Đà Nẵng cuối tuần
Người Pháp qua đèo Hải Vân 150 năm trước
Trước khi chinh phục ngọn đèo hiểm trở Hải Vân bằng việc xây dựng đường bộ và đường sắt, người Pháp từng qua đây và để lại những ghi chép tỉ mỉ; qua đó cho thấy sự hiểm nguy cùng nét đẹp hùng vĩ của ngọn đèo này, cũng như những tư liệu quý về lịch sử - văn hóa của “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”…
Qua Hải Vân quan. (Chụp lại từ ảnh in trong sách "Vương quốc An Nam và dân An Nam" của J.L Dutreuil de Rhins). Ảnh: A.Q |
Qua Hải Vân quan phải trả phí
Vào đầu năm 1876, nhà địa lý, nhà thám hiểm người Pháp J. L. Dutreuil de Rhins tình nguyện phục vụ cho Hải quân Pháp đến Tourane (Đà Nẵng), từ đó ra Huế bằng đường bộ qua Hải Vân. Do từ năm 1842, vua Thiệu Trị cấm các lối tắt, nên đường qua đèo Hải Vân chỉ còn một lối chính. Trong cuốn ký sự du hành “Vương quốc An Nam và dân An Nam” (NXB Đà Nẵng, 2023), Dutreuil de Rhins miêu tả đoạn đường lên đèo Hải Vân: “Trong vòng một cây số rưỡi, con đường, hay nói đúng hơn là lối mòn, quanh co bên sườn đỉnh phía nam, và con dốc vẫn chưa quá nhọc nhằn; nhưng chẳng bao lâu con đường biến mất dưới những bụi gai, cỏ cao quất vào mặt, và đá cuội lăn dưới chân tôi; rồi không còn dấu vết con đường nữa: tôi cố hết sức có thể đi tới giữa một khe núi có vẻ nằm ngoài bên phải và những vách đá cao nhất ở bên trái; tôi bò, bám vào các nhánh cây, các kẽ nứt của đá mà rễ cây lâu năm và mạnh mẽ đã trồi lên và lan ra tứ phía; tôi tìm một lối đi qua quanh những khối đá khổng lồ mà sức người không thể lay chuyển, tự hỏi sự xoay vần nào đã làm những mảnh khổng lồ này vỡ ra, giống như những lâu đài đổ nát chực lăn xuống vực thẳm, và tôi đến nơi, sau một giờ vật lộn”.
Sau khi nghỉ ngơi và giải khát bằng vài bát trà Huế, đoàn của nhà thám hiểm tiếp tục đi lên “gắng một lúc nữa, lúc sáu giờ rưỡi, chúng tôi đến được pháo đài đèo, được gọi là Ải Vân”. Theo mô tả của Dutreuil de Rhins, “hai đỉnh núi khuất trong mây ở độ cao bốn, năm trăm mét, các bậc cấp sườn núi đến đây thì nhập với nhau. Lối đi qua rộng khoảng năm mươi mét, chặn bởi một bức tường đá đục bốn lỗ châu mai. Chính giữa là một cổng ngõ đồ sộ có hai cánh, bọc những tấm sắt, mở ra cho chúng tôi đi qua, và đóng lại ngay. Ải Vân chỉ là một gạch nối giữa hai đỉnh núi; phía sau nó, mặt đất lại sụt xuống một lần nữa: mắt không thấy gì ngoài khoảng không, một vực thẳm với tường thành bao phủ bởi cây cối che đi độ dốc đáng sợ”. Cũng theo ghi chép này, trên “con đường liên lạc duy nhất được biết đến cho đến nay giữa hai tỉnh Quảng Nam và Huế, có khoảng năm mươi quân lính canh gác, trong đó, khoảng hơn chục người trú ở ba hoặc bốn căn nhà lân cận”.
Theo ghi nhận, từ 150 năm trước, trên đỉnh đèo Hải Vân hoang sơ, không chỉ có lính canh tại các công trình phòng thủ, mà có cả những nhà dân ở: “Cuối cùng, lúc bảy giờ, chúng tôi đến được một nơi trú chân: đường mòn rộng ra một chút, và ở mỗi bên có khoảng nửa chục căn nhà hiện ra trước mắt”. Được biết, từ năm 1837, vua Minh Mạng cho mộ dân lập xóm trên đèo Hải Vân. Từ đó, cung đường nguy hiểm này có dân ở để sửa sang đường sá, giúp người đi đường, làm phu dịch…
Trong cuốn “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan” (NXB Hồng Đức, 2021), Camille Paris - người Pháp chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung kỳ (giai đoạn 1886-1888) cũng ghi nhận: “Sâu trong một thung lũng nhỏ tạo thành bởi sự cao thấp của nhiều đồi núi, chúng tôi gặp một ngôi chùa và vài căn nhà bỏ hoang. Đây là chốn thơ mộng nhất trên cả con đèo. Chúng tôi tới đó bằng một chiếc cầu tre bắc ngang dòng suối trong vắt. Thôn xóm này chắc phải có người ở, nhưng dân làng có lẽ đã bỏ chạy khi chúng tôi đến bởi trong nhà còn vương vãi hạt óc chó, lá trầu và nồi đất”.
