Đà Nẵng cuối tuần

Ký ức cánh đồng

20:08, 12/08/2023 (GMT+7)

Hôm qua, làng mình có đám hiếu. Người đàn ông của làng mấy mươi năm lưu lạc xứ người, ước nguyện cuối đời được về nơi chôn rau cắt rốn. Nghĩa tử là nghĩa tận, dân làng ngậm ngùi đưa tiễn. Cánh đồng làng lại bao dung đón nhận vào lòng cho trọn lẽ sống gửi thác về. Có phải vì sinh ra nơi đây, được tẩm ướp bởi hồn quê vị đất, được tắm táp bởi một nắng hai sương mà lòng người khôn nguôi thương nhớ.
Theo lời các cụ xưa kể, trong vời vợi của quá khứ xa xăm và miên man huyền sử, làng quê mình chỉ là vùng đất hoang vu. Để có được những làng quê trù phú như hôm nay là nhờ công lao của vị Thiếu Phó Liêm Quận Công từng giữ chức Thị Lang bộ Hộ và truy tặng Hộ bộ Thượng thư (năm Chính Hòa 12). Khi công thành danh toại, về quê ngài đã chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang mà làm nên những Yên Sơn, Phương Tô, Thuần Vỹ, Vũ Kỳ... Những bờ xôi ruộng mật, những làng quê đầm ấm, những màu mỡ đất đai có công lao của ngài và thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ vô danh định vị trong tên đất, tên làng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cánh đồng quê là bức tranh của đời sống người nông dân tảo tần từ bao đời như mẹ cha ta. Năm hai vụ Chiêm, Mùa tất bật xen canh thêm cả ngô khoai. Đất chẳng kịp nghỉ ngơi, người chân bùn tay lấm để rồi “hạt ngon bán rẻ như cho. Còn bao hạt lép đáy bồ nằm đau”. Làm ruộng như đánh bạc với trời. Trải qua năm tháng mà tích góp thành ca dao tục ngữ trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau những khi trông trời, trông đất, trông mây. Học bằng hành, bằng cầm tay chỉ việc. Tự nhiên như thế, con trai vỡ giọng là biết đến luống cày đường bừa, con gái dậy thì phải biết nhổ mạ cấy lúa. Dẫu được mùa hay thất bát đều phải biết dâng bát cơm mới đầu mùa thắp hương thành kính tưởng nhớ tiền nhân.

Cánh đồng - nơi mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày đâu chỉ gieo mầm cho những mùa gặt mà còn gieo mơ ước khát vọng cho con người. Từ hạt lúa củ khoai mà bao thanh niên trai tráng đủ sức lực xốc ba lô lên để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Để đến hôm nay, cánh đồng còn rì rào thầm nhắc tên những người con quê mình hữu danh vô danh khắp nẻo chiến trường. Từ hạt lúa củ khoai mà những Thánh Gióng, Thạch Sanh, cô Tấm thoát ra khỏi lũy tre làng thành công nhân xí nghiệp, thành công dân thành thị mà vẫn đau đáu nhớ về hạt gạo làng ta, mà nhớ về khúc hát à... ơi thể như móng chân còn bám phèn, giọng quê chưa đổi. Từ hạt lúa củ khoai, những đứa trẻ chân đất đầu trần, tóc hoe cháy, cưỡi lưng trâu vẫn mải mê đọc sách ước mơ thành ông Trạng, ông Nghè. Có ông Trạng, ông Nghè làm quan xứ khác, vẫn trở về mảnh đất hương hỏa, xây dựng và lưu giữ những nông cụ cày bừa, cuốc thuổng, thúng mủng giần sàng, cối xay, cối đạp như kho lưu trữ hoài niệm một thời quá khứ nhọc nhằn mà tươi đẹp. Vinh quang không quên nguồn cội, thành danh biết lạy tạ quê nhà. Đó phải chăng là bài học đạo lí của thảo thơm cánh đồng truyền dạy

Cánh đồng làng - nơi lưu giữ cả một khung trời thơ ấu thần tiên của thời chưa 4.0 lũ trẻ trâu thuở ấy, ngày ngày náo nức bao trò say mê. Là cánh diều no gió ngày hè; là những trò chơi dân gian trong êm ái rạ rơm; là những châu chấu, cào cào cho lũ chim sáo, chim manh; là lũ cua ngoi lên bờ trốn nóng, là cá rô, cá cờ lăn mình dưới lớp bùn non... Bờ vùng bờ thửa nào, vũng tùng vũng xói nào nhiều tôm cá cả bọn hay tát ta vẫn còn mường tượng như in dẫu vật đổi sao dời. Mùa đông là nùi lửa theo trâu hơ tay chống rét. Những muồm muỗm, bọ vừng, những chuột đồng, rắn nước, những ngô khoai móc trộm nướng lấm lem tro than vẫn thành đại tiệc giữa cánh đồng.

Cánh đồng làng - nơi lưu giữ nồng nàn hương vị của làng quê. Là mùi ngai ngái của bùn non mùa cày cấy. Là mùi lúa non thoang thoảng sương mai xen lẫn hương hoa đồng cỏ dại. Là mùi của lúa chín, của rạ rơm thơm bừng vị ấm no. Mùi thâm thẩm khoai đông ngâm nước, vị ngòn ngọt củ lạc sót mọc mầm, mùi tanh nồng của cua lươn ốc ếch... Hương vị của cánh đồng thành hương vị của quê hương để con người lỡ lưu lạc bước chân tha hương còn biết định vị mà tìm về.

Cánh đồng cứ thế hòa cùng tiếng thở buồn vui của người quê. Những buồn vui ấy bỗng ngân lên thành câu hò tiếng hát, mà lưu truyền thành di sản dân gian. Di sản dân gian bật ra từ gốc rạ, ngân lên từ cánh đồng. Để rồi dù ở phương trời nào, khi câu hát ngân lên với giai điệu luyến láy, chẳng cần nhạc đệm, chẳng cần phiên dịch thì người quê mình vẫn biết tìm về hai tiếng đồng hương.
Trong ngan ngát hương thơm của cánh đồng đương thì lúa dậy đòng, ta bỗng mơ màng nghe như tiếng nói cười của lũ bạn chăn trâu thuở ấy đồng vọng. Ta mơ màng thấy, chập chờn trong sáng tinh sương, mẹ gánh hàng đi chợ sớm, dáng cha lầm lũi vác cuốc thăm đồng!

ĐINH HẠ

.