Đà Nẵng cuối tuần
Thời thanh niên sôi nổi của Picasso
50 năm sau khi danh họa người Tây Ban Nha tạ thế, công chúng vẫn còn bất ngờ khi được ngắm nhìn chuỗi những tác phẩm của ông ra đời trong giai đoạn đầu sự nghiệp, những tác phẩm cho thấy rất nhiều tìm tòi, thử nghiệm về phong cách hội họa của người họa sĩ trẻ.
Bức chân dung tự họa “Self-Portrait” vẽ năm 1901 của Picasso. Ảnh: Estate Of Pablo Picasso |
Pablo Picasso là họa sĩ mà chúng ta đã biết nhiều điều về ông. Số sách và triển lãm dành cho đại danh họa người Tây Ban Nha của thế kỷ 20 này nhiều hơn bất cứ họa sĩ thời hiện đại nào khác, nhưng dù thế, dường như công chúng vẫn luôn “khát” các thông tin về ông.
Tài năng phát lộ rất sớm
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Picasso tạ thế ở tuổi 91, ông và các tác phẩm của ông vẫn tiếp tục là đề tài phong phú, sinh động nếu không muốn nói là vô tận. Nói vậy có lẽ không quá, bởi chỉ tính riêng năm 2023 đã có khoảng 50 triển lãm và sự kiện về Picasso được tổ chức trên khắp châu Âu và Mỹ - một phần trong chuỗi sự kiện “Picasso Celebration: 1973-2023” do Bảo tàng Picasso Paris (Musée Picasso-Paris) tổ chức.
Trong số đó, có một sự kiện được chú ý hơn cả, đó là triển lãm “Young Picasso in Paris” (tạm dịch: Tuổi trẻ của Picasso ở Paris) do Bảo tàng Guggenheim (New York, Mỹ) tổ chức. Tại đây trưng bày 7 bức tranh và 3 bức ký họa, tất cả đều được Picasso vẽ vào khoảng cuối năm 1900 hay năm 1901.
Số lượng tranh trưng bày không nhiều, nhưng điểm đặc biệt và được đánh giá cao hơn cả đó là việc người giám tuyển - bà Megan Fontanella của bảo tàng Guggenheim - đã công phu lựa chọn những bức vẽ thuở ban đầu trong sự nghiệp của một “Picasso trẻ” để mời công chúng thưởng ngoạn.
Giống như thiên tài âm nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart, tài năng của Picasso phát lộ từ rất sớm. Ở tuổi 13, 14 và 15, ông đã vẽ những bức tranh khoả thân khiến người xem nhớ tới những tác phẩm của Raphael (danh họa người Ý, là một trong 3 bậc thầy hội họa, kiến trúc vĩ đại thời Phục Hưng, bên cạnh Michelangelo và Leonardo da Vinci); những bức họa mô tả cảnh đấu bò nhắc nhớ về các tác phẩm của Goya (họa sĩ nổi tiếng của Tây Ban Nha); và những bức chân dung khai thác được các nét tinh tế về tâm lý có thể “cạnh tranh” với các tác phẩm của Corot (họa sĩ nổi tiếng người Pháp). Đáng chú ý khi tất cả những tác phẩm đó ra đời từ trước khi Picasso đặt chân tới “Kinh đô ánh sáng” Paris, trung tâm tiên phong của chủ nghĩa Hiện đại (“Modernism” - trào lưu nghệ thuật xuất hiện tại các nước phương Tây và Nam Mỹ vào cuối thế kỷ 19).
Vào cuối năm 1900, ở tuổi 19, Picasso và người bạn là Carles Casagemas (một nhà thơ và họa sĩ người Tây Ban Nha) tới Paris để xem bức vẽ “Last Moments” (Những khoảnh khắc cuối cùng, vẽ năm 1898) của Picasso, khi đó được treo trong Triển lãm Universal tại thành phố. Bị kinh đô ánh sáng lôi cuốn, hai họa sĩ trẻ Tây Ban Nha lúc đó đắm chìm trong tất cả những gì hiện hữu, cả mới lẫn cũ của thủ đô nước Pháp: các bảo tàng, phòng tranh, các quán cà phê, nhà hát, nhà hàng có biểu diễn nhạc… Ở Paris, như một miếng bọt biển đầy háo hức của tuổi trẻ, Picasso hòa mình vào cuộc sống và không gian sinh hoạt cũng như văn hóa, tất cả đã hòa quyện, kết hợp và làm thay đổi các phong cách nghệ thuật của ông rất nhanh.
Học hỏi và phá cách
Bức “Le Moulin de la Galette” (1900) của Picasso ra đời ở khoảng thời gian này có sự kết hợp của cả chủ nghĩa hiện đại Pháp và kỹ thuật chiaroscuro của Tây Ban Nha (kỹ thuật “chiaroscuro” trong nghệ thuật là việc sử dụng độ tương phản mạnh giữa sáng và tối, thường là độ tương phản đậm ảnh hưởng tới toàn bộ bố cục của bức tranh). Bằng tác phẩm đó, ông dường như đã muốn “cạnh tranh” trực tiếp với những người đi trước. Để trải nghiệm bức tranh này, Picasso đòi hỏi người xem phải “khiêu vũ” cùng đôi mắt họ trong khi thưởng ngoạn nó.
Triển lãm “Young Picasso” còn cho thấy các thử nghiệm hào hứng và những khát vọng vô tận của người họa sĩ ở độ tuổi đôi mươi. Các bức vẽ “Woman in Profile” và “Courtesan With Hat” có sự pha trộn của các yếu tố nghệ thuật của Claude Monet (họa sĩ người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng), Van Gogh (họa sĩ hậu ấn tượng người Hà Lan), và Fra Angelico (họa sĩ người Ý thời kỳ đầu Phục hưng), và “khởi động” cho sự ra đời của trường phái Dã thú (Fauvism).
Trong khi bức “The Fourteenth of July” (Ngày 14 tháng 7) lại cho thấy một góc nhìn có phần hơi bức bối của Picasso trước một Paris ồn ào, náo nhiệt, thì bức chân dung tự họa “Self Portrait” (1901) đầy ngạo nghễ của ông lại là sự kết nối giữa những yếu tố phong cách nghệ thuật của Edvard Munch (họa sĩ theo trường phái tượng trưng của Na Uy) và chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng - một phong trào nghệ thuật sau Thế chiến 2 trong hội họa Mỹ, được phát triển ở New York vào những năm 1940.
Còn với bức “Jardin de Paris” (Khu vườn Paris), Picasso lại “đứng” giữa những “gã khổng lồ” của trường phái Tân nghệ thuật (Art Nouveau) như Henry van de Velde (Bỉ), Toulouse-Lautrec (Pháp) và Jules Chéret (Pháp)… Sau tất cả, những bức vẽ ở những năm tháng đầu tiên của thời thanh niên sôi nổi đã cho thấy một tình yêu đặc biệt của danh họa người Tây Ban Nha dành cho kinh đô ánh sáng Paris.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo báo Wall Street Journal)