Đà Nẵng cuối tuần
Châu Âu trả tiền cho người đi làm bằng xe đạp
Một số quốc gia châu Âu trả tiền nhằm khuyến khích người dân đi làm bằng xe đạp thay vì ô-tô hay xe buýt, xem đây là giải pháp giảm lượng khí carbon, giảm tình trạng ùn tắc giao thông và nâng cao sức khỏe.
Những người đi làm bằng xe đạp ở Bỉ có thể yêu cầu trợ cấp khoảng 0,24 euro/km. Ảnh: Discoveringbelgium |
Theo Liên đoàn Xe đạp châu Âu (ECF), trên khắp “lục địa già” có hơn 300 chương trình ưu đãi thuế và hỗ trợ người mua xe đạp đi làm.
Xe đạp nhiều hơn số dân
Hà Lan là “Vương quốc xe đạp” bởi nước này sử dụng xe đạp nhiều nhất thế giới với 22,5 triệu xe, trong khi dân số chỉ có 17,5 triệu người, tức là số xe đạp nhiều hơn số dân. Văn hóa đạp xe ở Hà Lan là một quá trình kéo dài nhiều thập niên. Nhiều người dân Hà Lan thay vì mua siêu xe ô-tô thì chọn xe đạp làm phương tiện đi lại hằng ngày. Mạng lưới đường xe đạp của Hà Lan trải dài gần 35.000km và mỗi năm nước này chi phí cho cơ sở hạ tầng xe đạp khoảng 400 triệu euro.
Người Hà Lan đạp xe trung bình 2,6km/ngày. Theo một nghiên cứu, nếu mô hình đạp xe được nhân rộng trên toàn thế giới, lượng khí thải carbon toàn cầu hằng năm sẽ giảm 686 triệu tấn - nhiều hơn toàn bộ lượng khí thải carbon của Anh.
Chính phủ Hà Lan khuyến khích thói quen lành mạnh này bằng cách cung cấp cho người đi xe đạp một khoản “trợ cấp theo dặm”. Từ năm 2006, các doanh nghiệp thưởng cho những người đi xe đạp khoảng 0,19 euro/km - khoản chi tiêu được phép khấu trừ vào hóa đơn thuế. Khoản “trợ cấp theo dặm” chỉ dành cho những người lái xe yêu cầu để trang trải chi phí nhiên liệu, nhưng được mở rộng cho người đi xe đạp vào năm 2007. Xe đạp không cần xăng đắt tiền nên người đi xe đạp có thể bỏ túi khoản tiền này. Theo đó, một người đi xe đạp 10km/ngày và 5 ngày một tuần thì có thể kiếm được khoảng 450 euro/năm.
Nhiều chính sách trợ cấp
Bỉ có chính sách tương tự Hà Lan. Những người đi làm bằng xe đạp có thể yêu cầu trợ cấp khoảng 0,24 euro/km. Theo tờ Brussels Times, trong 6 tháng đầu năm 2022, cứ 5 nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Bỉ thì có một người được nhận trợ cấp. Thống kê của Tổng vụ Giao thông Brussels cho hay, mỗi ngày có khoảng 2.000 người đi xe đạp tại Bỉ.
Pháp có kế hoạch trở thành “quốc gia xe đạp”. Những người đi làm bằng xe đạp ở nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới có thể yêu cầu trợ cấp gần 0,25 euro/km, tối đa khoảng 200 euro/năm.
Từ năm 2020, giới chức thành phố Paris đã tổ chức nhiều điểm cho thuê xe đạp tự động. Chỉ cần cài một phần mềm và tài khoản ngân hàng, người sử dụng có thể lấy và trả xe tại hàng trăm điểm khác nhau. Năm 2023, Pháp dự kiến phát triển thêm các làn xe đạp, xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với người đi xe… Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune từng phát biểu với báo giới rằng muốn biến xe đạp thành phương tiện giao thông thực sự, chứ không đơn thuần để thư giãn.
Tại Ý, việc tiếp cận các chương trình đi làm bằng xe đạp tùy thuộc vào nơi sinh sống vì chính sách ưu đãi khác nhau tùy theo khu vực hoặc tỉnh. Chẳng hạn, ở Bari - thủ phủ vùng Puglia của Ý, những người đi làm bằng xe đạp nhận được khoảng 0,21 euro/km và tối đa hơn 25 euro/tháng.
Giảm thuế
Một số nước không trợ cấp cho người đi làm bằng xe đạp nhưng áp dụng những biện pháp khác như khuyến khích mua trang thiết bị. Tại Luxembourg, những người đạp xe đi làm có thể được khấu trừ tới 300 euro thuế thu nhập cá nhân để mua một xe đạp mới.
Tại Anh, nhân viên của các doanh nghiệp đã đăng ký chương trình chính thức đi làm bằng xe đạp có thể mua một chiếc xe đạp thông qua chủ lao động. Họ có thể yêu cầu giảm tới 32% chi phí thực tế của chiếc xe đạp khi khấu trừ thuế.
Năm 2020, thủ đô London của Anh đã phát động chương trình “Không gian đường phố” nhằm tăng cường thêm các làn đường dành cho xe đạp và mở rộng lối đi cho người đi bộ. Các nhà chức trách London mong muốn số lượng người đi xe đạp sẽ tăng gấp 10 lần và người đi bộ tăng gấp 5 lần.
Đi xe đạp không những bảo vệ môi trường mà còn được xem là môn aerobic tuyệt vời. Theo thống kê của Hiệp hội Y khoa Anh, việc duy trì đạp xe 30 phút mỗi ngày giảm đáng kể số lượng người mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường… Một nghiên cứu khác cho thấy, những người đạp xe đi làm có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn 45% và nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 46% so với những người khác.
KHÁNH LINH (theo Euronews, World Economic Forum)