Mira Murati - người tạo ra ChatGPT

.

Tạp chí TIME ngày 5-2 gọi Mira Murati là “creator of ChatGPT” (người tạo ra ChatGPT). Mira Murati hiện là Giám đốc Kỹ thuật (CTO) của OpenAI - công ty tung ra ChatGPT.

Mira Murati - Giám đốc Kỹ thuật (CTO) của OpenAI. Ảnh: OpenAI
Mira Murati - Giám đốc Kỹ thuật (CTO) của OpenAI. Ảnh: OpenAI

Kể từ khi ra mắt vào tháng 11-2022, chỉ sau hơn 2 tháng, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng - điều mà TikTok phải mất 9 tháng, Instagram mất 2,5 năm, Google Translate mất 6,5 năm. Trong tháng 1-2023, ChatGPT vượt qua Bitcoin trong danh sách từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, theo thống kê của Google Trends.

Nữ tướng công nghệ

ChatGPT (viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer) là chatbot (chat với công nghệ robot có nền tảng trí tuệ nhân tạo - AI) được phát triển từ mô hình GPT-3.5 của Công ty OpenAI. Ứng dụng này trả lời rằng không tìm ra thông tin người có tên Mira Murati, đồng thời cung cấp cái tên khác là Sam Altman - Giám đốc điều hành (CEO) Công ty OpenAI. Tuy nhiên, CTO Murati mới là người trực tiếp lãnh đạo đội ngũ tạo ra “siêu AI” đang gây sốt toàn cầu.

Murati sinh năm 1988 tại San Francisco (Mỹ). Cô từng làm trợ giảng tại Thayer School of Engineering thuộc Trường Cao đẳng Dartmouth (Mỹ), sau đó làm nhân viên phân tích cho Goldman Sachs - chi nhánh Tokyo. Năm 2012, cô làm việc cho Tập đoàn hàng không vũ trụ Zodiac Aerospace, rồi đến Tesla giữ chức Giám đốc sản phẩm cấp cao và trở thành một trong những người chịu trách nhiệm chính về thiết kế, phát triển một số mẫu xe như Model X. Cô tham gia một số dự án của công ty hàng không vũ trụ SpaceX trước khi làm Phó Chủ tịch sản xuất và kỹ thuật cho Leap Motion - công ty chuyên phát triển các sản phẩm thay thế chuột và bàn phím bằng cảm biến chuyển động gắn trên tay người.

Từ tháng 6-2018 đến tháng 12-2020, Murati làm Phó Chủ tịch về ứng dụng AI và quan hệ đối tác tại OpenAI. Tiếp đó, cô đảm nhiệm công việc phát triển toàn bộ sản phẩm của công ty và trở thành CTO từ tháng 5-2022 đến nay.

CEO điều hành công việc chung, còn CTO đứng đầu đội ngũ thiết kế, kỹ sư và kỹ thuật trực tiếp tạo ra sản phẩm. Murati là sếp đội ngũ kỹ thuật, đứng sau việc thiết kế và xây dựng kỹ thuật cho ChatGPT.

AI có thể bị dùng sai cách

ChatGPT được giới công nghệ gọi là “siêu AI” với lượng kiến thức “khủng” cùng khả năng trò chuyện, sáng tạo nội dung… với thời gian siêu tốc. Sự bùng nổ ChatGPT khiến nhiều người cho rằng, ứng dụng công nghệ mới này có thể thay thế Google trong tương lai, thậm chí thay thế cả con người ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, ChatGPT không phải công cụ tìm kiếm như Google, mà là chatbot AI sử dụng quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hiểu câu hỏi và trả lời người dùng.

Sự ra đời của ChatGPT mở ra tiềm năng to lớn về việc ứng dụng AI, nhưng cũng đặt ra vấn đề cần quản lý các rủi ro của siêu công nghệ.

Trả lời tạp chí TIME ngày 5-2, Murati cho biết vẫn còn những thách thức cốt lõi với ChatGPT. Cô bày tỏ lo ngại AI có thể bị những kẻ xấu lạm dụng và vấn đề đặt ra là cần quản lý cách sử dụng các ứng dụng này. “Công nghệ định hình chúng ta và chúng ta định hình nó. Có rất nhiều vấn đề khó giải quyết. Làm thế nào để quản lý việc sử dụng AI theo cách phù hợp với các giá trị của con người? AI có thể bị dùng sai cách, hoặc bị kẻ xấu lạm dụng... Ngoài ra, còn rất nhiều câu hỏi xung quanh những tác động xã hội và rất nhiều câu hỏi về đạo đức, triết học mà chúng ta cần xem xét”, Murati nói. CTO 35 tuổi cho rằng, câu trả lời nằm ở ý thức của cộng đồng khi dùng AI có kiểm soát và có trách nhiệm.

Nhiều trường học ở New York (Mỹ) cấm sử dụng ChatGPT trong trường học. Các giáo sư sửa lại giáo trình cũng như cách giảng dạy để ngăn học sinh, sinh viên sử dụng công cụ này làm bài tập hộ và gian lận khi thi.

Trước sự phát triển chóng mặt của ChatGPT, các ông lớn công nghệ cũng chạy đua vào lĩnh vực chatbot. Công ty Google đang thử nghiệm đối thủ chatbot có tên Apprentice Bard dựa trên công nghệ hội thoại LaMDA để cung cấp tìm kiếm câu hỏi và câu trả lời. Gã khổng lồ tìm kiếm internet Baidu của Trung Quốc dự kiến ra mắt dịch vụ chatbot AI vào tháng 3 tới.

ChatGPT có thể thay thế con người?

Trên tờ The Global and Mail, cây bút Wayne MacPhail bình luận: ChatGPT có thể khiến chúng ta cho rằng nó suy nghĩ như con người và có thể thay thế con người ở một số lĩnh vực nhưng nó không thể cảm nhận được thế giới. Wayne MacPhail lý giải: ChatGPT hoàn toàn không suy nghĩ và chắc chắn không suy nghĩ như con người. Những gì công nghệ này đang làm là “tìm kiếm với tốc độ chóng mặt, thông qua hàng nghìn tỷ kết nối ngôn ngữ mà nó tạo ra bằng cách quét hàng núi nội dung do con người tạo ra”.

KHÁNH LINH (theo TIME, NDTV)

;
;
.
.
.
.
.