Đà Nẵng cuối tuần

Quầy sách bác Ròn

17:56, 03/06/2023 (GMT+7)

Thuở nhỏ, tôi từng mơ ước trở thành họa sĩ. Nhìn những hình vẽ các cậu bé ngất nghểu ngồi trên lưng trâu của thầy Phan Xuân Thọ ở văn phòng trường, tôi rất thích. Bố tôi là người mê tranh. Ông mua những bức tranh khá đẹp lồng khung kính treo lên tường. Sau này tôi mới biết đó là tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân...  Năm học lớp 3, tôi đã tập vẽ tranh phong cảnh, chủ yếu là phong cảnh làng quê. Tôi từng ngồi hàng giờ trên cửa biển hay bờ đê để vẽ cảnh mặt trời lên hay mặt trời lặn. Tôi thích nhất là vẽ cảnh ngôi nhà thờ soi bóng xuống mặt hồ... Đến bây giờ còn giữ được một vài bức, thỉnh thoảng tôi vẫn mang ra ngắm để nhớ về những năm tháng tuổi thơ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi đến với thơ hết sức tình cờ. Năm tôi học lớp 4, trường làng, một buổi trưa tôi đi ngang qua quầy sách của bác Ròn. Quầy sách gần chợ cũ Thanh Hà, ngay trước cổng nhà bác. Hình như bác là một công chức về hưu. Bác Ròn tóc bạc, da trắng, đeo kính lão, dáng trí thức. Bác mở quầy sách có lẽ là để có việc làm cho khuây khỏa tuổi già? Quầy sách của bác khá khiêm tốn, gồm một cái bàn trưng bày sách, một cái ghế dựa và một chiếc chõng tre. Trưa, bác nằm gác chân trên chiếc chõng tre, dưới bóng cây, ngâm nga lên bổng, xuống trầm. Giọng bác ngâm thật quyến rũ. Thực tình lúc đó tôi chẳng hiểu nội dung. Cứ nghe bác đọc lên bổng xuống trầm tôi cảm thấy hết sức thích thú. Tôi lén nhìn trang bìa, thấy đề: Trường ca Sóng gầm Côn Đảo của tác giả Huyền Kiêu. Thế là tôi ba chân, bốn cẳng chạy về xin bà nội mấy hào mua bằng được tập thơ. Suốt cả buổi chiều, tôi bắt chước bác Ròn, nằm gác chân lên tấm phản ngựa bằng gỗ mít, ngâm nga lên bổng, xuống trầm. Và cũng kể từ hôm ấy tôi bắt đầu mê thơ một cách lạ lùng.

Có phải vì mê thơ hay không mà tôi học văn ngày một tiến bộ. Có lần thầy Nguyễn Xuân Mai (thầy dạy văn tôi lớp 4), ra đề tả cảnh chợ quê. Tôi viết bằng một bài thơ lục bát dài khoảng hai mươi câu. Đến nay tôi vẫn còn nhớ một đôi câu hết sức ngô nghê, kiểu như: Bánh xèo của ả mẹt Đô/Ai đi ngang cũng muốn vô ăn liền. Thế mà thầy Mai vẫn cho điểm 10 và bảo tôi lên bảng đọc cho cả lớp nghe. Đó là lần “trình diễn thơ” đầu tiên trong đời tôi. Tôi mang bài thơ có điểm mười đỏ chói về khoe với bố. Bố không tin, cứ nghĩ là tôi cóp trên báo. Nhưng khi ông đọc kỹ lại, thấy tôi tả y chang cảnh chợ của quê tôi với quán cháo cá mụ cu Đỉnh, quán bánh xèo ả mẹt Đô... ông mới gật gù thưởng cho tôi mấy cái kẹo cau.
Từ đó, hễ xin được tiền của bà nội và bố mẹ là tôi tìm đến quầy sách bác Ròn. Nhờ quầy sách của bác mà tôi được biết Rôbinsơn và đảo giấu vàng, Túp lều bác Tôm, chú dế mèn và những cuộc phiêu lưu, tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, tập thơ Từ ấy của Tố Hữu... Đến khi lên học cấp 2, tôi đã tích lũy được một tủ sách nho nhỏ.

Bởi ấn tượng về giọng ngâm thơ lên bổng, xuống trầm của bác Ròn mà tôi tin chắc rằng người xứ mình cho đến vài trăm năm sau phần lớn vẫn thích những bài thơ hay có vần, có điệu. Thử tưởng tượng nếu tước đi phần vần và nhịp điệu trong lời những ca khúc của Trịnh Công Sơn, thì còn được mấy người yêu thích nhạc Trịnh? Nếu không có vần điệu trong hai bài thơ Làng quan họ quê tôi của Nguyễn Phan Hách và Con sông quê của Lê Huy Mậu thì Nguyễn Trọng Tạo rất khó để phổ thành hai bài hát được nhiều người yêu thích. Do đó, dù ai nói gì thì nói, tôi vẫn thích những bài thơ có vần, có điệu.

Có lần nằm mơ, tôi về quê mở một quầy sách y hệt quầy sách bác Ròn nhưng không thấy bóng đứa trẻ nào lui tới. Trong khi đó ở quán trò chơi điện tử bên cạnh, bọn trẻ ra vào hết sức tấp nập. Tỉnh dậy, tự nhiên tôi thấy lòng buồn vô hạn.

MAI VĂN HOAN

.