ngữ Lào và Việt Nam có những từ ngữ rất khó dịch, dễ hiểu nhầm, vì vậy phải nghiên cứu sâu để khi dịch mình chuyển tải hết ý nghĩa cho phía bạn, phía ta một cách phù hợp. Nhờ kinh nghiệm và chịu khó nghiên cứu mà mình được tin tưởng giao nhiệm vụ tháp tùng các đoàn và thực hiện công việc thông dịch viên nhiều năm nay, trở thành người gắn kết, giúp người Việt, người Lào xích lại gần nhau hơn”, anh Đức tâm sự.

Trong dịp tháp tùng phiên dịch cho đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố đến thăm, làm việc với 5 tỉnh Nam Trung Lào. Lúc đoàn chia tay anh Đức, tôi hỏi anh ngày về Việt Nam công tác, anh Đức nói vui vẻ: “Cho tôi gửi về Đà Nẵng và Việt Nam những nhớ nhung, những yêu thương nhưng nơi đây, những người Lào cần giáo viên để được học tiếng Việt và hơn hết tôi vẫn mong muốn được cống hiến để lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt đến đất nước bạn”.

Hơn 10 năm có lẻ xa gia đình, xa quê hương nhưng lời chia sẻ và lòng nhiệt huyết của anh Nguyễn Văn Đức khiến đoàn công tác chúng tôi thực sự ấm lòng và tin tưởng vào mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào mãi bền chặt.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.