Đà Nẵng cuối tuần
Rưng rưng tóc trắng
Anh Út quơ ào ào những thúng, mủng, liềm, kéo, dây nilon, lưới mành mành… trên bộ ván ở mái hiên để lấy chỗ thoáng nhất cho khách ngồi. Anh gãi đầu gãi tai rằng nhà nông mà, mấy cô thông cảm, ngày nào cũng ra đồng nên không có thời gian dọn dẹp, cứ ắp lẵm đó đi, hôm nào Chủ nhật hoặc có đám có tiệc gì thì dọn luôn một thể.
Chúng tôi cười xòa rằng nhà nông mình ai cũng vậy anh ạ, tụi em cũng lớn lên từ nhà nông mà. Ly nước anh Út bưng ra mời khách cũng bị chủ nhân của nó cười ngại ngùng, rằng nhà không có phụ nữ, nên cái gì cũng qua loa đại khái vậy
Một bóng tóc trắng từ trong phòng được anh Út dìu ra mái hiên. Mắt của bà đã bị lòa vì tuổi tác nên dù được dìu đi nhưng hai tay bà vẫn huơ về phía trước, như rằng để tự mình lường trước những chướng ngại vật vậy.
- Đây… má tui đây! Người phụ nữ có trí nhớ dai nhất quả đất… tám mấy tuổi mà kể chuyện năm mươi năm trước giòn như bắp rang bơ đây!
- Cái thằng…
Giọng người già yếu ớt nhưng không run rẩy, báo hiệu sức khỏe bà khá ổn.
Bà chính là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ân.
***
Hai mươi tám tuổi, mẹ Ân có chồng và hai đứa con. Ông Sáu, chồng của mẹ làm công nhân đồn điền cao su nhưng bản thân là cơ sở mật của cách mạng.
Mỗi ngày, từ Hưng Thuận đi vào đồn cao su Thanh Tuyền làm việc, ông phải mất 20km đạp xe. Đường vắng, người thưa, giờ giấc làm việc đặc biệt nên đó cũng là thời gian vàng để ông Sáu mang thứ này thứ kia như mớ thuốc rê, ít thuốc đỏ bông băng, hay vài phần thuốc tây cho các anh, các chú.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hơn hai năm rồi, ông Sáu không nghĩ gì đâu, công lao công trạng gì đó chỉ là điều xa vời, tiện đường thì làm thôi. Như là giúp đỡ người khó khăn vậy mà.
Vậy mà tên khốn nào đó đã mách lẻo với cấp trên rằng ông Sáu “làm cách mạng” khiến tên cai đồn điền đánh ông đến ói máu. Nó hỏi ông thời gian qua đã gặp những ai, tên gì? Ai mà biết ai, ai mà biết tên gì? Chỉ là lời nhờ mua vài thứ đồ mà ai cũng phải cần thôi. Ai nhờ ai? Ai nhờ qua nhờ lại?
Ông Sáu làm sao biết ai nhờ, tất cả là do vợ ông, bà mua sẵn rồi nhờ chồng trên đường đi làm thì bỏ mớ đồ đó ở chỗ này, chỗ kia thôi. Nhưng không lẽ nói là vợ mình, ông chỉ đáp, là một người luôn đội nón kín mặt nhờ.
Không moi được tin tức gì nữa, thằng cai tức tối đánh thêm ông Sáu một trận nữa, rồi cho nghỉ việc.
Những cơn “bệnh hậu” của mấy trận đòn làm ông Sáu cứ ho ra máu mãi. Bà con chòm xóm đếm thăm, bày vợ ông hái lá Trường đâm với cua đồng cho chồng uống. Vết thương ngoài da thì thoa rượu mật gấu. Cũng êm êm mấy ngày. Nhưng rồi một hôm ông Sáu bỗng ói ra máu. Cả xóm náo động, người giàu nhất xóm là ông Tư Xệ có cái xe bò, cũng bắt ách đôi bò đánh thúc chở ông Sáu lên bệnh viện huyện. Bác sĩ bảo ông Sáu bị “xuất huyết bao tử” do di chứng nội thương.
