Đà Nẵng cuối tuần
Sách mới, Sách hay
1. Đầu tháng 7-2023, nhà báo Nguyễn Quang Thọ xuất bản cuốn sách “Người Việt nói tiếng Việt” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) dày hơn 380 trang. Do cần tham khảo cho nghiệp vụ báo chí và nghiên cứu, nên nhà báo Nguyễn Quang Thọ đã tiếp cận nhiều nguồn từ điển. Qua đó, tác giả có những ghi nhận ban đầu về sự vắng mặt của các thành ngữ vốn xuất hiện theo quy luật không ngừng phát triển của xã hội, lại thêm tiếng Việt vô cùng phong phú, nhiều từ ngữ mới xuất hiện, nên thành ngữ cần giải nghĩa trọn vẹn ngày một nhiều hơn. Đây thật sự là một thách thức vừa khó khăn vừa thú vị mà tác giả muốn dấn thân để tìm lời giải.
Để có chất liệu cho “Người Việt nói tiếng Việt”, nhà báo Nguyễn Quang Thọ đã dành khoảng 10 năm để đọc, nghiền ngẫm loạt từ điển đã ấn hành. Tác giả mày mò, căm cụi nhẫn nại ghi chép và bắt đầu quá trình viết từ 1 từ đến hơn 100.000 từ. Dần dà tác giả thấy cần đối chiếu với những từ điển của các tác giả khác. Càng nhiều lần sử dụng từ điển, tác giả chia sẻ là càng học được nhiều hơn, hiểu kỹ hơn và yêu quý hơn tiếng mẹ đẻ; nhưng đồng thời là cảm giác tiếc nuối, lo âu cũng lớn dần lên khi thấy nhiều từ ngữ bị bỏ sót hoặc giải nghĩa sai lệch.
Nhà báo Nguyễn Quang Thọ chia sẻ, cuốn sách này không giúp bạn đọc trả lời được hết mọi câu hỏi, thậm chí còn làm bạn đặt ra nhiều câu hỏi hơn nhưng hy vọng đem đến cho bạn đọc cách tiếp cận mới với những vấn đề còn đang vướng mắc, cung cấp ngữ liệu cho nhiều thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, trao đổi về những lời giải nghĩa, mà theo tác giả là chưa chuẩn và lưu ý vài sai sót kỹ thuật khá nghiêm trọng trong từ điển…
2. Cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” (NXB Mỹ Thuật) là tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất của cha ông - cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) - một người được đào tạo bài bản tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách dày 400 trang, gồm hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, được trình bày song ngữ Việt - Anh, nội dung và bố cục làm nổi bật sự nghiệp hội họa của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc mang đầy tính tư tưởng. Theo đó, với ông, thiết kế nội thất để xây dựng nếp sống chứ không phải chỉ là sự khoe khoang. Ông cũng là một trong những người tiên phong về thiết kế bền vững, hướng đến bảo vệ môi trường. Những tác phẩm của ông mang tầm nhìn của một nhà thiết kế lớn, gắn với ý thức hệ, với những chuyển đổi mô hình xã hội và mô hình thẩm mỹ.
Đọc sách, độc giả còn được chiêm nghiệm không chỉ cách vẽ, tư duy hội họa của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc mà còn có thể đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những thầy cô mà họa sĩ kính trọng là Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé, để hiểu được vì sao Trịnh Hữu Ngọc được ca ngợi là di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương.
Họa sĩ Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông được thừa hưởng tình yêu hội họa từ cha mẹ là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang. Ông bén duyên với nhiều nghề như vẽ, viết, dịch thuật và đều đạt được những thành tựu lớn, song hội họa vẫn luôn là bầu không khí chủ đạo trong cuộc sống gia đình ông.
MẪU ĐƠN