Đà Nẵng cuối tuần

Gần 40% trong 7.000 ngôn ngữ trên thế giới đã biến mất

17:10, 19/08/2023 (GMT+7)

Con số “biết nói” này, có lẽ sẽ gây bất ngờ với nhiều người vừa được trình bày tại hội thảo ngôn ngữ kéo dài hai ngày (9 và 10-8) ở Đại học Shiksha ‘O’ Anusandhan (SOA), Ấn Độ với sự tham gia của khoảng 70 nhà văn thuộc nhiều dân tộc khác nhau trên toàn đất nước Ấn Độ.

UNESCO chính thức phát động chương trình Thập kỷ quốc tế của các ngôn ngữ bản địa 2022-2023 vào ngày 12-12-2022. Ảnh tư liệu: Cultural Survival
UNESCO chính thức phát động chương trình Thập kỷ quốc tế của các ngôn ngữ bản địa 2022-2023 vào ngày 12-12-2022. Ảnh tư liệu: Cultural Survival

Hội thảo do Học viện Văn thư quốc gia Ấn Độ phối hợp Trung tâm Bảo tồn, Tuyên truyền và Phục hồi Di sản và Văn hóa Cổ đại của Ấn Độ (PPRACHIN) tổ chức. Các học giả dự hội thảo cho biết, gần 40% trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có nhiều phương ngữ của các tộc người bản địa, đã biến mất và không ít ngôn ngữ khác cũng đang bên bờ vực “tuyệt chủng”.

Thế giới đang đối mặt với nguy cơ mất đi nhiều ngôn ngữ và cùng với đó là sự mất đi những nét văn hóa đặc trưng gắn liền với chúng, đó là thông điệp của TS. K Sreenivasarao, Thư ký Học viện Văn thư quốc gia Ấn Độ.

Kho báu văn hóa nhân loại

Khẳng định các tộc người bản địa chính là những kho báu văn hóa thế giới, ông Sreenivasarao nói: “Nếu không quan tâm bây giờ, chúng ta sẽ đánh mất văn hóa cũng như hệ thống kiến thức cổ xưa đi cùng với nó mà những cộng đồng này đang lưu giữ”. Chuyên gia này cho biết thêm, Học viện Văn thư quốc gia Ấn Độ cũng đang trong quá trình dịch và xuất bản văn chương của những tộc người bản địa sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác của Ấn Độ.

Nhà văn Haladhar Nag, người từng được trao Padmashree (giải thưởng cao quý nhất của quốc gia này dành tặng công dân Ấn Độ có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: khoa học, văn học, nghệ thuật, giáo dục…) đã chia sẻ về ngôn ngữ mẹ đẻ của ông, tiếng Koshali, và sự tri ân với nó.

Theo ông Haladhar Nag, ngay từ hồi mới học lớp ba nhưng ông đã có thể đắm mình được trong thế giới văn chương. “Những tác phẩm của tôi đều bắt nguồn từ mảnh đất nơi tôi sống”, ông nói. Tới nay các tác phẩm của nhà văn Haladhar Nag đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác ở nước ngoài và cũng đã được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học.

Trong khi đó, với bài thuyết trình quan trọng của mình, giáo sư Jagannath Das cho rằng, không giống những tộc người khác bị ảnh hưởng bởi sự hiện đại, những tộc người bản địa hay những cộng đồng dân tộc thiểu số không hề xa rời văn hóa của họ. “Những người dân tộc thiểu số gắn bó mật thiết với thiên nhiên và họ biểu đạt cảm xúc từ trái tim. Chúng ta cần lắng nghe những tác phẩm thi ca của họ và trân trọng điều đó”, ông nói.

Cần hành động khẩn trương

Ông Chaitanya Prasad Majhi thuộc ban cố vấn về ngôn ngữ Santhali của Học viện Văn thư quốc gia Ấn Độ cho rằng, với thực tế khoảng 40% trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ trên thế giới đã biến mất, mỗi quốc gia cần có chính sách hành động cấp bách để ngăn xu hướng này. Ông Majhi nhắc lại việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chọn giai đoạn 2022-2032 là Thập kỷ của thế giới về các ngôn ngữ bản địa nhằm nhấn mạnh với các nước về tầm quan trọng của việc bảo vệ và đẩy mạnh tuyên truyền các ngôn ngữ bản địa ở mỗi quốc gia. Nhà thơ nổi tiếng và cũng là người đứng đầu PPRACHIN, bà Gayatribala Panda, khẳng định sự cần thiết phải bảo tồn những yếu tố quý giá trong văn hóa các dân tộc thiểu số, cũng như trong kho tàng văn hóa dân gian của họ một cách có hệ thống trước khi tất cả những điều này biến mất.

Ấn Độ có ngôn ngữ lâu đời nhất thế giới

Theo báo Times of India, ngôn ngữ lâu đời nhất thế giới là tiếng Sanskrit. Đây cũng là ngôn ngữ khởi nguồn cho việc hình thành các ngôn ngữ hiện đại về sau, trong đó có nhiều ngôn ngữ châu Âu. Tiếng Sanskrit đã được nói từ 5.000 năm trước Công nguyên, và dù ngày nay vẫn là ngôn ngữ chính thức tại Ấn Độ, nhưng nó ít được dùng hơn trong giao tiếp hằng ngày mà chủ yếu được dùng trong nghi lễ thờ cúng. Dù vậy gần đây tổ chức dịch thuật The Spanish Group đưa ra những chứng cứ về một giả thuyết khác cho rằng tiếng Tamil mới là ngôn ngữ cổ xưa nhất thế giới. Đây là ngôn ngữ được nói ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore và Malaysia. Vấn đề này chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để giới nghiên cứu minh định.

Cũng theo báo Times of India, giới nghiên cứu ngôn ngữ thế giới đã cơ bản đồng thuận cho rằng 10 ngôn ngữ cổ nhất thế giới (xếp từ cổ nhất xuống) gồm: Sanskrit, Tamil, Latin, Hebrew, Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc, Ả Rập, Hàn, Armenia.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.