Đà Nẵng cuối tuần
Hy vọng mới cho người mắc bệnh lý ác tính
Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương. Bằng sự phối hợp chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, các bác sĩ đã chữa lành cho bà Lê Thị Ca (57 tuổi, ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) người trước đó được chẩn đoán đa u tủy xương giai đoạn 3.
Đây là thông tin rất tích cực với ngành y tế thành phố sau một thời gian dài vật lộn với tình trạng thiếu thuốc men, vật tư trang thiết bị. Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân như trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Ca là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng.
Lãnh đạo Sở Y tế tặng hoa cho ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng và bệnh nhân sau khi thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân. Ảnh: K.T |
Thông tin tích cực này trước hết mang nhiều ý nghĩa với những người không may mang bệnh hiểm nghèo. Do từ trước đến nay khi xác định mang những căn bệnh ung thư ác tính, người bệnh miền Trung phải chấp nhật thực tế khăn gói đến hai đầu đất nước để mong có cơ hội được cứu chữa. Những ai không may có người thân mang phải bệnh hiểm nghèo mới hiểu hết những trần ai trong hành trình duy trì sự sống.
Bởi chưa nói đến việc duy trì đủ nguồn tài chính để điều trị bệnh, việc theo hết hành trình ra Bắc vào Nam để tìm cơ hội điều trị cho người thân cũng đã là một câu chuyện dài không bút mực nào tả xiết. Chính vì vậy mới thấy hết giá trị của việc làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Vì từ đây mở ra một cơ hội điều trị cho rất nhiều loại bệnh như bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin, ung thư tinh hoàn… Hằng năm sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người không may mang bệnh được nhờ một khi tại địa phương làm chủ được kỹ thuật điều trị này.
Thật ra Bệnh viện Đà Nẵng không phải là đơn vị đầu tiên ở thành phố làm chủ được kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân. Trước đó ít tháng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật tương tự. Nhưng khi nhìn vào tổng thể phát triển chung của Bệnh viện Đà Nẵng nói riêng và ngành y tế thành phố nói chung thì đây thực sự là một cột mốc trên con đường trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu cả nước.
Điều này cho thấy một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, thể hiện trình độ chuyên môn của các bác sĩ đã và đang làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, mở ra hướng đi mới và hy vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính. Đặc biệt là khi biết rằng vào ít tháng nữa thôi, Công trình Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc đi vào hoạt động.
Những nội dung đào tạo và chuyển giao về ghép tế bào gốc như trường hợp của bệnh nhân hay những kỹ thuật chuyển giao ghép gan, ghép tủy sắp tới đây trở thành kỹ thuật điều trị thường nhật tại bệnh viện. Đây là điều đáng mừng trên hành trình hướng đến các mục tiêu phát triển y tế trở thành lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao của thành phố để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị của người dân, đáp ứng yêu cầu của một thành phố sống tốt như định hướng của Bộ Chính trị.
Bệnh viện Đà Nẵng định hướng phát triển theo tiêu chí là bệnh viện “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu”. Trong những năm qua, thành phố đã dành nhiều nguồn lực để cũng cố các “chuyên khoa sâu” bằng việc hình thành các trung tâm trong bệnh viện.
Hiện nay ngoài Trung tâm Tim mạch đã đi vào hoạt động hiệu quả, can thiệp cứu sống rất nhiều trường hợp thập tử nhất sinh thì sắp tới sẽ có thêm Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình đi vào hoạt động. Ngoài ra, trong tương lai không xa, một loạt các trung tâm chuyên khoa sâu khác cũng sẽ tiếp bước ra đời…
Theo TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc bệnh viện, từ năm 2020, cùng lúc 6 ê-kíp vượt “bão” Covid-19 đi học theo lối cầm tay chỉ việc dưới sự chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Nhờ đó quá trình Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc “đang tiếp tục được hình thành” gặp thuận lợi. Trong khi việc đào tạo nhân lực cần nhiều thời gian so với đầu tư thiết bị máy móc, công bằng mà nói thời gian qua trình độ chuyên môn ở Bệnh viện Đà Nẵng đã được hình thành nhanh chóng nhờ có được sự đầu tư “tổng lực” và sự hiệp đồng giữa nhiều chuyên khoa sâu.
Con đường bệnh viện hướng đến trong thời gian tới theo bác sĩ Nhân đây là xây dựng trung tâm có thể triển khai tất cả nội dung liên quan đến ghép. Đặc biệt là tập trung cho những chuyên khoa sâu như ghép tạng cũng như ghép tế bào gốc.
Do vậy những thành tựu như trường hợp ghép tế bào gốc tự thân hay đề tài ghép tủy cho những trường hợp chấn thương cột sống gây tình trạng bại liệt mà bệnh viện vừa báo cáo với Bộ Y tế thật sự là những thành tựu mới đáp ứng được những mong mỏi của người bệnh miền Trung. Điều này cho thấy sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để hướng từng mũi nhọn cụ thể của các trung tâm này trong quá trình hình thành và đi vào hoạt động.
Đồng thời việc đào tạo có địa chỉ, nội dung, kế hoạch, lộ trình cụ thể giúp người bệnh có thể an tâm với sự chuẩn bị để đồng loạt đưa bệnh viện tiến tới những mục tiêu cao hơn trong vấn đề chuyên môn, điều trị.
Riêng với những bệnh nhân đang điều trị bệnh lý ác tính, việc không phải di chuyển đến những địa phương xa xôi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hoặc đến các cơ sở y tế của Trung ương mà vẫn có thể được điều trị khỏi đã là sự trút bỏ gánh nặng. Mong rằng từ đây, những người bị ung thư máu, người mang các bệnh lý về máu ác tính sẽ được điều trị thành công từ năng lực chuyên môn cũng như sự nỗ lực cố gắng làm chủ kỹ thuật chuyên sâu của đội ngũ bác sĩ ngành y tế thành phố.
KHÔI TRIẾT