Đà Nẵng cuối tuần

Nỗ lực "xanh hóa" của các bảo tàng Pháp

08:46, 27/08/2023 (GMT+7)

Để biến những nỗi lo về biến đổi khí hậu thành hành động cụ thể, thiết thực, truyền cảm hứng tới mọi người, nhiều bảo tàng tại Pháp thời gian qua đã có thêm vị trí nhân sự chuyên trách cho vấn đề này bên cạnh việc triển khai cùng lúc nhiều giải pháp.

Tác phẩm điêu khắc “Cún con” (Puppy) được tạo tác từ các vật liệu “ xanh” của tác giả Jeff Koons được đặt phía trước Bảo tàng Guggenheim ở thành phố Bilbao, Tây Ban Nha vào ngày 11-10-2021.Ảnh: Sergi Reboredo / Vwpics Via Ap
Tác phẩm điêu khắc “Cún con” (Puppy) được tạo tác từ các vật liệu “ xanh” của tác giả Jeff Koons được đặt phía trước Bảo tàng Guggenheim ở thành phố Bilbao, Tây Ban Nha vào ngày 11-10-2021.Ảnh: Sergi Reboredo / Vwpics Via Ap

Họ tính toán mức năng lượng tiêu thụ, chỉnh sửa lại cấu trúc tòa nhà, tái chế các khung kệ trưng bày, tiết kiệm nhiên liệu vận chuyển các tác phẩm nghệ thuật…, hướng tới mục tiêu “xanh hóa” qua từng việc làm thiết thực mỗi ngày.

Hơn cả một triển lãm

Mùa xuân năm ngoái, bảo tàng Maison des Arts tại Malakoff, phía tây nam thủ đô Paris đã tự nguyện cắt bỏ các dịch vụ công ích như nước, gas, điện. Và đây không phải quyết định kiểu như “triển lãm một lần duy nhất trong đời”, mà là một thử nghiệm mang tính đột phá lớn về giảm phát triển (nguyên văn “de-growth”, một chính sách giảm mức độ sản xuất và tiêu thụ trong kinh tế để bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tổn hại môi trường) đã diễn ra trong hơn 5 tháng của họ.

“Chúng tôi cũng làm nhiều hoạt động sinh thái bằng việc thu gom nước mưa, tạo vườn cây ăn trái và thay đổi hệ thống chiếu sáng, nhưng chừng đó dường như là chưa đủ”, Giám đốc bảo tàng, bà Aude Cartier, nói với báo Le Monde tuần trước. “Chúng ta cần biến những lo lắng về môi trường thành hành động mang tính cổ vũ, để cải biến thế giới thay vì đứng nhìn nó bị nhấn chìm, và các tổ chức của chúng tôi có trách nhiệm này”, bà Cartier nói thêm.

Với việc thay thế các bóng đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và đặt các xô nước để dội trong toilet, bà Cartier và các cộng sự đã làm một cuộc cách mạng với các sinh hoạt ở khu triển lãm. Họ còn đặt một lò nướng bánh mì trong vườn, dùng thêm các món ăn được chế biến theo cách lên men như tương miso, trà kombucha, kim chi, trồng thêm các vườn nấm và trò chuyện với nhau không dứt về những gì nên có trong một thế giới của ngày mai.

Tại Malakoff, những người đứng sau chiến dịch “xanh hóa” bảo tàng đặt ra mục tiêu thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt. Từ thông tin về loại hình phương tiện giao thông khách tham quan dùng để đi tới bảo tàng, cho tới tác động về mặt tâm lý của những thay đổi liên quan môi trường với đội ngũ nhân sự, tất cả đều được liệt kê và phân tích “để nghĩ về những công cụ chúng tôi có thể duy trì trong tương lai cũng như chia sẻ chúng với những người khác”, bà Cartier nói.

Nhiều thách thức

Hẳn nhiên không phải mọi bảo tàng và các trung tâm nghệ thuật ở Pháp đều đang “tiến xa” tới mức như Maison des Arts, tuy nhiên các cam kết về môi trường đã trở thành một ưu tiên với họ kể từ đại dịch Covid-19. Cùng với đó, các thảm họa khí hậu xảy ra trong năm 2022 đã thúc đẩy phong trào này mạnh mẽ hơn.

Theo báo Le Monde, hiện nay tại tất cả những bảo tàng lớn ở Pháp đều có thêm một ví trí nhân sự gọi là “chuyên gia xanh”. Theo Les Augures - tổ chức chuyên hỗ trợ lĩnh vực nghệ thuật thị giác trong quá trình chuyển đổi năng lượng - mục tiêu của họ là giảm 9.000 m3 khí CO2 phát thải mỗi năm. “Các bảo tàng thường không biết bắt đầu từ đâu, và tất cả nằm ngoài lĩnh vực quản lý của họ, liên quan tới một loạt các vấn đề”, bà Fanny Legros - người từ ba năm trước đã thành lập công ty Karbone Prod chuyên hỗ trợ vấn đề này cho các bảo tàng và trung tâm nghệ thuật, chỉ ra thách thức căn cốt nhất.

Mặc dù thách thức cho quá trình “xanh hóa” này là rất lớn “nhưng chúng ta không có lựa chọn”, bà Sandra Patron, người đã phát triển một kế hoạch tình nguyện tại Trung tâm Nghệ thuật Centre d’Arts Plastiques Contemporains ở Bordeaux (Pháp) kể từ năm 2019, chia sẻ quan điểm. “Nhưng chúng tôi bác bỏ ý tưởng về một tương lai không có tương lai. Những câu hỏi này vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Và càng nhìn về phía trước, các phản ứng của chúng ta sẽ càng trở nên thông minh hơn”, bà Sandra Patron nói.
Thành phố Bordeaux sẽ mở một trung tâm tái chế nước thải tại căn cứ tàu ngầm của thành phố trong mùa thu năm nay. Trung tâm này sẽ thu gom, xử lý và tái phân phối nước thải từ các cơ sở văn hóa tại địa phương.

Xu thế của tương lai

 

Không chỉ các bảo tàng ở Pháp, nhiều bảo tàng tại các nước châu Âu khác cũng đang ưu tiên triển khai những mục tiêu để trở nên thân thiện hơn với môi trường. Tại thành phố Bilbao, Tây Ban Nha, bảo tàng Guggenheim thời gian qua cũng nổi lên như một đơn vị đi đầu trong nỗ lực này.

 

Ông Juan Ignacio Vidarte, Tổng Giám đốc của bảo tàng Guggenheim đã triển khai các giải pháp cụ thể như hạn chế sử dụng năng lượng, áp dụng chính sách mua sắm có trách nhiệm, giảm phát thải và ưu tiên thuê thay vì đóng mới các dụng cụ để vận chuyển tác phẩm nghệ thuật. Ông Vidarte cho biết. “Hiện tại chúng tôi có thể kiểm soát được lượng nước cần dùng bằng các cảm biến”. Một số giải pháp của họ bắt đầu cho thành quả, chẳng hạn việc chuyển đổi sang hệ thống đèn LED từ năm 2018 đã giúp bảo tàng của ông Vidarte giảm phát thải khí nhà kính được 400 tấn mỗi năm.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.