Đà Nẵng cuối tuần

Người thầy dạy ba vua

09:41, 30/07/2023 (GMT+7)

Tên ông được đặt cho một đường phố ở thành phố Tam Kỳ và một trường THPT ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Tất cả văn bằng, sắc phong của “người thầy dạy ba vua” được lưu giữ tại nhà lưu niệm mang tên ông ở xã Tam An, huyện Phú Ninh.

Nhà lưu niệm Phó bảng Nguyễn Dục (1807-1877) (ảnh trái)  và bia lưu niệm ở xã Tam An, huyện Phú Ninh. Ảnh: M.H.L
Nhà lưu niệm Phó bảng Nguyễn Dục (1807-1877) (ảnh trái) và bia lưu niệm ở xã Tam An, huyện Phú Ninh. Ảnh: M.H.L

Nguyễn Dục (hay còn gọi là Nguyễn Văn Dục), tự là Tử Minh, là một danh thần, một nhà giáo dục triều Nguyễn. Ông sinh vào năm 1806 tại ấp Cây Dừa (sau đổi thành ấp Gia Thọ), làng Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn Trung, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; nay là thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh. Tổ tiên của ông vốn quê ở huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; sau mới chuyển đến làng Chiên Đàn lập nghiệp và sinh sống…

Theo sách Di tích và Danh thắng Quảng Nam (Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam, 2006), cha ông là Nguyễn Văn Túy, một nhà giáo giỏi và đức độ. Mẹ ông là bà Ung Thị Lãng - một người phụ nữ đức hạnh, hết lòng chăm lo cho chồng con. Năm Tự Đức thứ 19, Bính Dần - 1866, ông Túy được ban tặng tước vị “Phụng nghi đại phu Hàn lâm viện thị độc”, bà Lãnh được ban tặng tước vị “Chánh Ngũ phẩm Nghi nhân”.

Nguyễn Văn Dục vốn là người rất thông minh, hiểu biết, hiếu học, việc gì cũng nhanh nhẹn, nổi tiếng văn hay chữ đẹp. Năm 1837, ông thi đậu Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Năm sau, Minh Mạng thứ 19, Mậu Tuất, ông thi Hội đậu Phó bảng. Sau khi vinh quy, ông được bổ làm quan nhưng ông không nhậm chức với lý do còn mẹ già đau yếu, xin về quê phụng dưỡng mẹ. Mãi đến năm Quý Mão - 1843 (năm Thiệu Trị thứ 3), sau khi thân mẫu qua đời ông được vua Thiệu Trị triệu về kinh giữ chức Kiểm thảo sơ bộ, sau được cử làm Tri phủ Kiến Thụy (tỉnh Hải Phòng), rồi chuyển về giữ chức Trước tác sung Quốc sử quán biên tu, chuyển Nội các Hành tẩu.

Năm Đinh Mùi 1847 (năm Thiệu Trị thứ 7), ông bị bệnh xin về nghỉ dưỡng và mở lớp dạy học ở quê nhà. Trong vòng 14 năm dạy học ở quê, ông đã đào tạo, dạy dỗ được nhiều người thành tài, đỗ đạt cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội: trong đó có con rể của ông là Trần Văn Dư đậu Tiến sĩ kỳ thi Hội năm Ất Dậu (1875) và con trai là Nguyễn Thích đậu Tiến sĩ khoa thi Kiến Phúc (1884)...

Mãi đến năm Tự Đức thứ 14 (năm Tân Dậu 1861), sau nhiều lần có chiếu chỉ bổ nhiệm, ông mới ra nhận chức Giáo thọ ở phủ Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), rồi làm Đốc học ở Quảng Ngãi. Năm Tự Đức thứ 17 (Giáp Tý - 1864), ông được triệu về kinh đô Phú Xuân (Huế) giữ chức Viên lĩnh ngoại Lang trung bộ Lại.

Vào năm Bính Dần 1868, đời ông chuyển sang một bước ngoặt mới. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập, quyển 33) chép: “... Bấy giờ sinh viên ở Quốc Tử Giám phần nhiều thiếu vắng, vua nhân hỏi Tham tri Bộ Lại là Phạm Phú Thứ rằng: “Ở tỉnh Quảng Nam có người nào phẩm hạnh đoan chính không?” (Phạm) Phú Thứ thưa: “Có (Nguyễn) Dục”. Tức thì cất lên làm Tế tửu vì đặc cách lựa chọn...”.

