Đà Nẵng cuối tuần
Gói yêu thương gửi vào mái tóc
Hành động trao tặng mái tóc giả làm từ nguyên liệu tóc thật không chỉ giúp bệnh nhân ung thư lấy lại dáng vẻ bên ngoài mà còn mang đến sự vui tươi, lạc quan cho họ. Và trong câu chuyện hiến tặng đầy nhân văn đó, mỗi mái tóc giả trở thành biểu tượng của niềm tin và sự quan tâm, giúp bệnh nhân bớt cô đơn trên hành trình tìm lại sự sống.
Bác sĩ Đàm Minh Sơn cùng các nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng trao mái tóc cho nữ bệnh nhân Lê Thị Đào. Ảnh: TIỂU YẾN |
Mái tóc trao đi, nụ cười trở lại
Bà Lê Thị Đào nhớ như in buổi chiều cách đây một năm, khi bà phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Trên chuyến xe từ tỉnh Đắk Lắk về Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng thăm khám, giọt nước mắt luôn chực rơi trên đôi gò má thô ráp của người đàn bà vùng cao vừa bước sang tuổi 60.
Bà Đào cho hay, quyết tâm xạ trị của bà ít nhiều chững lại khi nghe bác sĩ khuyến cáo chuyện rụng tóc. Sống một mình, từng đưa ra bao quyết định hệ trọng, vậy mà khi nghe nói tới chuyện rụng tóc sau xạ trị, bà Đào luôn thầm mong điều đó không rơi vào mình. Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng một tuần sau đợt xạ trị đầu tiên, bà vẫn hốt hoảng khi quá trình rụng tóc không phải diễn ra trong một tuần hay một tháng, mà chỉ chóng vánh… 2 ngày.
Tự ti về mái đầu rụng không còn sợi tóc, nên trong lần trở lại Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục xạ trị cách đây ít lâu, bà Đào nhờ một bác sĩ kết nối với chương trình “Trao mái tóc, gửi yêu thương” do Phòng Công tác xã hội của bệnh viện tổ chức. Mong muốn của người phụ nữ vùng cao nhanh chóng được đội ngũ y, bác sĩ thực hiện. Một mái tóc đen, dài quá vai được chương trình mang đến tận giường bệnh nhân. Hôm nhận tóc, bà Đào lén quẹt nước mắt, cười thật tươi và nhờ nhân viên chăm sóc chụp giúp mình kiểu ảnh gửi về khoe người thân ở quê.
Mái tóc dày, chắc khỏe là điều rất đỗi bình thường với người khỏe mạnh nhưng là giấc mơ xa vời của những bệnh nhân đang điều trị ung thư. Từng tự nhủ có bệnh thì chữa, nhưng bà Bùi Thị Thảo Nguyên cũng không thể vượt qua những giây phút chông chênh, buồn bã khi từng sợi tóc trên đầu dần rơi xuống chỉ sau 10 ngày hóa trị. Bà nói, rụng tóc là dấu hiệu đầu tiên thừa nhận với mọi người mình mắc ung thư. Nhưng bà không muốn ai biết, trừ người thân trong gia đình. Do vậy, khi nhìn vào mái đầu trọc lóc, bà không thể kìm lòng.
Hồi sức khỏe còn tốt, một năm bà Thảo Nguyên đi cắt tóc vài ba lần. Tiệm tóc nào cũng khen tóc bà dày, đen mượt, dễ tạo kiểu. Nên khi mái tóc “rụng sạch” chỉ trong vài ngày, bà Thảo Nguyên vẫn hoảng dù biết đó là tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư. Bà nói cái cảm giác đó không thể nào tả được. Đau đớn và hụt hẫng. Nó biến bà thành con người khác. Mất hết sự nữ tính. Mất hết tự tin. Có ai ngay từ đầu dám thừa nhận mình ung thư. Ai mà không sợ chết. Nhưng nếu mình không tự vượt qua, thì bao lời khuyên cũng thành vô giá trị. Sau cùng, bà vẫn phải làm quen với dung mạo mới trước sự động viên, khích lệ của người thân, bạn bè và cán bộ y tế. Họ nói tóc rồi sẽ mọc. Nhưng bà hiểu, bao lần xạ trị thì bao lần tóc rụng rồi mọc, mọc rồi rụng, nên chỉ hy vọng sức khỏe của mình sẽ tốt lên sau những lần như thế.
Chứng kiến niềm vui của bệnh nhân khi đội lên mái tóc giả phù hợp với gương mặt, nữ điều dưỡng Võ Lê Uyên (SN 1997), công tác tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng quyết định hiến tặng mái tóc dài 22 phân được chị nuôi dưỡng từ 2 năm trước. Đêm trước ngày hiến tóc, chị Uyên hồi hộp không ngủ được. Không phải chị tiếc mái tóc dài, đen mượt mình cất công “nuôi” hơn một năm, mà cảm thấy bồi hồi không biết mái tóc của mình sẽ được gieo duyên đến ai. Mái tóc ấy dù nhỏ, nhưng gói cả tấm lòng và tình thương của chị.
