Đà Nẵng cuối tuần

Những nỗi thương biếc xanh phận người

19:47, 13/05/2023 (GMT+7)
Tập truyện ngắn “Ô cửa rêu xanh”, NXB Thuận Hóa, tháng 3-2023.
Tập truyện ngắn “Ô cửa rêu xanh”, NXB Thuận Hóa, tháng 3-2023.

Tôi đọc Lê Hà khoảng 2 năm trở lại đây, bắt đầu từ những tản văn xanh mướt yêu thương với cuộc đời, với cỏ cây hoa lá, rồi đến các truyện ngắn nồng nàn một nỗi đàn bà, lấp lánh thứ ánh sáng hạnh phúc của cuối con đường. Chợt giật mình sao lại có một giọng văn đằm đẵm nỗi đời đến vậy. Thể như những bi ai khổ lụy của trần gian cây bút nữ này gom vào tác phẩm một cách đắng đót nhưng hẫng nhẹ. Lắm lúc tôi đọc Hà, cảm nhận một sự trong veo nào đó trong từng lát cắt số phận, trong từng góc nhìn định mệnh.

Sau nhiều cuốn sách in chung, mãi đến những ngày đầu tháng tư này, Lê Hà mới cho ra tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Ô cửa rêu xanh” (NXB Thuận Hóa). Tập truyện ngắn bao gồm 23 tác phẩm của cây bút nữ đang vào hồi chín mùi và sung mãn của lực văn. Lê Hà đem đến một miền ký ức bình yên cho độc giả. Dẫu những ô cửa tác giả mở ra đều võ vàng những suy niệm về cuộc đời, thân phận, định mệnh và thế thái nhân tình, nhưng luôn đong đầy niềm thương da diết, rộn ràng những thanh âm của sự sống, nảy nở những lộc non biêng biếc.

Từng là phóng viên, rồi viết lách tự do và nay đang chống chọi với cơn bệnh quái ác, nên văn chương với Lê Hà như một liều thuốc tinh thần để cô gái trẻ này có thêm niềm tin vào sự sống. Cô gái Huế với lối dụng chữ mượt mà, bay bổng nhưng rất chân phương và bình dị đã dẫn dắt người đọc đi qua nhiều câu chuyện tựa như đâu đó chính người đọc là nhân vật, hoặc ít ra cũng đã từng thấy từng nghe. Ngay trong truyện ngắn lấy làm tựa của cả tập truyện, Lê Hà kể câu chuyện hai ông bà già ngóng con đến thắt thẻo lòng dạ. Trong bời bời nỗi nhớ của tuổi mòn ấy, bà già vẫn tỉ mẩn kho nồi cá khô để mấy đứa con ghé sang có cái đem về. Nồi cá kho quá tay để ớt cay hay chính cái cái nỗi thèm con cháu của khoảng đời heo mây đường tà khiến cho nước mắt bà già rơi? Không sơn hào hải vị nào bù được khoảng trống của thương tưởng ở người già.

6 năm trước, đối diện với lằn ranh sinh tử, Lê Hà chọn chiến đấu đến cùng với căn bệnh ung thư. Mãi sau khi bắt đầu dần ổn, cô gái Huế này mới chia sẻ cùng bạn bè. Ở Hà luôn có một sự khát khao được sống, chấp nhận và ứng biến với số phận cuộc đời. Lê Hà chọn văn chương để trải lòng. Văn chương cũng chọn Hà để lan tỏa giá trị sống. Sống như chính loài chim vẫn thánh thót mỗi sớm mai. Sống như những đóa hoa bao bận nắng nôi mưa giông vẫn dâng đời những sắc màu rực rỡ. Sống như đất chẳng bao giờ bạc với người. Sống như phận cỏ bầm nát nhưng vẫn mướt xanh cả triền đồi. Và sống như thể thấu được triết lý có bình yên nào mà không đi qua dâu bể thác ghềnh, không nếm trải chua cay mặn đắng, không vương nhuốm xa xót gieo neo. Bình yên có được khi ấy mới là một bình yên rực rỡ.

Lê Hà chọn một giọng kể tựa thủ thỉ cùng bạn đọc. Cùng ngồi lại với nhau, pha chén trà, mở từng ô cửa sổ, này là ô cửa lảnh lót tiếng chim, những thanh âm rộn ràng ấy hóa ra cũng là một phương thức chữa lành với An, cô gái trong truyện “Đàn chim sẻ trên mái ngói”, sau một cuộc phong ba ngang trái của phận mình. Hay như Thảo trong “Thong dong ngoài nội cỏ”, chính cái mùi đất khiến cho cô chọn về với má, về với quê hương để thấy yêu thương luôn dang rộng đón đợi. Chỉ người ta bỏ quê mà đi chứ đời nào quê bỏ người mình đâu. Mùi đất ngai ngái chính là thứ ký ức chẳng thể phai mờ của bất cứ đứa con quê nào. Thành thị xanh đỏ đèn màu, xa hoa lộng lẫy nhưng kì thực những khối bê-tông cốt thép ấy chẳng bao giờ cho chúng ta một thứ mùi vị của quê hương. Mà hễ cứ còn nhớ mùi đất, thì là còn quê trong tâm khảm mình. Chỉ ai biết thương quê mới thấm thía nỗi nhớ đất thèm vị mà tìm về.

Lê Hà mang đất một sự chữa lành cho chính độc giả của mình, bởi tôi tin, những người trẻ của thời đại này, câu chuyện cơm áo gạo tiền xoay vần họ vào guồng máy với đủ những áp lực bí bách. Kỳ thực, nỗi đời nhẹ tênh trong truyện ngắn của Lê Hà, chính là thứ khiến người ta sẽ nhớ nhiều về cây bút nữ này. Lê Hà không chọn lối viết vần vũ chi tiết, gai góc câu chữ, hay cài cắm tình huống. Lê Hà chọn một phong cách dẫn truyện xuôi chiều khoan thai và dặt dìu nhịp văn. Cho đến trang sách cuối, tôi ngỡ mình đang ngồi cùng Lê Hà ở một căn nhà đầy cửa sổ, mỗi một ô cửa Lê Hà mở ra, sẽ là một câu chuyện mà người con gái xứ Huế này thủ thỉ cùng tôi. Chậm rãi, vừa đủ nghe, vừa đủ thích, vừa đủ thương và vừa đủ nhớ. Nhớ để rồi thở nhẹ giữa liến xáo cuộc đời. Thở càng nhẹ là càng thong dong sống.

Lê Hà in tập truyện này sau những ngày vật vã với đại phẫu, với truyền hóa chất, với sự ám ảnh của cuộc ra đi không báo trước. Ấy thế mà bạn đọc chẳng thể tìm thấy một không gian u ám, một bối cảnh xám xịt, hay một tình tiết tiêu cực nào cả. Chỉ thấy một màu xanh lành bát ngát trong 23 truyện ngắn, trải dài gần 200 trang giấy, tôi tin đó là một tinh thần lạc quan bền bỉ đầy phi thường. Tôi nghĩ Lê Hà thương cuộc sống này lắm. Và tôi cũng tin, khi bạn đọc có duyên hạnh ngộ cùng câu chữ của Lê Hà, cũng sẽ thương cô gái Huế bé nhỏ can trường này. Là thương như người biết thương người.

Lê Hà có tên thật là Lê Thị Ngọc Hà, cô từng là phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, nay là người viết tự do. Cô đã đạt một số giải thưởng của Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Hiện cô đang hoàn thiện để cho ra mắt tập tản văn “Mùi khói vương chái bếp”“Nắng qua mái hiên”

TỐNG PHƯỚC BẢO

.