Đà Nẵng cuối tuần

Đường đến viện

20:10, 05/08/2023 (GMT+7)

Chiều nay lúc chở con đến viện trong cái nắng bỏng rát của mùa hè tôi không còn thấy lòng nặng trĩu như những lần trước nữa. Ai có con nhỏ hay đau ốm mới hiểu được cảnh nheo nhóc dắt díu nhau đến viện tháng đôi lần. Đứa nhỏ chưa khỏi, đứa lớn đã đau. Hết dịch thủy đậu lại đến cúm A, cúm B, viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt virut… Vào viện nhiều đến mức bác sĩ đã quen mặt bệnh nhân. Con đường đến viện cũng trở nên thân thuộc với mấy mẹ con tôi. Trong cơn sốt hầm hập, ôm chặt lấy người mẹ, con thủ thỉ: “Qua khúc cua kia là sẽ gặp cây xoài sai quả lúc lỉu. Lần nào qua con cũng thấy có chú chó lông xù nằm dưới gốc cây lim dim ngủ, mẹ ạ”. Qua gốc cây xoài sẽ thấy quán cà phê treo đầy chim cảnh. Lần nào đi qua cũng nghe thấy những tiếng hót lảnh lót vang lên. Có lần nghe tiếng chim cu gáy gọi bạn, con từng hỏi: “Tại sao người ta lại thích nhốt những chú chim ở trong lồng vậy mẹ? Chắc là con chim cũng nhớ rừng mẹ nhỉ? Như những ngày con ốm phải nghỉ học nằm mãi trong nhà, con cũng nhớ trường học và bạn bè mẹ ạ”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong ký ức đứa con gái bảy tuổi của tôi đường đến viện cũng có vị ngọt ngào. Như vị ngọt của que kẹo bông dỗ dành con trong một ngày đau. Vị ngọt của những chiếc kẹo mà bà cụ bán cháo dinh dưỡng vẫn hay nhét vào tay lũ nhỏ. Bà cụ có mái tóc trắng phơ hệt như là bà tiên trong cổ tích. Tôi biết ơn những điều bé nhỏ đã vỗ về con trong những ngày đau yếu. Biết ơn cả hàng cây xanh mát che cho mẹ con tôi ngày nắng ngày mưa. Cảm ơn tình người đã xoa dịu nỗi phiền muộn, buồn thương của những ngày chỉ muốn trào nước mắt. Phải đi qua con đường đến viện mới khiến người ta trân quý hơn ngày khỏe mạnh, tươi vui. Trân quý hơn những cung đường xuôi ngược khác trong đời dẫu có nhiều gian truân, vất vả.

Trong hành trình làm mẹ, tôi có thêm rất nhiều người bạn nhờ quen nhau trong viện. Có người quen lúc đi sinh mổ, cùng nằm trong khoa sản. Giữa những cơn đau dạ con sau sinh mổ, ngoảnh sang khẽ gượng cười hỏi nhau đã có sữa chưa? Cũng nhau bám vào giường tập đi. Cùng nhau ngồi dậy chải mớ tóc rối bù

sau mấy ngày đau đến dại người. Cùng nhau ẵm bồng những đứa con, khen mắt đẹp miệng xinh. Sau này mỗi lần đi viện là con quen thêm bạn mới để chơi. Mẹ có bạn mới để cùng nhau hàn huyên cho qua đi đêm dài trông con sốt. Sau này khi các con lớn khôn, đi qua những ngày ốm đau lặt vặt không biết những đứa trẻ có còn nhớ đến nhau? Còn tôi thỉnh thoảng trong lúc đi chợ hay lúc chen nhau trong siêu thị chợt bắt gặp một khuôn mặt quen quen. Rồi cả hai chợt nhớ ra từng nằm cùng nhau trong căn phòng khoa nhi nhìn từng giọt dịch truyền chầm chậm rơi, ở bên ngoài cơn mưa bão kéo dài mãi không thấy ngớt. Từng ngồi kể với nhau về nỗi cô đơn của những người đàn bà trong một gia đình. Từng động viên nhau “cứ đi đi, rồi ngày mai sẽ đến”. Người này từng giục người kia: “Cứ nằm xuống chợp mắt đi một lúc không ốm. Cứ để em thức canh chừng tụi nhỏ”. Khi đó, từng tiếng ho của con giữa đêm khuya cũng khiến nhau thắt ngực. Nhớ chưa nào?

Đường đến viện không chỉ là con đường hiện hữu với hàng cây, quán xá, nhà cửa nhấp nhô. Không chỉ là cây xoài trĩu quả, con chó nằm lim dim dưới gốc cây, những chiếc lồng nhốt căng tiếng hót. Mà đó còn là con đường gian khó của những người làm cha, làm mẹ phải đi qua trong hành trình nuôi con khôn lớn…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

.