“Khi quyết định hiến tóc, tôi chỉ mong nó sẽ giúp ích cho ai đó, mang lại nụ cười cho ai đó. Là điều dưỡng tại khoa Ung bướu, ngày ngày chứng kiến niềm vui, nỗi buồn và nỗi đau đớn của người bệnh, tôi hiểu giá trị tinh thần mà mái tóc mang lại. Bằng cách này, tôi muốn tạo sự kết nối đặc biệt với bệnh nhân ung thư, cũng như gửi đi thông điệp yêu thương, rằng họ không đơn độc trên hành trình chống lại bệnh tật”, Uyên bồi hồi kể và nói thêm, nhiều bác sĩ, điều dưỡng nữ tại khoa Ung bướu cũng đang rủ nhau “nuôi tóc” để hiến tặng bệnh nhân.
Bác sĩ Đàm Minh Sơn, công tác tại Khoa Ung bướu cho biết, trong cuộc chiến chống lại ung thư, bệnh nhân thường đối mặt với những thách thức không chỉ về mặt thể xác mà còn tinh thần. Tóc, một biểu tượng của nữ tính và vẻ đẹp người phụ nữ, sẽ rụng đi nếu bệnh nhân lựa chọn phương pháp xạ trị. Trong hoạt động tư vấn, thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Sơn thường xuyên phải trả lời câu hỏi liệu tóc họ có rụng không? Tất cả chúng ta đều hiểu điều ấy là không thể tránh khỏi. Nhưng không ai muốn chấp nhận. Dù biết, tóc sẽ mọc lại sau khi kết thúc đợt điều trị.
Theo bác sĩ Sơn, trong thời gian xạ trị, nữ bệnh nhân có thể sử dụng tóc giả để tăng thêm sự tự tin và thoải mái. Dù vậy, với một mái tóc giả làm từ tóc thật có giá thị trường 5-10 triệu đồng, thì không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện tiếp cận.
Vòng đời mới cho mái tóc hiến tặng
Trong nhiều cá nhân tham gia phong trào hiến tặng tóc cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Đà Nẵng, có không ít em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trong đó, Trần Lê Bảo Châu (12 tuổi, quận Liên Chiểu) là cô bé nhỏ tuổi nhất nhưng đoạn tóc hiến tặng thuộc dạng dài nhất: 35cm. Bảo Châu cho hay em nuôi tóc từ 3 năm trước với ý định ban đầu sẽ gửi tặng Thư viện tóc giả của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam. Tuy nhiên, khi mái tóc đủ dài, Châu biết Đà Nẵng có chương trình “Trao mái tóc, gửi yêu thương” tại Bệnh viện Đà Nẵng nên nhờ mẹ chở đến đó. Thời điểm cắt, chiều dài mái tóc của em hơn 60cm, suôn dày, đen mượt nên nhận khá nhiều lời khen từ mọi người.
Chị Lê Thị Thùy Dung, mẹ Bảo Châu kể hôm hiến tóc, người cắt tóc hỏi con có tiếc không? Con trả lời đây là mong muốn của con nên không buồn, tiếc mà chỉ thấy vui và hào hứng. Cảm động tấm lòng con trẻ, chị Dũng hứa với con, hai mẹ con sẽ cùng dưỡng tóc để tiếp tục hiến tặng lần 2, lần 3 trong thời gian sớm nhất.
Điều đáng mừng từ chương trình “Trao mái tóc, gửi yêu thương” sau 8 tháng triển khai, theo anh Nguyễn Đình Quốc, Phó phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng là tủ tóc của bệnh viện đã tiếp nhận hơn 100 bộ tóc từ người hiến tặng, từ đó gia công gần 20 bộ tóc giả tặng bệnh nhân nữ đang điều trị tại khoa Ung bướu. Trung bình, một bộ tóc giả thành phẩm được làm từ 3-4 mái tóc hiến tặng. Quá trình gia công tóc giả từ nguyên liệu tóc thật khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Chưa kể, để bảo đảm tính thẩm mỹ, bệnh viện sẽ tìm hiểu nhu cầu người bệnh, sau đó truyền đạt lại người thực hiện việc kết tóc. Hiện nay, hoạt động trao - nhận tóc đã cởi mở hơn trước, nhiều nữ bệnh nhân sẵn sàng gửi ảnh cá nhân tới thợ kết tóc để được tư vấn thiết kế mái tóc phù hợp. Cũng theo anh Đình Quốc, hiện nay những lọn tóc thô, chưa thành phẩm sẽ được Phòng Công tác xã hội lưu trữ, bảo quản và sẵn sàng hỗ trợ khi bệnh nhân có nhu cầu.