Ba ngày sau, ông Sáu mất.
Hai Nhựt, con trai lớn của ông Sáu lúc ấy mới 15 tuổi nhưng cậu bé biết vì sao cha mình chết. Sau tang cha, em thưa với má cho mình đi làm cách mạng “trả thù cho ba”. Người mẹ vừa đội tang chồng vô cùng bất ngờ vì ý chí của thằng con trai mà bà cho rằng hãy còn quá bé nhỏ.
Nhưng khi biết chính ông hàng xóm tên Tư Xệ là “người cách mạng” thì bà đã an lòng.
***
Chiều mùa hạ năm 1972. Người con trai 15 tuổi tên Hai Nhựt rời khỏi xóm ấp Hưng Thuận quen thuộc để “đi làm cách mạng” về hướng căn cứ Trung ương Cục.
Trên tay em là chiếc bòng được mẹ may gấp từ cái ruột gối của mình, để Nhựt đựng vào đó hai bộ quần áo, cái giàn ná thun quen thuộc và đôi dép nhựa mới mua. Đó là tất cả gia tài khi Hai Nhựt “đi làm cách mạng” với niềm tin “mỗi tháng về thăm má một lần”. Nhưng người mẹ không bao giờ ngờ được, đó là lần chia tay mãi mãi.
***
Đi suốt hai ngày đêm, Hai Nhựt đến khu vực Căn cứ lõm Năm Trại. Đó là một căn cứ nhỏ, lọt thỏm giữa vùng đất trũng của kênh, đìa và trảng nước mênh mông. Nhưng là điểm trung chuyển của cách mạng khi đón người từ các tỉnh miền Tây Nam bộ vượt sông Vàm Cỏ Đông để về Trung ương Cục.
Những chiến sĩ cách mạng sẽ nghỉ lại Năm Trại một đêm trên những căn chòi ở giữa ngọn cây xà cừ của vùng cứ lõm này. Xà cừ ở đây nhiều, nhưng đặc biệt có năm cây, ngọn nó chia thành “chạc ba” và những người chiến sĩ cách mạng tài hoa đã biến nó thành một ngôi nhà nhỏ trên cây. Vì vậy nên người ta gọi vùng cứ này “cứ Năm Trại”
Hai Nhựt được ở lại nơi đây nhận nhiệm vụ làm giao liên, sinh sống ở vùng ngoài Năm Trại. Một cơ sở cách mạng ở đấy đã nhận cậu bé Nhựt là cháu họ để em được hợp pháp ở lại nhà.
Ngày đó, muốn vào căn cứ Năm Trại, mọi người phải qua Trảng Ông Tên. Có một người đàn ông tên Chín Tên ở đầu trảng. Ông nuôi heo trên chuồng, thả cá ở ao dưới sàn. Ông Chín Tên không làm việc cho “bên” nào cả. Người của cách mạng ghé ông “chia lại” mớ thuốc rê, xấp giấy quyến hoặc vài viên đá hột quẹt hay lít đầu hôi ông đều bán. Lính của đồn Trường Lưu mon men xuống ông uống ly trà, ăn con khô nướng để hỏi thăm đường vào cứ Năm Trại, ông cũng hướng dẫn.
Chỉ là…
- Đường vào cứ Năm Trại dễ ẹc thôi mấy chú! Chỉ cần long mình qua cái trảng này là xong. Nhưng qua báo trước là đất không chân nha! Mấy chú tướng tá bự xự, súng ống đầy mình, qua thì gầy như con cá mắm. Có gì qua không cứu mấy chú nổi à nhen! Thông cảm nhen!
Lính đồn bao phen muốn vào cứ Năm Trại đều bị “ông thần gác cổng” này chặn lại. Nhưng nói rồi, ông vẫn không theo “phe” ai dù các ông cách mạng có năn nỉ mời gọi.
