Đà Nẵng cuối tuần

Người có 5 con, cháu làm vua

10:23, 09/04/2023 (GMT+7)

* Nghe nói có một người không làm vua nhưng có đến 5 con cháu làm vua dưới thời Nhà Nguyễn. Xin cho hỏi, người này là ai và 5 ông vua đó gồm những vị nào? (Trương Ngọc Thành, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Lăng mộ Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai trên một ngọn đồi kế bên lăng mộ vua Đồng Khánh ở phía nam kinh thành Huế.  Ảnh: ST
Lăng mộ Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai trên một ngọn đồi kế bên lăng mộ vua Đồng Khánh ở phía nam kinh thành Huế. Ảnh: ST

- Đó là Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876), tôn hiệu Kiên Thái Vương, là hoàng tử con vua Thiệu Trị trong lịch sử Việt Nam. Trong lịch sử nhân loại hiếm người được như ông: Không chỉ có 3 con làm vua, ông còn có cháu nội và chắt nội làm vua.

Theo Trang thông tin Nguyễn Phúc tộc (nguyenphuoctoc.info), Hồng Cai được biết đến là phụ thân của 3 vị hoàng đế liên tiếp của triều Nguyễn: Kiến Phúc (Nguyễn Phúc Ưng Đăng), Hàm Nghi (Nguyễn Phúc Ưng Lịch) và Đồng Khánh (Nguyễn Phúc Ưng Kỷ), đồng thời là tổ phụ (ông nội) của vua Khải Định và là tằng tổ phụ (ông cố) của vua Bảo Đại. Ông bẩm tính nhân hậu, cần kiệm, biết tuân theo phép tắc. Ông vốn chăm học từ nhỏ, khi ra ở phủ riêng cùng học với các vương công, xem rộng kinh sử.

Theo sử sách, vua Tự Đức (Hồng Nhậm) không có con, do từ nhỏ bị bệnh đậu mùa. Khi lên ngôi, ông có 3 dưỡng tử là con của 2 người em ruột, trong đó trưởng tử là Ưng Chân, con đẻ của Thoại Thái Vương. Năm 1883, sau khi Tự Đức băng hà, Ưng Chân được nối ngôi theo di chiếu, lấy niên hiệu là Dục Đức. Ông vua này đoản mệnh, chỉ tại vị được ba ngày. Em út của vua Tự Đức là Hồng Dật lên ngôi, hiệu là Hiệp Hòa. Rồi Hiệp Hòa cũng không tại vị được lâu; các quan phụ chính thời đó là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đã chọn người con nuôi thứ ba của vua Tự Đức là Ưng Đăng lên ngôi, niên hiệu là Kiến Phúc.

Ưng Đăng cùng với Ưng Đường đều là con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai. Đây là thời kỳ có nhiều biến động. Thời kỳ này lịch sử gọi là “Tứ nguyệt tam vương” - trong vòng bốn tháng, ngai vàng ấy có đến 3 vua ngồi lên không lâu là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.

Kiến Phúc ở ngôi được tám tháng thì qua đời đầy bí hiểm. Hai quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường chọn người em cùng cha khác mẹ của Ưng Đường và Ưng Đăng là Ưng Lịch lên ngôi, hiệu Hàm Nghi (2-8-1884). Sau ngày kinh đô thất thủ (ngày 23-5 âm lịch, ngày 5-7-1885 dương lịch), Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng tổ chức kháng chiến chống Pháp, triều đình do Thọ Xuân Vương Miên Định, chú ruột vua Tự Đức, làm nhiếp chính. Tháng 9-1885, theo đề nghị của các quan Đại thần và Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ, Chính phủ Pháp đồng ý đưa Ưng Đường lên ngôi, hiệu Đồng Khánh.

Vua Đồng Khánh qua đời, ngai vàng được trả lại cho con trai của vua Dục Đức là Hoàng tử Bửu Lân. Bửu Lân lên ngôi, hiệu Thành Thái, đến năm 1908 thì bị người Pháp phế truất. Con trai ông là Vĩnh San kế tục ngai vàng, hiệu Duy Tân. Năm 1916, vua Duy Tân bị người Pháp bắt đi đày sau cuộc khởi nghĩa bất thành do Thái Phiên và Trần Cao Vân chỉ huy. Ngai vàng lại trở về với con và cháu của vua Đồng Khánh. Hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, hiệu Khải Định (1916-1925); rồi hoàng tử Vĩnh Thụy nối ngôi, hiệu Bảo Đại (1926-1945).

Dân gian Huế có câu ca dao: Một nhà sinh đặng ba vua/ Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài. Hai câu này là để nói về hoàn cảnh đặc biệt của gia đình Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, khi mà cả 3 người con trai đều được nối ngôi làm vua. “Vua còn” tức Đồng Khánh, “vua mất” tức Kiến Phúc và “vua thua chạy dài” tức Hàm Nghi.

ĐNCT

.