Tại Đà Nẵng, người dân muốn hiến tặng tóc cho bệnh nhân ung thư có thể đến cắt miễn phí tại các salon tóc Lix AD, Beo Vĩnh Hoàng, Trí Hoàng Vũ, hay trực tiếp đến khoa Ung bướu hoặc qua đường bưu điện. Có thể nói, bằng cách hiến tặng đoạn tóc dài tối thiểu 25cm, người tình nguyện đã góp phần tạo ra những bộ tóc giả tự nhiên cho bệnh nhân ung thư. Đặc biệt, những bộ tóc này được thiết kế phù hợp với nhu cầu và phong cách của bệnh nhân. Thậm chí, khi nhận bộ tóc hiến tặng, bệnh nhân có thể tìm đến các salon thuộc chương trình “Trao mái tóc, gửi yêu thương” để tiếp tục cắt tỉa, chỉnh sửa phù hợp.
Được biết, ngoài nguyên liệu tóc hiến tặng, hiện giá gia công mỗi bộ tóc giả từ nguyên liệu tóc thật - qua sự kết nối của Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng là 1,5 triệu đồng, trong khi giá thị trường 2,5-3 triệu đồng. Với bệnh nhân khó khăn, phòng sẽ đứng ra kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí. Để tiết kiệm tối đa chi phí, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã dành thời gian khảo sát, làm việc với nhiều tiệm tóc giả trước khi quyết định chọn một salon tóc giả có mức phí gia công rẻ nhất. Bất kỳ mái tóc nào nằm trong chương trình hiến tặng bệnh nhân ung thư tại Đà Nẵng đều được địa chỉ này lấy mức giá gia công 1,5 triệu đồng/bộ, rẻ hơn giá thị trường rất nhiều.
“Ngoài sự hỗ trợ từ người tặng, thì sự đồng hành của các salon tóc trên địa bàn đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư nhận mái tóc giả miễn phí. Để chương trình tiếp tục lan tỏa và trở thành điểm tựa thường xuyên cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, trước khi hiến tóc, mọi người cần gội sạch, sấy khô để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân. Hiện nay, kho tóc của bệnh viện rất cần những mái tóc bạc, muối tiêu để phù hợp hơn với người bệnh lớn tuổi”, anh Quốc chia sẻ.
Kinh doanh tóc giả hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Hồng Ngân (SN 1993), chủ salon tóc giả Hồng Ngân (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cho biết, mỗi ngày chị đón hơn 10 bệnh nhân ung thư đến hỏi mua tóc giả. Tuy nhiên, khi được báo giá, đa phần đều chọn mua tóc giả làm từ chất liệu ni lông với giá vài trăm nghìn đồng. Tóc giả ni lông có nhược điểm nhanh hư (chỉ sau 2,3 lần sử dụng), dễ gây kích ứng da đầu, nóng, ngứa, thường chỉ phù hợp với các cuộc thi văn nghệ, thời trang hoặc trưng bày ma-nơ-canh. Do vậy, khi biết có chương trình hiến tặng tóc giả cho bệnh nhân ung thư, chị sẵn lòng hỗ trợ phí gia công 1,5 triệu đồng/bộ. Chị Ngân cho hay, với mỗi bộ tóc giả làm từ tóc thật, tùy vào độ dài, ngắn và yêu cầu tạo kiểu, thời gian thực hiện thường kéo dài 2 - 3 ngày.
Nhìn hàng chục lọn tóc nguyên liệu kèm những lá thư mang thông điệp yêu thương nằm ngay ngắn trong phòng lưu trữ Bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi tin rằng bất kỳ bệnh nhân nào cần tóc, đều sẽ nhận sự sẻ chia từ chương trình giàu tính nhân văn này. Có thể nói, hoạt động hiến tặng mái tóc đã góp một phần nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa vào đời sống tinh thần của bệnh nhân ung thư. Đặc biệt hơn, mái tóc giả chất lượng, được thiết kế phù hợp trở thành biểu tượng của hy vọng, mang đến niềm vui và sự lạc quan cần thiết cho mỗi bệnh nhân ung thư trong hành trình chống lại bệnh tật.
“Xạ trị là phương pháp quan trọng trong việc điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, như mọi phương pháp điều trị, nó có thể gây ra những tác hại phụ như rụng tóc, sức khỏe suy giảm. Chính lúc này, những mái tóc giả chất lượng, được cắt tỉa phù hợp trở thành liều thuốc tinh thần vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân vơi bớt nỗi đau và cải thiện chất lượng cuộc sống. Là người công tác trong ngành y, tôi mong muốn chương trình tiếp tục lan tỏa, trở thành điểm đến nhân ái, giàu yêu thương của mọi bệnh nhân ung thư” Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng |
TIỂU YẾN