Đà Nẵng cuối tuần
Xuất khẩu lao động: Giải pháp thoát nghèo!
Xuất khẩu lao động không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động trong nước mà còn mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung, từ đó góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Thủy làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác trao đổi lao động thời vụ giữa huyện Hòa Vang với huyện Yeongyang. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tín hiệu vui từ xuất khẩu lao động nông thôn
Trở về từ Hàn Quốc sau 3 đợt đi xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Văn Thủy (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) hồ hởi kể với chúng tôi về kinh nghiệm làm nông ở xứ sở Kim Chi: “Muốn làm việc tốt ở Hàn Quốc, điều đầu tiên là phải biết làm nông nghiệp, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Bên đó, mùa hè rất nóng, mùa đông rất lạnh. Trong đợt đi đầu tiên, mình làm việc nhiều giờ dưới trời nắng nóng 33oC. Còn đợt 2, 3, mình đi vào mùa đông, trời lạnh dưới 0oC nhưng người lao động mặc áo quần bảo hộ ra đồng đào củ sâm, hái ớt bình thường”.
Để tránh cái rét khắc nghiệt ở xứ sở Kim Chi, anh Nguyễn Văn Thủy và những người lao động cùng đi phải dậy sớm đốt lửa sưởi ấm trước khi bắt đầu công việc. Công việc chủ yếu là trồng ớt, hái dưa dấu, cải thảo và phun thuốc trừ sâu. Tuy không nặng nhọc như làm nông ở nước ta nhưng người lao động phải có kỹ năng làm nông và có tính nhẫn nại, chịu khó bởi công việc kéo dài nhịp nhàng và yêu cầu tính hiệu quả cao. Bên cạnh kỹ năng làm nông, người lao động còn phải biết một ít tiếng Hàn căn bản. Vì vậy, UBND huyện Hòa Vang đã đào tạo khóa cấp tốc trong 1 tuần để người lao động có thể giao tiếp tối thiểu khi qua làm việc.
Theo anh Thủy, khi biết tiếng Hàn, người lao động có thể giao tiếp với chủ vườn hằng ngày để tạo sự thiện cảm và xây dựng môi trường làm việc dễ chịu hơn. “Người Hàn ít biết tiếng Anh nên việc mình giao tiếp bằng tiếng Hàn là một lợi thế. Trung bình, mỗi tháng, người lao động thu nhập khoảng 2 triệu won (khoảng 36 triệu đồng). Trừ chi phí thuê nhà, khám sức khỏe, mua bảo hiểm, vé máy bay… thì còn khoảng 31 triệu đồng. Đi làm cùng với người Việt còn có người lao động ở các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Campuchia... do đó, nếu mình không nhanh nhẹn, chịu khó và làm việc kém hiệu quả thì lần sau họ sẽ ưu tiên tuyển người nước bạn”, anh Nguyễn Văn Thủy chia sẻ.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác trao đổi lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa UBND thành phố Đà Nẵng với huyện Yeongyang (Hàn Quốc), huyện Hòa Vang đã đưa 623 người đi lao động ở Hàn Quốc hoàn thành đúng thời hạn hợp đồng, trong đó có 9 lao động kết thúc trước thời hạn do một số lý do bất khả kháng. Phía huyện Yeongyang đánh giá cao sự hợp tác, kỹ năng làm việc của người lao động và đề nghị được tiếp tục chương trình hợp tác trong năm 2023 với số lượng lao động tham gia lớn hơn.
Tại các chương trình ngày hội việc làm do UBND huyện tổ chức hằng năm, số lượng người lao động hỏi thông tin và đề nghị nộp đơn tham gia chương trình rất cao. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND huyện tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp tại huyện Yeongyang.
Nói về tính hiệu quả của chương trình hợp tác trao đổi lao động giữa huyện Hòa Vang và huyện Yeongyang, ông Lâm Tiến Sĩ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết: “Qua các chương trình đã thực hiện, nhận thức và kỹ năng của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Người lao động phấn khởi, học tập được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có thu nhập khá cao, bình quân mỗi lao động thu nhập trên 110 triệu đồng mỗi đợt làm việc 3 tháng. Tổng thu nhập người lao động mang về trên địa bàn huyện trên 52 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp đột phá trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với những lao động nông nghiệp nằm trong vùng dự án, diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng”.
Chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn hiện tập trung chủ yếu ở 3 hình thức phổ biến, đó là: thông qua doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động; thông qua hình thức thực tập nâng cao tay nghề và theo hợp đồng cá nhân tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc của chương trình EPS (Employment Permit System) do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện. Thời gian qua, các doanh nghiệp nỗ lực chủ động mở rộng khai thác các thị trường và tìm kiếm nguồn lao động thông qua các cơ quan lao động, các tổ chức đoàn thể của địa phương cũng như ở các tỉnh, thành phố khác.
Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Chính sách - Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cũng cho biết: “Thực tế cho thấy, các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động đóng trên địa bàn Đà Nẵng nhưng hoạt động khắp các tỉnh miền Trung, vì thế người lao động đi xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố tập trung là lao động ngoại tỉnh, lao động của thành phố Đà Nẵng tham gia xuất khẩu lao động rất thấp. Do đó, chưa thực sự tham gia tích cực vào mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động của Đà Nẵng”.
Bên cạnh đó, do thị trường lao động tại Đà Nẵng phát triển, người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm nhanh, thu nhập ổn định nên người lao động có hộ khẩu tại Đà Nẵng đa số không có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Số lượng người có hộ khẩu thành phố tham gia vào chương trình xuất khẩu lao động chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 22,5%/tổng số lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, để giải quyết việc làm cho người lao động nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, thành phố cần có chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động nghèo ở khu vực nông thôn.
Muốn làm được điều này, các địa phương, đơn vị có liên quan cần tăng cường tuyên truyền chương trình hỗ trợ cho vay vốn đối với hộ nghèo có lao động tham gia xuất khẩu lao động, tập trung nguồn lực kết hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với lao động nghèo để đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đẩy mạnh phối hợp Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động đi làm việc nước ngoài về nước; đồng thời đưa hoạt động đào tạo trở thành một hoạt động thường xuyên để chuẩn bị lực lượng lao động có tay nghề, được đào tạo và giáo dục định hướng tốt để cung ứng lao động kịp thời và phù hợp với yêu cầu thị trường lao động ở nước ngoài.
Hơn 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài Trong gần 10 năm (2013-2022), các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa 2.008 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động có hộ khẩu tại Đà Nẵng là 493 người, bao gồm thị trường Nhật Bản: 277 người, Hàn Quốc: 135 người, Đài Loan (Trung Quốc): 35 người, Malaysia: 9 người, Lybia: 9 người, Rumani: 2 người, UAE: 16 người, Hà Lan: 1 người, Thái Lan: 4 người, Đức: 4 người và Singapore: 1 người. Các ngành nghề chủ yếu của người lao động khi làm việc ở nước ngoài là sản xuất chế tạo, xây dựng, cơ khí, lắp ráp điện tử, nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG