Đà Nẵng cuối tuần

Lễ Kỳ an và lễ Kỳ phúc

17:53, 18/02/2023 (GMT+7)

* Lâu nay tôi chỉ biết có lễ Kỳ an (dân gian gọi là lễ Cầu an). Vừa rồi nghe một vị cao niên nói còn có lễ Kỳ phúc nữa. Xin cho hỏi, hai lễ này khác nhau thế nào? (Lương Văn Nam, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Lễ Cầu an tại đình làng Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L
Lễ Cầu an tại đình làng Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L

- Lễ hội Kỳ an (còn gọi Kỳ yên) đã có từ rất lâu trong việc thờ lễ thần của người Việt. Kỳ an ở đây có nghĩa là cầu an, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi sinh sôi nảy nở.

Trang hoatieu.vn cho biết, xưa kia ở khu vực phía Bắc tại các đình miếu trong làng người ta thường tiến hành làm lễ Cầu an hay còn gọi là lễ Tống ôn, lễ Cầu mát. Về sau người Việt di dân vào phương Nam khẩn hoang lập ấp phải đương đầu với thiên nhiên khó khăn cùng những hiểm họa khôn lường. Lúc bấy giờ, để cầu mong được cuộc sống bình yên, ấm no, những người dân ở đây thường làm lễ cúng cầu an tại các ngôi đình, đặt niềm tin của mình vào những vị thánh thần. Dần dần về sau ở vùng Nam Bộ hình thành nên lễ hội Kỳ an ở các ngôi đình, là một trong những lễ hội lâu đời thể hiện đậm đà màu sắc văn hóa đình làng của Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tùy theo từng địa phương mà lễ hội Kỳ an được chọn tổ chức vào những ngày khác nhau nhưng chỉ diễn ra vào mùa xuân. Thông thường, lễ Kỳ an được diễn ra vào tháng Giêng đến tháng Tư (âm lịch). Cũng có đình diễn ra lễ Kỳ an vào những tháng cuối năm âm lịch, tùy vào phong tục của mỗi địa phương. Nhiều địa phương thường tổ chức lễ hội Kỳ an vào ngày rằm tháng 2 hoặc rằm tháng 3.

Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (NXB Văn học, 2006) trang 108 đến trang 111 có chép về lễ Kỳ an. Theo đó, lễ Kỳ an được nhiều nơi tổ chức vào khoảng cuối Xuân đầu Hạ. Vì mùa ấy thường có dịch khí, tục tin đó là việc quỷ thần cho nên cúng cấp để cầu cho dân làng được yên lành.

Ở Đà Nẵng, nhiều đình làng vẫn còn giữ lệ tổ chức lễ Cầu an hằng năm như: đình làng Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vào 10-3 âm lịch, đình Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vào 18-2 âm lịch, đình làng Trước Bàu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vào 12-4 âm lịch...

Lễ hội Kỳ phúc nguyên là tế Kỳ phúc - một lễ tế phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Hồng và bắc Trung Bộ nước ta. Sách đã dẫn dành các trang từ 81 đến 86 nói về tế Kỳ phúc như sau:

“Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ Xuân, Thu có một tuần đại tế gọi là tế Kỳ phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an. (…) Trước khi tế phải rước văn. Dân làng đem long đình cờ quạt, tài tử đồng văn và cắt một người viên chức đội mũ, mặc áo thụng đến tại nhà người điển văn (người coi việc tả văn tế) mà rước bản văn về đình. Người tả văn cũng phải đội mũ mặc áo thụng đi theo sau long đình.

Vào đến cửa đình, người tế chủ phải ra tại cửa ngoài mà nghênh tiếp bản văn đem vào an trí trong nội hương án, đâu đấy mới tế. Tế phải có một người làm tế chủ, kén người nào có chức tước ngôi thứ cao nhất trong làng mới được làm. Có làng thì lại kén người ngôi thứ cao mà vợ chồng song toàn, con trai, con gái đề huề mới được làm tế chủ...”.

Theo tác giả, lễ tế Kỳ phúc ngoài Bắc chỉ hiến rượu chứ không hiến các món đồ ăn, vì cho rằng để toàn sinh mới là thành kính. Còn ở Nam thì đồ ăn có món gì cũng hiến.

ĐNCT

.