- Mấy chú để cho qua bình yên nha. Nhiều khi cứ trung lập vầy mà giúp được mấy chú đó! Chứ có khi theo mấy chú rồi, bọn lính đồn Trường Lưu nó biết, “đòm” qua một phát là theo ông theo bà luôn!
Và Hai Nhựt là cậu bé giao liên mà ông Chín Tên thương mến nhất. Ngày ngày Hai Nhựt vẫn theo bà con xóm ấp long mình qua trảng, vào Năm Trại để trồng mì, trỉa đậu, bắn con chim con cò làm món ăn cho tuổi mới lớn của mình. Từ chỗ ông Chín Tên, cậu giao liên Hai Nhựt đã tiếp tế thêm vài món khô mắm cho mấy cô mấy chú cách mạng trong Năm Trại. Bữa ăn của mấy chú ấy được “tươi” hơn thì cái chân đi khỏe hơn, cách mạng mau thành công hơn. Bây giờ Hai Nhựt đã hiểu. Ông Chín thật là cao siêu.
***
Hai Nhựt nhận được lệnh rằng đêm nay quân cách mạng sẽ công đồn Trường Lưu, giao liên Nhựt hãy làm hoa tiêu. Em bé nhỏ, chưa tiện sử dụng súng ống thì chỉ cần đưa các anh các chú đến chân hàng rào đồn là được.
Thế nhưng... Bộ đội Năm Trại đã qua được hàng rào của đồn Trường Lưu. Khí thế đang hừng hực xông lên vì sau mấy đêm mưa đầu mùa mát mẻ, lính đồn đã ngủ quên hết rồi. Thế tấn công như chẻ tre, đồn sẽ thay ngôi đổi chủ trong vài chục phút nữa. Vậy mà lớp kẽm gai cách hàng rào chục mét ấy đã làm vật cản bước chân những người chiến sĩ cách mạng.
- Uỳnh!
- Uỳnh!
- Uỳnh!
Ba tiếng nổ đanh khô. Tiếng bước chân sầm sập của lính đồn. Chiến sĩ cách mạng phải quay lui để bảo toàn lực lượng. Một số đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại dưới chân đồn Trường Lưu.
Quân cách mạng điểm danh, ngoài những chiến sĩ đã thành liệt sĩ thì em giao liên tên Hai Nhựt cũng đã hiến dâng xác thân mình cho đất mẹ.
***
Tin dữ đưa về Hưng Thuận, người phụ nữ năm trước mất chồng, năm sau mất con đã không còn nước mắt để khóc. Bà biết đó là lỗi của chiến tranh nhưng sao con tim đau thế này? Trong mắt bà, hình dáng đứa con gầy gò mang chiếc bòng trên vai tung tăng “đi làm cách mạng” hồn nhiên quá đỗi. Lời hẹn “một tháng về thăm mẹ một lần” nhưng suốt một năm qua, con cũng chưa lần thực hiện.
Bây giờ thì tất cả chỉ có tờ giấy báo tử này đây.
***
Nhiều năm sau, mẹ Nguyễn Thị Ân được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Buổi lễ trang trọng tổ chức tận trên hội trường Ủy ban tỉnh, xe đưa đón tận nhà, quà tri ân đỏ vàng ngập cả gian phòng khách nhỏ. Nhưng mẹ chỉ có nguyện vọng duy nhất là trước khi nhắm mắt, tìm được di vật nào đó còn sót lại của đứa con đầu lòng mãi mãi tuổi 15 của mẹ.
Liệt sĩ Ngô Văn Nhựt (Hai Nhựt) không có bia mộ, vì trận công đồn năm đó đã không tìm được xác thân anh. Chỉ có họ tên anh là được khắc vào bia tưởng niệm của Ủy ban xã - nơi anh hi sinh.
