Đà Nẵng cuối tuần
Điểm sáng chương trình tín dụng
Hoạt động tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng và khả năng cân đối ngân sách theo từng giai đoạn trong những năm qua giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với đó, sự đa dạng của các chương trình tín dụng góp phần đẩy lùi và hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố (đứng giữa) thăm mô hình phát triển sản xuất của người dân hưởng lợi từ chương trình tín dụng chính sách. Ảnh: T.Y |
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Tròn 5 năm sống trong căn hộ 51,5m2 gồm 2 phòng ngủ tại khu chung cư Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, chị Lê Thị Mai (SN 1984) cảm thấy may mắn khi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu hỗ trợ vay gần 50% giá trị căn hộ. Ngày chị Mai tự tay mở khóa bước vào căn hộ chung cư cũng là ngày chị khép lại 15 năm ở trọ trong những dãy nhà chật chội nằm sâu trong hẻm nhỏ.
Theo chị Mai, nếu không tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ, có thể bây giờ gia đình chị vẫn đang ở trọ. Bởi lẽ, với đồng lương giáo viên eo hẹp, cộng nhiều khoản tiêu dùng cá nhân, chị khó có cơ hội tích góp đủ tiền mua nhà, đất.
“Năm 2018, tôi được tổ chức Công đoàn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) giới thiệu các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chương trình vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Theo chính sách này, tôi có thể vay tối đa 80% giá trị nhà ở xã hội trong thời gian 25 năm, lãi suất trung bình khoảng 4,8%/năm nên quyết định liên hệ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu nhờ hướng dẫn, làm hồ sơ vay vốn”, chị Mai cho hay.
Chuyện gia đình bà Nguyễn Thị Lai (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) có 5 cô con gái lần lượt vào đại học trở thành tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học giỏi ở đất Thanh Khê. Tuy nhiên, ít ai biết, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không ít lần gia đình bà Lai rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau.
Đặc biệt, khi con gái đầu Nguyễn Thị Thanh Chung trúng tuyển vào Trường Đại học Y dược (Đại học Huế), gia đình vừa mừng, vừa lo bởi nguồn thu nhập không đủ nuôi con ăn học. Bà Lai chia sẻ: “Hôm nhận thông báo nộp học phí, vợ chồng tính đến chuyện vay nóng để con có thể đến trường.
May mắn, giữa lúc bối rối chưa biết chọn hướng nào thì tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây giới thiệu chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi mạnh dạn vay 8 triệu đồng đóng học phí cho con. Sau Thanh Chung, các con Quỳnh Trang, Thanh Dung, Kiều Nhung và Thanh Hoàng lần lượt thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Suốt những năm tháng nuôi con ăn học, chúng tôi vay 128,7 triệu đồng, đến nay đã trả hết”.
Hiện nay, trên cơ sở tham mưu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND thành phố tập trung chỉ đạo các sở, ngành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chính sách cho vay đối với hộ có mức sống trung bình phục vụ sản xuất kinh doanh và cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo chuẩn thành phố) vay trang trải chi phí học tập cho con là học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Khi chính sách cho vay học sinh, sinh viên được triển khai thì các hộ nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn thành phố sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi như các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn Trung ương như hiện nay. Đây là những chính sách tín dụng mới giàu tính nhân văn và sẽ sớm được thành phố triển khai trong thời gian tới. Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố |
Có thể nói, hiệu quả hoạt động giảm nghèo, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, duy trì mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới, trang trải chi phí học tập và mua nhà ở xã hội… có đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho biết, hiện nay chương trình tín dụng chính sách đã triển khai đến 100% xã, phường; 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều có thể tiếp cận nguồn vốn vay.
Theo bà Hoa, tính ưu việt của các chương trình tín dụng chính sách là hồ sơ vay vốn đơn giản, thời gian cho vay dài, lãi suất cố định trong suốt thời gian vay. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng được hội, đoàn thể nhận ủy thác hướng sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Ngoài tập trung các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, Nhà nước khuyến khích người dân tham gia hoạt động tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất, vay trang trải chi phí học tập nhằm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Tăng cường khả năng tiếp cận của người dân
Hơn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng có hơn 422.602 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ gia đình chính sách vay 9.801 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, thành phố luôn ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn. Cùng với sự phát triển của thành phố và khả năng cân đối ngân sách theo từng giai đoạn, ngân sách địa phương đã dành nguồn lực tương ứng để bổ sung nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
Đặc biệt, kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thành phố đã tập trung nguồn lực bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ sự vào cuộc này, nguồn vốn hiện nay đã tăng gần 20 lần so với thời điểm năm 2015, dư nợ bình quân mỗi xã, phường của thành phố thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Theo ông Phụng, cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách địa phương, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Các cơ chế, chính sách cho vay ngày càng chặt chẽ, phù hợp hơn với tình hình thực tế địa phương.
“Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các cấp, ngành, địa phương cần thường xuyên phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước”, ông Phụng đề nghị.
Từ đầu năm 2023, Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác đợt 1 số tiền 150 tỷ đồng sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách cho vay nhà ở xã hội, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm... Bên cạnh đó, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các xã, phường rà soát mức sống của hộ kinh tế trung bình, cung cấp cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay.
Theo bà Mai Hoa, thực hiện chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố được Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phân bổ nguồn vốn hơn 512 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận, chi nhánh đã giao chỉ tiêu tín dụng về xã, phường, yêu cầu tích cực giải ngân đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế của người dân, đặc biệt là nhu cầu xây, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập... Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng chính sách trên địa bàn thành phố đã giải ngân cho 5.490 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 388 tỷ đồng.
“Để nâng cao chất lượng nguồn vốn vay ưu đãi, hạn chế nợ xấu, nợ quá hạn, chúng tôi thường xuyên tổ chức đoàn giám sát, phản biện xã hội liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời phổ biến sâu, rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình tín dụng. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng chính sách không ngừng tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự nhằm thực hiện tốt công tác tín dụng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả”, bà Kim Hoa nói.
Hoạt động tín dụng chính sách tăng trưởng mạnh Hoạt động tín dụng chính sách 3 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng mạnhvới tổng nguồn vốn đạt 4.100 tỷ đồng (tăng gần 173 tỷ đồng so với năm 2022), trong đó nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất đạt gần 396 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch giao). Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 1.875 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,7%/tổng nguồn vốn (tăng 184 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022). Ngoài ra, có 32.109 khách hàng được hỗ trợ lãi suất quý 1-2023 số tiền trên 7 tỷ đồng, từ chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30-8-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý. Nguồn: Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố |
TIỂU YẾN