Đà Nẵng cuối tuần

Mùa măng cụt xanh

17:36, 03/06/2023 (GMT+7)

Cuộc sống càng vội vã con người càng có nhu cầu tìm về những kỷ niệm thân thương. Ký ức là nơi mỗi cá nhân gửi gắm cảm xúc, sự bình yên. Có lẽ do đó mà những món ăn kể cả vỉa hè hay nhà hàng dần góp mặt các nguyên liệu đồng quê - nơi gắn bó với tuổi thơ. Nhưng ăn mãi món quen cũng chán, người ta bắt đầu mong muốn những sáng tạo lạ lẫm. Những món mới ra đời, chiều lòng thực khách, những món vừa lạ vừa quen. Như gỏi gà măng cụt xanh chẳng hạn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Không nhớ nổi chính xác món ăn này xuất hiện từ bao giờ. Có người nói đã lâu lắm rồi, dân xứ Bình Dương vốn chuyên trồng măng cụt đã mày mò làm thử, thấy hợp khẩu vị thì lưu lại như đặc sản dùng đãi khách. Bỗng nhiên một ngày trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh và cách thực hiện, sự lạ lùng khiến nó trở nên đặc biệt và thu hút. Măng cụt vốn chỉ có một mùa trong năm, người ta nghĩ không ăn thử thì uổng mất ba trăm sáu mươi lăm ngày còn lại.

Nhà nhà muốn thử, quán quán bày bán. Lướt khắp mạng xã hội đâu đâu cũng thấy những trái măng cụt xanh tươm mủ vàng và món ăn lạ lẫm ấy. Có cung có cầu, nghề gọt vỏ măng cụt sống tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều người. Trái măng cụt xanh nhiều mủ bám dai, gọt phải tốn nhiều nước, cực chứ chẳng chơi. Nhưng bao nhiêu vẫn thấy không đủ, trong thực đơn quán nào quán nấy in đậm gỏi gà măng cụt như món đặc biệt của quán. Có nhiều người gọi vui năm nay là năm tam tai của măng cụt, ý chỉ sự xui xẻo khi chưa kịp chín đã bị vặt bán.

Giá măng cụt sống còn cao hơn cả măng cụt chín. Vị món ăn lại không phải quá hấp dẫn, tùy mỗi người nhận định ngon hay dở. Khi gỏi còn đang được săn tìm, mối lo khác đã xuất hiện. Măng cụt sống đem bán hết vầy còn đâu để chín khi vô mùa, có khi năm nay giá măng cụt chín tăng gấp đôi. Người ta tiếc mùi thơm thơm, ngòn ngọt chua chua của những trái măng cụt vỏ tím thẫm. Khác với sầu riêng thương ghét cũng nhiều, măng cụt được lòng số đông hơn. Nếu mùa măng cụt năm nay chỉ toàn gỏi gà trái xanh, không còn vị ngon ngọt chín mềm kia thì buồn biết mấy! Mùa hè như bớt rộn ràng.

Nỗi buồn từ chuyện cũ xưa, nhắc nhớ những lần mùa không có trái. Những vội vàng tham lợi trước mắt, người nông dân bẻ đọt khoai mì, nhãn non, thậm chí biết bao nhiêu loại lá cành khác đem bán. Để rồi sau đó? Phần bị thương lái lừa phải ôm một mớ đồ vô dụng, phần tàn phá khiến vườn cây mất sức chẳng ra trái nổi. Những khu vườn buồn rũ vắng tênh khi lẽ ra đang lúc xum xuê. Người cũng buồn, trách mình sao không nghĩ xa hơn. Càng nhớ những khu vườn ở quê xa, cách trồng vô tư khiến người ta thấy xót. Hộ nào phất lên cây gì, các hộ khác đồng loạt trồng theo. Rồi khi xuống giá lại cùng lúc đốn bỏ trồng cây mới. Cái vòng luẩn quẩn khiến những khu vườn chẳng bao giờ lớn nổi, như đứa trẻ mãi không trưởng thành.

Trái măng cụt dường như may mắn hơn, nó được vun trồng ở một giai đoạn mới. Những người nông dân không còn giữ hoài góc nhìn cũ, họ đã nhìn xa hơn, rộng hơn, mới hơn. Họ giữ cây giữ vườn, họ tính từ từng năm tới hàng chục năm. Nhiều chủ vườn măng cụt đã lên tiếng không theo trào lưu bán măng cụt sống, giữ trái cho mùa này đồng thời giữ sức cho cây mùa sau. Dĩ nhiên họ cũng bỏ công bảo vệ cây khỏi những kẻ xấu trộm trái sống bán. Họ thương những trái măng cụt xanh phải vội rời cành rứt luôn cả lá, thương những người mua thòm thèm chờ măng cụt. Những vị khách ghé vườn tấm tắc khen ngon, mua cả chục ký về phương xa làm quà tặng bạn bè, sao mà quên được.

Nông nghiệp giờ đã được quan tâm hơn, người dân được hỗ trợ quy hoạch, giữ và phát triển vườn. Vườn cây còn là điểm du lịch văn hóa trải nghiệm, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người dân. Đâu ai chặt vội vàng những loại cây mất giá nữa. Họ có cách khác, tỉa cành tỉa bông, nén lại lực cho cây chờ mùa sau. Và những trái cây đất Việt xuất khẩu mang niềm tự hào. Bà con nông dân vui vẻ cười khoe trái mình trồng đang ở Mỹ, ở Úc, ở Nhật. Những vườn cây như biết ơn, trái mỗi mùa càng thêm ngon, đẹp.

Mùa măng cụt xanh sớm thôi sẽ chín như hy vọng của những người mong chờ. Như yêu thương được đáp lại bằng yêu thương, chẳng có chỗ cho những nỗi sợ, nỗi lo.

PHÁT DƯƠNG

.