Đà Nẵng cuối tuần
'Mê Kông - Chuyện đôi bờ'
Với mong muốn giúp người xem hiểu rõ hơn về cuộc sống người dân hai bên bờ con sông Mê Kông, nghệ sĩ nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt Lâm Đức Hiền đã thực hiện cuộc hành trình trải dài 4.200km dọc con sông bằng 28 chuỗi ký sự hình ảnh, ký ức cá nhân để ghi lại miền ký ức tuổi thơ. Dòng sông Mê Kông vừa là ranh giới giữa Thái Lan và Lào, vừa là mối liên kết mảnh đất của những phận đời pha trộn nhiều nền văn hóa khác nhau.
Dòng sông Mê Kông được tái hiện tại triển lãm “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp gốc Việt Lâm Đức Hiền. Ảnh: T.V |
Chiều cuối tuần tôi tìm đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để thưởng thức buổi triển lãm ảnh “Mê Kông- Chuyện đôi bờ” thì tình cờ gặp sinh viên Aon Chaisakon (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) cũng đang đắm chìm vào mảng ảnh của nghệ sĩ Lâm Đức Hiền, Aon Chaisakon chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Mê Kông, con sông có ý nghĩa đặc biệt trong tim tôi.
Ngoài làm nông nghiệp, bố mẹ tôi hằng ngày vẫn đánh bắt cá trên dòng sông nuôi anh em tôi khôn lớn. Vì thế, khi sang Việt Nam du học tôi da diết nhớ về hình ảnh quê nhà. Khi có thông tin buổi triển lãm ảnh sẽ diễn ra, tôi liền sắp xếp đến bảo tàng để hồi tưởng lại kỷ niệm tuổi thơ. Qua đó, khi ngắm nhìn những tác phẩm ảnh không chỉ giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà mà còn tạo động lực để tôi học tập tốt và quay về nơi đây giúp đỡ nhiều người”.
Từ ngày 3-4 đến hết ngày 15-4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền. |
Đối với sinh viên Khambounheuang (Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), tuy tuổi thơ không sống gần sông Mê Kông nhưng ít nhiều thông tin về dòng sông này như ăn sâu vào tiềm thức thông qua những bài học khi còn ở Lào.
“Tôi đã xem nhiều hình ảnh về dòng sông Mê Kông qua phim và ảnh. Tuy nhiên, tác phẩm của nghệ sĩ Lâm Đức Hiền dường như tái hiện về con người và dòng sông Mê Kông một cách sống động, sắc nét hơn. Khi chiêm ngưỡng từng bối cảnh và nhịp sống qua từng bức tranh, tôi có thể hình dung dòng sông đang cuộn trào ngay trước mắt. Đồng thời, tôi cảm nhận sự khăng khít giữa con người và dòng sông, dường như không đơn giản chỉ là con sông mà nó như người bạn vỗ về người dân qua từng năm tháng...”, Khambounheuang bày tỏ.
Triển lãm ảnh “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng kéo dài đến hết ngày 15-4, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Đức Hiền, buổi triển lãm mô phỏng chuỗi ký sự 28 tác phẩm đa số được in phun trên giấy ảnh bồi gỗ về người và cảnh với nhiều kích thước khác nhau.
“Buổi triển lãm ảnh không chỉ giới hạn quy mô ở Lào mà còn có những hình ảnh cuộc sống và con người từ hạ nguồn nhiệt đới tấp nập, tràn đầy sự sống tại đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) qua Campuchia, dọc biên giới Lào và Thái Lan, men theo xứ Myanmar rồi đến Trung Quốc và kết thúc ở cao nguyên Tây Tạng. Thời niên thiếu, tôi gắn bó với bà bên dòng sông Mê Kông đầy ắp những kỷ niệm vì vậy chuyến lữ hành xuyên lục địa này mang ý nghĩa đặc biệt, để tôi có thể tìm lại cội nguồn thông qua những bức ảnh”, nghệ sĩ Lâm Đức Hiền bộc bạch. Ngoài ra, buổi triển lãm còn thể hiện con sông Mê Kông đang bị biến dạng bởi sự khai thác quá mức của con người. Nghệ sĩ Lâm Đức Hiền nhấn mạnh hiểm họa đến từ những dự án thủy điện, con đập, các dự án phá ghềnh thác, làn sóng ô nhiễm nhựa khiến hệ sinh thái sông Mê Kông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, triển lãm “Mê Kông - Chuyện đôi bờ” là hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp (2013-2023). Thông qua đó, nhiều hoạt động được diễn ra và trong đó triển lãm ảnh là sự kiện quan trọng góp phần tăng cường tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Nghệ sĩ Lâm Đức Hiền là nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt sinh năm 1966 trong một gia đình người Việt sinh sống tại thị trấn Paskse, miền Nam Lào. Trong cuộc đời của mình, nghệ sĩ đã ghi lại hậu quả của những xung đột lớn nhất thế kỷ 20 và 21 tại nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm Romania, Nga, Bossia, Chechnya, Rwanda, Nam Sudan và đáng kể nhất là Iraq - nơi ông gắn bó hơn 25 năm. Nghệ sĩ đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá như: Leica, Great European của thành phố Vevey, Ảnh Báo chí Thế giới, đồng thời ông là thành viên của hãng ảnh Agence VU’. |
HUỲNH TƯỜNG VY