Đà Nẵng cuối tuần
Trở về nhà...
Nơi ấy ta mãi mãi thuộc về dù thời gian và không gian có đằng đẵng xa cách, dù ta có thành công hay thất bại, vững vàng hay lạc bước… Nơi ấy luôn giang rộng vòng tay để đỡ lấy, ôm lấy những đứa con của mình để mà thương, mà nhớ, mà vỗ về, mà ru vỗ. Đó là căn nhà của mỗi người, nơi “bão đứng sau cửa” như cách người ta hay nói với nhau.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sáng mùa hạ ấy, con phố vui hẳn lên khi nghe tin thời tiết hạ nhiệt, nó vui có lẽ vì sắp được đón những đợt mưa sau chuỗi ngày nồng nàn đến nứt nẻ bởi nắng. Tôi men theo những con đường bằng chiếc xe ôm rồi đi ra bến xe trở về quê. Rời nhà lên phố trong mấy tháng trước khi hoa cỏ mùa xuân đang thiết tha, rạo rực, thấm thoắt ấy thế mà cũng đã nửa năm. Nửa năm, chừng ấy với nhiều người có thể là một khoảng thời gian không đáng kể nhưng với một đứa trẻ vừa chập chững xa quê thì đó cũng là một thời gian đủ dài, đủ xa cách để khi về đến nhà tôi tha hồ mà phơi phóng lòng mình ra, để kể cho căn nhà, kể cho bố mẹ và cả những loài cây trong vườn những nỗi niềm, những câu chuyện của mình trong nửa năm qua.
Chiếc xe ấy chuyển bánh từ bến xe, nó băng qua những cung đường, những thành phố, vùng quê, những mép biển, cánh đồng... Bao lần ngồi trên xe về quê tôi vẫn giữ thói quen ấy, tôi cố thức nhiều để nhìn ngắm và cảm nhận những nẻo đường, cảnh sắc mà mình băng qua, có những chỗ vì đẹp quá mà tôi phải đưa chiếc điện thoại của mình để liên tục bấm, giữ chúng bằng những tấm ảnh. Biết bao cảm xúc nảy dậy trên con đường về nhà ấy. Thực tình ở thành phố, vì chuyện học hành, làm việc tôi đã cùng đám bạn đi qua rất nhiều con đường mà nơi đó sự háo hức, tò mò, khát khao trải nghiệm của tôi đều được hồi đáp bằng nhiều sự nhận thức lý thú về con người, cuộc sống xung quanh. Nhưng có lẽ, dù thế nào đi chăng nữa thì con đường về nhà vẫn đặc biệt nhất trong xúc cảm, bởi lộ trình của nó luôn đánh thức trong tôi những chiêm ngẫm, những sự ngoảnh nhìn toàn diện và sâu sắc nhất về những con đường, những nơi tôi từng đi qua, những được - mất, vui - buồn… của mình trong khoảng thời gian đã lùi.
Chiều đã điểm, những vệt nắng loang dài chiếu xiên qua những chiếc bánh xe. Qua mấy tiếng đồng hồ, tôi cũng đã về căn nhà của mình. Cảnh vật bình yên và đẹp nao lòng đến lạ. Cánh đồng mươn mướt màu xanh dù chiều đã già ngả, những loài chim sẻ nhỏ bé, ríu rít rủ nhau bay về phía chân trời trước lúc ngày sắp tắt. Con sông kia sao yên ả và hiền hòa đến thế, nó đang nhẫn mình đến sống động để cho mặt trời cuối ngày óng ánh, núng nẫy. Những gốc bưởi, gốc cam trước vườn nhà, ngày tôi đi còn trắng khươn khướt bây giờ đã lúc lỉu những cành quả xanh rì. Bờ ao be bé kia để vội một chiếc cuốc bàn lấm trết bùn đất, có lẽ cha tôi vừa đi làm cỏ đậu ngoài vườn trại về chưa kịp rửa. Những lần ấy, tôi đã nảy lên một ước ao rằng giá như mình biết một chút nghệ thuật thì hay biết mấy, tôi sẽ làm những câu thơ để đọng lại cảnh sắc ấy, hay dùng màu của em gái để vẽ một bức tranh thật yên bình…
Tôi bước vào hiên nhà, phưng phức mùi cỏ mà mẹ cắt ngoài đồng về cho lũ bò. Hiên cũng chộn rộn bởi những chú chó con ngoắt đuôi quấn quýt. Mẹ cha tôi từ phía trong nhà nghe tiếng tôi đùa lũ chó vui mừng đi ra ôm lấy tôi, mừng tôi về thăm nhà… Tôi thương lắm cha mẹ mình, bởi ở ngoài kia dù người ta xa hoa như thế nào thì hai ông bà vẫn cứ mãi chân chất, giản dị như thế. Áo nâu bốn mùa bạc màu nhầu nhĩ nắng mưa, nơi những nếp gấp là cả một tấm lòng yêu thương, lam lũ vì con cái. Những bữa cơm ngày về thăm nhà cũng vậy, hương vườn, hương quê chan chứa, đượm đà trong từng hạt muối, nhành rau, quả cà, khoanh cá kho mặn… Cái dư vị “ấp iu nồng đượm” mà nơi phố xá tôi không bao giờ có được.
Tôi về nhà tôi cho đỡ thương, đỡ nhớ, nhưng là lạ thay khi về rồi lại thương, lại nhớ nhiều hơn. Và rồi, tôi hiểu vì sao mà những lời ca của Đen Vâu lại neo đậu lòng người ta như vậy: “Đường về nhà là vào tim ta. Dẫu nắng mưa gần xa. Thất bát, vang danh. Nhà vẫn luôn chờ ta…”
TRẦN VIỆT HOÀNG