Đà Nẵng cuối tuần

Nâng tầm đội ngũ trí thức

13:40, 13/08/2023 (GMT+7)

“Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển” - đó là câu mở đầu Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, càng suy ngẫm về lời khẳng định “đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển” trong câu mở đầu này, người Đà Nẵng càng thấy rõ rằng, để khẳng định thương hiệu thành phố bên sông Hàn, con đường ngắn nhất là nâng tầm đội ngũ trí thức nhằm phát huy cao độ năng lực sáng tạo của cả đội ngũ và của từng người trí thức trong quá trình đưa Đà Nẵng trở thành “một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước”, và hơn thế nữa, “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á” như các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển” - đó là câu mở đầu Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nâng tầm đội ngũ trí thức là con đường ngắn nhất để đưa Đà Nẵng “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”. Ảnh tư liệu

Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc nâng tầm đội ngũ trí thức Đà Nẵng phải được tiến hành đồng bộ từ cả hai phía - một là từ Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng hai tổ chức thành viên là Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố; hai là từ chính bản thân đội ngũ trí thức thành phố.

Để nâng tầm đội ngũ trí thức Đà Nẵng một cách hiệu quả, những năm qua, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách khả thi trong việc “trải thảm đỏ” và bằng chế độ đãi ngộ ban đầu tương đối hấp dẫn, đã tiếp nhận được hàng trăm người giỏi từ các tỉnh/thành phố khác tự nguyện đến làm việc/lập nghiệp lâu dài tại Đà Nẵng; đi đôi với việc đầu tư ngân sách thành phố đưa nhiều cán bộ, công chức, viên chức và cả học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông đi học đại học/sau đại học tại các cơ sở đào tạo danh tiếng trong nước cũng như ở nước ngoài, và quan trọng hơn là đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách khả thi trong việc trọng dụng những người đã thu hút được hoặc đã qua đào tạo - đáng chú ý là đã tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo/quản lý nhằm lựa chọn phương án tối ưu trong khâu bổ nhiệm cán bộ so với cách bổ nhiệm truyền thống.

Việc nâng tầm đội ngũ trí thức Đà Nẵng không chỉ tập trung vào cấp thành phố hay quận huyện mà còn chú ý đến cấp cơ sở gần dân nhất là phường/xã, thông qua Đề án Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường/xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (thường gọi là Đề án 89). 

Để nâng tầm đội ngũ trí thức Đà Nẵng một cách hiệu quả, Đà Nẵng còn chú trọng đến việc huy động tối đa chất xám của cả đội ngũ và của từng chuyên gia trên các lĩnh vực thông qua hoạt động phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức và nhất là thông qua các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật và sáng tạo văn học nghệ thuật do hai tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố là Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố làm cầu nối.

Tháng 3-2022, Thường trực HĐND thành phố còn phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri là văn nghệ sĩ để lắng nghe đại diện cử tri là những trí thức hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật góp ý về chủ đề Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đương nhiên việc huy động tối đa chất xám của đội ngũ trí thức Đà Nẵng còn thông qua hoạt động vinh danh các trí thức tiêu biểu, chẳng hạn đề nghị Trung ương phong tặng các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp như Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân; chẳng hạn đề nghị Trung ương trao tặng/truy tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ và về văn học nghệ thuật.

Năm năm một lần, các văn nghệ sĩ còn được trao tặng/truy tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Nhân kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2017), vào cuối năm 2016, UBND thành phố và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố đã vinh danh 20 nhà hoạt động khoa học công nghệ tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Như đã nêu trên, việc nâng tầm đội ngũ trí thức Đà Nẵng còn được tiến hành từ chính bản thân đội ngũ trí thức thành phố. Trước hết là việc tự học tập không ngừng của nhiều trí thức, bởi họ luôn nhớ đến câu ngạn ngữ Ấn Độ: “Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”. Xin nói thêm, mới đây người viết bài này được tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2023) tại Nhà hát lớn Hà Nội và được nghe Giáo sư Hà Minh Đức là học trò cũ của Giáo sư Đặng Thai Mai - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ năm 1957 đến năm 1984 - chia sẻ rằng, sau khi đọc cuốn sách Trên đường học tập và nghiên cứu (3 tập, 1959, 1965 và 1973) của thầy Đặng Thai Mai, Giáo sư Hà Minh Đức đã hỏi thầy mình rằng cỡ như thầy mà còn phải học tập sao và được thầy Đặng Thai Mai nhắc nhở rằng tuổi nào thì cũng cần phải học tập, nhất là đối với các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên cách tự nâng tầm hữu hiệu nhất của đội ngũ trí thức Đà Nẵng là mang hết sở học để đóng góp cho sự phát triển thành phố theo từng vị trí việc làm trong khu vực công cũng như khu vực tư, trên cơ sở vừa phát huy sở trường cá nhân vừa phát huy hiệu quả hợp tác với đồng nghiệp/đồng sự theo triết lý sống muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau.

Để khẳng định thương hiệu thành phố đạt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, Đà Nẵng đang rất cần một đội ngũ trí thức vừa biết đi nhanh vừa biết đi xa!

BÙI VĂN TIẾNG

.