Chúng tôi là lớp cán bộ xã mới toanh, đến thăm Mẹ vào những ngày lễ lớn của đất nước. Nhưng lần này có một sự việc đặc biệt hơn, là anh Út muốn hợp tác với chúng tôi để giúp người mẹ già hoàn thành tâm nguyện vì anh đã làm sẵn cái giàn ná thun y như của liệt sĩ Nhựt ngày ra đi. Anh muốn nhờ chúng tôi nói là tìm được nó ở nhà ông Ba Hô. Chúng tôi biết nói dối người già là không nên nhưng để giúp Mẹ hoàn thành tâm nguyện thì phải cố gắng làm.
Tiếng anh Út liếng thoắng:
- Má, má, ba mươi tháng tư ngày thống nhất đất nước. Mấy cô ở Ủy ban xã đến thăm má nè. Mà hình như có quà bất ngờ cho má nữa đó… phải không mấy cô?
- Cái thằng… già hai thứ tóc mà còn ham quà cáp. Anh Út bây nói chơi đó. Đừng ngại nha mấy con!
Mẹ anh hùng vừa rầy trai Út, vừa phân bua với khách làm chúng tôi áy náy vô cùng.
- Dạ… anh Út nói thật đó mẹ. Tui con đến lần này có mang một tin vui cho mẹ. Là… dạ là…
- Là gì đó? Bây đừng làm mẹ hồi hộp nhen? Già rồi, hồi hộp dễ cao máu lắm à.
- Dạ… là gia đình bác Ba Hô, nơi liệt sĩ Hai Nhựt cư ngụ hồi đó đó, họ xây cất lại nhà và phát hiện dưới nền móng có cái giàn ná thun y như của liệt sĩ Nhựt ngày xưa hay dùng ạ!
- Ủa, mẹ nghe chú Ba Hô đã mất lâu rồi mà? Ông trẻ hơn mẹ mà đi trước mẹ đó! Mẹ anh hùng thảng thốt.
- Dạ, thì bác ấy đã mất, nhưng các con bác ấy làm nhà và phát hiện.
- Đâu? Bây đưa mẹ coi coi. Trời ơi, gần năm mươi năm, lẽ nào.
Đôi tay gầy của Mẹ huơ về phía trước. Chiếc giàn ná thun đã được anh Út cẩn thận đến nỗi gọt xong thì hơ lửa cho cháy xém xém rồi ngâm vào đất đỏ cho ướm đầy bùn sình như là nó nằm dưới mặt đất lâu năm vậy.
Mẹ anh hùng đón lấy chiếc giàn ná thun mà bây giờ chỉ là cái đoạn cây gỗ hình chữ Y nham nhám. Bàn tay bà xoa xoa rờ rẫm lên xuống chiếc ná ấy. Gật gù rằng ừ năm mươi năm qua, thun mục hết rồi là phải. Mà cái giàn ná này anh Hai bây làm từ nhánh cây ổi sẻ ở trong vườn nên nó bền chắc lắm. Lại bị nằm dưới đất nền nhà nên không mục là đúng rồi.
Mẹ tâm sự mà như tự sự khiến chúng tôi ai cũng cay cay khóe mắt. Lòng dấy lên cảm giác có lỗi với người già vì đã hợp tác một lần nói dối.
- Má, tìm được kỉ vật của anh Hai rồi… má vui nhen má… Anh Út nói
- Ừ má vui lắm chứ… Nhựt ơi…hức… hức…
Giọng khàn của người già chùng xuống khiến chúng tôi phải khóc theo. Mái tóc trắng như đang rưng rưng theo từng tiếng nấc làm lớp người trẻ chúng tôi xúc động quá đỗi.
Anh Út vỗ vỗ lưng mẹ mình rằng má đừng khóc nữa. Biết má khóc vầy, thì con ém nhẹm luôn cái giàn ná của anh Hai chứ để má biết chi cho tốn nước mắt. Mẹ quẹt dòng lệ rưng rưng, “cái thằng…”. Rồi mẹ lặng im nhìn nắng đang lao xao ngoài cửa.
ĐÀO PHẠM THÙY TRANG