Đà Nẵng cuối tuần

Người Huế nhớ xứ Quảng

17:24, 18/02/2023 (GMT+7)

Người sống ở Huế mà nhớ món mì Quảng đến quay quắt dù chỉ một vài lần dừng chân ghé lại xứ này dăm ba ngày, hoặc một đêm duy nhất.

Người Huế từng nói với bạn bè thân thương từ phố xa, phố gần, kể lể cảm giác khi thưởng thức món ăn vùng miền này, cùng những dư vị còn đọng lại với tô mì trắng hòa trộn cùng thịt gà kho nén săn chắc, thêm ít đậu phụng, trứng cút.

Ngon mắt nhất vẫn là đĩa rau sống non tươi sắc, bên cạnh chén mắm có mấy trái ớt xiêm xanh thơm thơm cay cay, ăn ghém với mì Quảng khiến người ở xa, kẻ ở gần có đi đâu cũng mong ngóng trở về xứ Quảng như quê mình vậy.

Sợi mì Quảng dai ngon đặc trưng, nhưn đậm đà quyện cùng với vị thanh mát của các loại rau sống cực kỳ hấp dẫn. Ảnh: ST
Sợi mì Quảng dai ngon đặc trưng, nhưn đậm đà quyện cùng với vị thanh mát của các loại rau sống cực kỳ hấp dẫn. Ảnh: ST

Rồi người Huế dăm ba lần tìm đến những hàng quán ở vùng miền khác có mì Quảng để thử cho đỡ cơn ghiền một món ẩm thực độc đáo, nhưng khi nhìn đĩa rau sống khang khác, vị mì với các nguyên liệu đi kèm cho dù cũng chừng đó thôi, vẫn chẳng thể vui lòng mà chỉ tặc lưỡi tiếc nuối vì cảm giác thiêu thiếu chưa đủ đầy. Người Huế đành tự hẹn ngày rỗi, ngày vui, hoặc ngày buồn cũng được, khoác ba lô đi hơn trăm kilomet chỉ để vào xứ Quảng gọi tô mì Quảng đúng ý mình, uống tách cà phê ở một góc phố nhỏ nào đó rồi trở về...

Người Huế có bận, phiêu bạt bốn bể năm châu, tận xứ sở của trái kiwi. Lòng thương nhớ Huế, thương nhớ luôn cả món mì của xứ Quảng, vì vậy lại tiếp tục kể lể, mô tả với những kẻ xa quê như mình, cho khỏi cơn thèm thuồng. Ai cũng hẹn ngày về. Ai cũng ngóng trông, chờ đợi ngày đặt chân lên đất Quảng để gọi một tô mì Quảng và lặng yên nhấm nháp từng sợi mì trắng chan một chút nước thịt gà kho vàng như nghệ.

Những năm tháng cách biệt xa xứ tận bên kia đại dương, người Huế trở về, chọn một hành trình, làm sao để được đáp xuống sân bay Đà Nẵng đầu tiên. Sau đó thủng thẳng gặp người thân, người quen sống ở xứ Quảng, rồi chỉ vòi vĩnh một thứ duy nhất là muốn được thưởng thức ngay lập tức món mì Quảng.

Nhắc nhớ thì buồn cười, chứ khi ấy ánh mắt người Huế sáng rực lên, miệng liến thoắng, đầy hứng khởi, vừa nói vừa cười hí hửng trong lòng: "Dạ, con thèm món mì Quảng đã hai năm rồi, không đợi được nữa". Người Huế ở lại xứ Quảng được một đêm, rồi sau đó ngược ra Huế, hẹn hò, hội ngộ với bạn bè thương mến xa gần.

Chuyến đi này, điểm dừng cuối cùng của người Huế là núi rừng Tây Nguyên, nơi có những mùa hoa dã quỳ vàng tỏa nắng dưới mặt trời, nơi có mùa hoa cà phê trắng bung xòe. Thế mà, người Huế vẫn còn thèm thuồng, thương nhớ mì Quảng của xứ Quảng không yên được. Hễ có dịp lại nhắc nhỏm hỏi, lại rủ rê đứa em đi tìm mì Quảng giữa lòng phố núi.

Rời xứ Quảng, rời xứ Huế mộng mơ về với phố núi với cha với mẹ, với em út dăm ba ngày rồi vẫn còn mong chờ được trở lại, để lang thang phố thành của nơi ấy, để được ghé tiệm mì Quảng làm một tô cho đỡ vấn vương trong bụng, trong dạ.

Bất giác, nhớ ra mình từng cà khịa với bạn phương xa rằng: “Tui về tui đi ăn mì Quảng, xong tui chụp hình tui khoe nghen”, rồi bật cười một mình. Hôm kia, hôm kìa, có một người Huế khác đang ở đâu đó bên kia bờ đại dương, nhớ món mì Quảng, nhắm mắt hình dung, rồi nói: “Muốn trở về lập tức, ghé xứ Quảng, làm ngay một tô mì Quảng cho đã cơn thèm thuồng thứ ẩm thực kỳ lạ ấy”.

Ai bảo “Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành?”, chứ tôi là cô gái Huế, lai chút hoang dã Tây Nguyên đây, mà ghiền mãi món mì Quảng của xứ Quảng. Thật tình, kinh nghiệm của kẻ phiêu bạt đúc kết cấm có sai bao giờ, đi thì nhớ, ở thì thương. Xứ Quảng hay xứ Huế, xứ người hay xứ ta, nơi nào có dấu chân mình, thì nơi đó có cả tình yêu và nỗi nhớ.

TRẦN BĂNG KHUÊ

.