Giữ chức Tế tửu được thời gian, chẳng bao lâu sau vì có bệnh, ông xin từ chức trở về quê an dưỡng nhưng vua Tự Đức ban dụ an ủi để lưu ông lại và cử ông làm Phó Chủ khảo trường thi Hương Bình Định. Năm Tự Đức thứ 21 (Mậu Thìn 1869), ông được thăng Thị độc Đại học sĩ, rồi Đốc học ở Quảng Nam. Năm Nhâm Thân 1872 (năm Tự Đức thứ 25), ông được phong Thị lang Bộ Lễ sung Giáo đạo ở Dục Đức đường để dạy cho hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân (sau này là vua Dục Đức). Vốn tác phong nghiêm túc và tính tình nghiêm nghị nên hoàng tử luôn kính sợ mỗi khi ông lên lớp dạy. Sau đó, ông còn dạy các hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng (vua Kiến Phúc) và Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (vua Đồng Khánh).

Năm Bính Tý 1876, do tuổi cao lại thường xuyên bệnh tật ông lại xin nghỉ về quê nhưng nhà vua chỉ cho nghỉ ba tháng dưỡng bệnh.

Năm 1877, do bệnh tình không thuyên giám, ông xin từ quan và được vua chấp thuận. Vua Tự Đức ban dụ rằng: “... Năm nay, (Nguyễn Dục) đã hơn bảy mươi tuổi, vậy cho thăng làm Thự Lễ bộ hữu Tham tri, cho được nhận một nửa bổng lộc mà về làng nghỉ. Hễ thấy bệnh thuyên giảm thì mau vào cung nhận chức, để đáp ơn tri ngộ trước sau, lại cũng để thỏa ý tôn trọng người làm thầy và sự chú tâm đến người ngay của trẫm”.

Nhưng với tấm lòng trung quân và thanh bạch, Nguyễn Dục liền dâng sớ tâu: “Ghi nhận đức độ để định ngôi thứ cao thấp, xét công lao mà ban cho bổng lộc hậu… việc này triều đình đã có quy định phép tắc rõ ràng. Nhưng, bề tôi phải có đức lớn, công to như quan Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn (một đại thần Nhà Nguyễn - NV) mới xứng đáng được đặc biệt gia ơn, chớ kẻ tài hèn đức mọn như hạ thần, chẳng hề có công trạng gì, vì bị bệnh mà xin về nghỉ, thì dám đâu lại nhận chức đến hàng phó khanh và một nửa bổng lộc như thế”. Vua không bằng lòng, bảo rằng: “Không phải là lạm”…

Trong thời gian dưỡng bệnh ở quê nhà, ông vẫn miệt mài ngày ngày dạy học như thuở còn trẻ. Suốt đời ông vẫn chung thủy là một nhà giáo dục chân chính dù ở bất cứ một cương vị nào từ Thầy đồ, Đốc học, Giáo thọ đến Tế tửu Quốc tử giám (tương đương với hiệu trưởng của Trường Đại học Quốc gia ngày nay), ông đều làm tròn sứ mạng và giữ vững nhân cách của một nhà sư phạm. Nhận xét về đức hạnh và sự học của ông trong thời gian làm quan dưới triều Nguyễn, sách đã dẫn chép: “(Nguyễn) Dục là người trung hậu, giản dị, văn chương lại thuần nhã. Về Hội khoa đứng đầu hàng huyện, làm quan thời thanh liêm, thân sĩ ở Nam Châu thường suy tôn ông là người có học hạnh”.

Mùa đông năm 1877, Nguyễn Dục mất tại quê nhà, hưởng thọ 70 tuổi. Quan địa phương tâu lên triều đình, vua Tự Đức chiếu lệ cấp tiền tử tuất và truy tặng chức Tham tri. Phần mộ của ông hiện tọa lạc tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh; được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích Lịch sử cấp tỉnh vào ngày 15-2-2005. Tên ông được đặt cho một đường phố ở thành phố Tam Kỳ và một trường THPT ở huyện Phú Ninh. Tất cả văn bằng, sắc phong của “người thầy dạy ba vua” được lưu giữ tại nhà lưu niệm mang tên ông ở xã Tam An, huyện Phú Ninh.

M.H.L

.