Qua ghi chép của Dutreuil de Rhins, được biết thêm, 150 năm trước, một số người phải xin giấy phép và trả phí khi đi qua Hải Vân quan: “Đằng kia có một vài viên quan nhỏ lười biếng ngủ trong kiệu, và các thương lái người Hoa bắt chước họ. Những người hầu An Nam, ca hát khi gánh những kiện hàng đong đưa ở hai đầu một đòn tre trên vai. Tất cả những người này phải xin giấy phép để đi qua Ải Vân và phải trả một đồng bạc mỗi người”. Và 10 năm sau, năm 1886, Camille Paris tái khẳng định điều này: “Mọi người đều phải trả tiền, nghèo cũng như giàu, kẻ nào chống lại thì ăn roi. Người giàu trả từ 8 đến 10 xu, người nghèo từ 1 đến 2 xu. Người buôn dầu thì phải đổ đầy dầu cho đèn của trạm, người buôn rượu chính là con mồi của đám dân binh. Nếu không trả bằng tiền thì hiện vật”.
Người Pháp bắt tay làm đường qua Hải Vân
Ngày 15-1-1886, đoàn của Charles-Esdouard Hocquard - thiếu tá quân y trong quân đội viễn chinh Pháp được 34 người phục vụ, đi bộ qua đèo Hải Vân.
Trong tác phẩm “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” (NXB Đà Nẵng, 2019), Thiếu tá Charles-Esdouard Hocquard mô tả: “Ra khỏi làng, chúng tôi thấy một ngọn núi dốc mà chúng tôi sẽ leo lên theo con đường mòn chạy giữa vực thẳm, cây bụi và cỏ cao... Tám giờ, chúng tôi lên tới đỉnh núi. Con đường men theo một vực sâu bao quanh là núi đá dựng đứng; con đường ngoằn ngoèo không dứt, chúng tôi có cảm giác như trở đi trở lại cùng một chỗ vậy”.
Khi lên đến đỉnh đèo, Hocquard gặp công trình bố phòng của triều đình nhà Nguyễn: “Bỗng dưng sau một khúc quanh của đường mòn hiện ra một bức tường gạch nhỏ chắn lối đi; trên tường trổ một cánh cửa lớn và nhiều lỗ châu mai, cửa dẫn vào một pháo đài An Nam có khoảng ba mươi lính bản địa thuộc quân đội triều đình đóng ở đây. Chúng tôi đang ở vị trí được gọi là Cổng Sắt (là một công sự nhỏ nằm trên mỏm đá nhô ra vịnh Nam Chân); đồn nhỏ này có nhiệm vụ bảo vệ con đường dẫn đến kinh đô; đồn được đặt ở một vị trí đắc địa để hoàn thành mục đích của nó: bên phải và bên trái cửa ải là những vực thẳm mênh mông, dưới đáy vực là những thác nước dữ dằn; người ta không thể tiến lên mà không đi qua đồn này…”.
Từ công trình này, vị thiếu tá quân y ghi lại quang cảnh ngoạn mục: “Con đường đã đưa chúng tôi từ biển lên đây chạy xuyên qua rừng rậm, giữa rừng là những thác nước dữ dội, lúc thì biến mất sau lớp rêu và cây bụi, lúc lại tuôn trào từ những núi đá thành những dòng chảy ồn ã; những con bướm khổng lồ to bằng hai bàn tay mở rộng, bay dọc theo đường đi; trông chúng như những bông hoa di động, màu sắc đa dạng và rực rỡ. Bên dưới chúng tôi, những con đại bàng tuyệt đẹp sải cánh, và trên những thân cây cổ thụ rêu phong đứng bên đường, lũ kền kền to lớn đang vươn những cái cổ xác xơ”.
Sau khi vượt đèo Hải Vân, đoàn của bác sĩ Hocquard gặp Đại úy công binh Besson đã ở Lăng Cô được 3 ngày để làm một con đường mới nối Huế với Đà Nẵng theo chỉ thị của tướng Prud’homme - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Trung kỳ.
Con đường này, theo Camille Paris ghi chép lại cùng thời gian đầu năm 1886: “Người ta đã thấy một dải màu đen ngoằn ngoèo, nghiêng nghiêng so với con đường cũ, cắt khối núi ngay giữa vùng cây cỏ theo phương nằm ngang và men theo những gấp khúc. Con đường này mới chỉ được phát quang bụi rậm… Ta vẫn có thể nhận ra những đoạn đường mòn nối đường cũ với đường mới của anh… Chúng ta thấy con đường phôi thai này là một kiệt tác của sự cần mẫn và lòng kiên cường vì những yếu tố thời gian và địa điểm của nó”.
Tuy nhiên, sau đó, Đại úy Besson cùng 6 thuộc cấp bị quân Nghĩa hội dưới sự chỉ huy của Lãnh binh Hồ Học - một người con đất Hòa Vang, tấn công, tiêu diệt khi đồn trú tại trạm Chơn Sảng vào tối 28-2, rạng sáng 1-3-1886.
Theo các tài liệu, sau cái chết của Đại úy Besson, những người Pháp như Nicod, Clavez, Le Blond, De Bay… tiếp tục nghiên cứu, tổ chức làm đường qua đèo Hải Vân. Nhưng mãi đến năm 1897, khi Paul Doumer lên giữ chức Toàn quyền Đông Dương, mới tái khởi động và tiến hành mở đường bộ qua đèo Hải Vân; năm 1902 triển khai làm đường sắt và đến cuối năm 1906, hoàn thành tuyến đường sắt nối Đà Nẵng với Huế.
Đến năm 2005, công trình trọng điểm quốc gia - hầm đường bộ Hải Vân dài gần 6,3km - hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á chính thức khánh thành, trở thành tuyến giao thông thứ ba qua đèo Hải Vân, góp phần xua tan nỗi lo “Đi bộ thì khiếp Hải Vân…” ám ảnh bao đời trên con đường thiên lý Bắc Nam…
ANH QUÂN