Cải lương và người trẻ

.

Rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, nhiều người trẻ đã đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng từ góc nhìn sáng tạo của thế hệ “mới”. Võ Tuấn Nam (24 tuổi, trú Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong số ấy. Chàng họa sĩ minh họa và thiết kế đồ họa đã góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị của cải lương qua dự án artbook “Cải Lương Tâm Sử” đặc sắc.

Dự án artbook “Cải Lương Tâm Sử” giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền cải lương.                     Ảnh: D.C
Dự án artbook “Cải Lương Tâm Sử” giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền cải lương. Ảnh: D.C

Phương pháp bảo tồn độc đáo

Artbook (sách nghệ thuật) là cách gọi những cuốn sách tập hợp chủ yếu tranh ảnh, đồ họa thể hiện về một chủ đề nhất định. Trên thế giới, artbook không phải loại hình xa lạ nhưng là cơn sốt mới trong thời gian gần đây của giới trẻ Việt. Và Tuấn Nam, với sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại không chỉ thể hiện cái nhìn mới mẻ của người trẻ trước một thành trì làm nên bản sắc dân tộc mà còn gợi mở về phương pháp bảo tồn độc đáo.

Chàng trai quê Kiên Giang chia sẻ, ấu thơ của anh gắn liền với cải lương trong những lần cùng ngồi xem tivi với ông bà. Điệu lý, vũ đạo của bộ môn nghệ thuật này trở thành “món ăn” tinh thần quen thuộc và đầy niềm say mê với cậu học trò. Càng yêu mến, Tuấn Nam càng buồn khi nhận thấy tinh hoa văn hóa dân tộc đang dần mai một. Cũng chính vì vậy, Tuấn Nam không chút đắn đo lựa chọn đề tài cải lương khi thực hiện đồ án tốt nghiệp.

“Tôi mong muốn lưu giữ cũng như tri ân những bậc hiền nhân, nghệ sĩ đã tạo nên bộ môn nghệ thuật giàu đẹp này. Qua những thông tin cơ bản về bộ môn cải lương trong artbook, bạn đọc, nhất là các bạn trẻ, ít nhiều nắm được các khái niệm cơ bản về cải lương. Tôi hy vọng, từ hiểu, sẽ thành thương, thành yêu và cùng nhau gìn giữ…”, Tuấn Nam tâm sự.

Trong 8 tháng, chàng sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh miệt mài lên ý tưởng, tìm tài liệu từ nhiều nguồn, trải nghiệm thực tế các chương trình cải lương và nhờ sự trợ giúp từ thế hệ đi trước. Sau đó, Nam tỉ mỉ biên soạn, chỉnh sửa nội dung rồi phác hoạ, lên màu…

Lật giở từng trang sách, người xem dễ dàng hiểu và ghi nhớ về một thời vàng son của nghệ thuật cải lương, từ nguồn gốc đến các đặc trưng, như: ký âm, đạo cụ, soạn giả, thầy đờn, đào hát, kép hát, các vở cải lưởng cổ, các đoàn hát vang danh một thời…

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Không chỉ kỳ công hệ thống nội dung, Nam còn đặc biệt chú trọng nghệ thuật thị giác để thể hiện phần nhìn thông qua màu sắc, hình ảnh, tính biểu tượng… Chia sẻ về việc lựa chọn phong cách nghệ thuật Pop Art (viết tắt của chữ popular art, tức nghệ thuật đại chúng), Tuấn Nam bày tỏ: “Pop Art là hình thức nghệ thuật phản ánh hiện thực vật chất trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân.

Cải lương cũng thế. Không chỉ tương đồng ở sự gần gũi với người dân, Pop Art và cải lương đều gắn liền với những gam màu rực rỡ, hào nhoáng. Những bộ trang phục lấp lánh đá, cườm, kim sa, kim tuyến… được phối màu lộng lẫy, bắt mắt, phù hợp với ánh đèn sân khấu là một trong những đặc trưng của cải lương…”.

Lựa chọn gam màu Pop Art vốn được các bạn trẻ yêu thích, Tuấn Nam hy vọng điều này sẽ thu hút sự quan tâm cũng như giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận “viên ngọc quý” của kho tàng nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, khi kết hợp gam màu đậm chất Pop Art với nghệ thuật cải lương, anh luôn cân nhắc để bảo đảm sự thể hiện mới mẻ nhưng vẫn giữ được tinh thần Việt Nam.

Tuấn Nam cũng cho thấy sự lựa chọn của mình đầy thông minh và có chiến lược. Anh chia sẻ: “Thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ của Pop Art ở phương Tây là vào thập niên 1950-1960. Giai đoạn này cũng là thời kỳ vàng son của cải lương Việt Nam. Kết hợp Pop Art và cải lương, tôi muốn gợi mở cũng như nhấn mạnh về một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của “báu vật phương Nam” - Cải lương”.

Bên cạnh đó, theo anh, Pop Art gắn liền với doanh nhân và người nổi tiếng. Điều này thể hiện rõ ở việc phim ảnh Hollywood và báo chí thường sử dụng hình ảnh chân dung người nổi tiếng vẽ theo phong cách Pop Art. Và sử dụng Pop Art để tôn vinh những “tài hoa” trong nền cải lương Việt Nam là hướng xử lý mới của anh trong việc tri ân.

Có thể nói, dự án “Cải Lương Tâm Sử” không chỉ góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền mà còn nhen lên ngọn lửa tình yêu văn hóa Việt Nam trong chính trái tim người thực hiện. “Quá trình hoàn thành dự án, tôi có cơ hội hiểu hơn về cải lương. Đã yêu, tôi càng yêu hơn bộ môn nghệ thuật này.

Đồng thời, tôi cũng tiến bộ nhiều trong việc ứng dụng thiết kế vào các giá trị xưa cũ cũng như hiểu thêm về bối cảnh, con người, cách sử dụng typo (phong cách, sự trình bày và hiển thị của các chữ cái trên sản phẩm thiết kế) ngày xưa…”, Tuấn Nam hào hứng. Từ niềm yêu lớn lao ấy, Tuấn Nam sẽ tiếp tục thực hiện các dự án mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trước nhất là dự án artbook về 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Diệp Chi

;
;
.
.
.
.
.