Đà Nẵng cuối tuần
Nét riêng của 3 thành phố qua thơ Trương Nam Hương
Một trong những nhà thơ đương đại có mối liên hệ chặt chẽ với cả 3 thành phố: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh là Trương Nam Hương. Anh sinh ở Huế, lớn lên ở Hà Nội, lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Trương Nam Hương (ảnh trái) và một số tác phẩm tiêu biểu của anh. Ảnh: Internet |
Hiếm thấy nhà thơ nào gắn bó với cả 3 thành phố như anh. Thơ Trương Nam Hương có nét thâm trầm, nhẹ nhàng của Huế; có nét thanh lịch, hào hoa của Hà Nội; có nét phóng khoáng của Sài thành.
Cảm thức cội nguồn
Từ trước đến nay, không ít nhà thơ quê Thừa Thiên Huế sống xa xứ gửi gắm tình cảm nhớ thương của mình về với quê hương xứ sở. Sinh sống chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hồn thơ của Trương Nam Hương luôn hướng về quê cha, đất tổ. Huế với những đền đài, lăng tẩm; với những lầu son, gác tía; với những câu chuyện thâm cung bí sử qua các triều đại… đã góp phần tạo nên vẻ thâm trầm, huyền bí. Nhưng Huế lại có dòng sông Hương mềm mại, những hàng cau thon thả, những chiếc nón bài thơ duyên dáng, những tà áo dài tím thướt tha. Nói Trương Nam Hương “vịn” vào Huế để yêu em, hay nói Trương Nam Hương “vịn” vào em để yêu Huế đều như nhau cả.
Bởi đối với anh, Huế chính là em và em cũng chính là Huế. Trong những bài thơ anh viết về Huế, nét “dịu dàng” và nét “trầm tư” luôn song hành bên nhau: Anh vịn vào màu Huế để yêu em/ Trước thành quách bao đời em cứ trẻ/ Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể/ Anh mượn vành nón Huế buổi về thăm. “Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể” là câu thơ có sức khái quát và gợi cảm nhất trong bài thơ Màu Huế. Đã có bao câu thơ rất hay viết về sông Hương. Hàn Mặc Tử biến sông Hương thành “sông trăng”, Nguyễn Trọng Tạo gọi sông Hương là con sông “huyền thoại”, Thu Bồn phát hiện: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”…
Đến lượt mình, Trương Nam Hương góp thêm một cách nói mới, khá độc đáo. “Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể”, không chỉ gợi vẻ đẹp mềm mại, thon thả mà còn gợi bao thăng trầm mà cố đô Huế và sông Hương từng trải, từng chứng kiến. Sự song hành giữa nét “dịu dàng” và nét “trầm tư” còn được thể hiện trong các câu: Trên đầu, mây nắng còn xanh/ Áo em trắng với cổ thành phong rêu (Gửi về trường Nguyễn Du - Huế); Em nằm xanh nhé, sông Hương/ Ta nghiêng núi Ngự ngồi thương... dịu dàng (Riêng với sông Hương). Bên cạnh “sông Hương”, “núi Ngự”, “vành nón”, “áo trắng”, “cổ thành rêu phong” còn thấp thoáng “bóng vua” và những “cung tần mỹ nữ”: Chẳng hòa tan được rủi may/ Huế cho không cả ly đầy... bóng vua (Riêng với sông Hương). Trương Nam Hương có bài viết tặng chị Hỷ Khương (một nữ nhà thơ người Huế sống xa xứ) rất cảm động: Mỗi lần nhớ Huế ngang thăm chị/ Sẽ gặp Đông Ba mở giữa bàn/ Bột lọc bánh bèo chè đậu ngự/ Giọng cười như nắng rót Tam Giang. Người Huế dù ở chân trời, góc bể nào cũng không bao giờ quên phong vị quê hương. Những “bột lọc, bánh bèo, chè đậu ngự” chẳng phải cao lương mỹ vị nhưng là thứ bánh, thứ chè mà người bình dân xứ Huế rất ưa thích.
Người Huế cùng xa xứ như nhau, cùng chơi thân với nhau, thấu hiểu lòng nhau mới “chiêu đãi” nhau thân tình như thế.
Tình yêu Hà Nội
Không chỉ hướng về Huế, Trương Nam Hương còn hướng ra Hà Nội - nơi lưu giữ những năm tháng tuổi thơ của anh. Nếu Huế hết sức thơ mộng với “sông Hương”, “núi Ngự”, “vành nón”, “áo trắng” thì Hà Nội hết sức cổ kính với: “cầu Thê Húc”, “mái phố phong rêu”, “gốc si già”… Về Huế, thi sĩ “vịn” vào “màu Huế” để yêu em”. Ra Hà Nội thì anh “vịn gốc si/ hỏi trăng mười bảy”. Gốc si khá vững chải, có thể tha hồ “vịn”. Về Huế thi sĩ thấy sông Hương chảy thon mình qua dâu bể. Ra Hà Nội thi sĩ thấy: Phù sa đỏ như miếng trầu mẹ quệt (Với sông Hồng). Và thi sĩ mang hai dòng sông thân thiết ấy đặt cạnh nhau nhằm làm nổi bật sự khác biệt: Sông Hồng hắt đỏ lên thơ/ Tôi buông lục bát xanh bờ Hương giang… Trong bài “Hà Nội, anh về”, Trương Nam Hương tái hiện lại tình yêu cái thuở đầu đời: Nhớ mai Hà Nội… anh về/ Chợt thương hoa sấu tóc thề tuổi mơ/ Chợt buồn chợt nhớ vu vơ/ Cà phê khuấy mãi dại khờ không tan. Trương Nam Hương thường bất ngờ hạ những câu thơ rất đỗi tài hoa, gây ấn tượng mạnh, chỉ đọc một lần là găm vào trí nhớ: “Cà phê khuấy mãi dại khờ không tan”.
Thi sĩ bâng khuâng: Hỏi vàng hoa sấu/ Hỏi thầm ngói nâu/ Hỏi xanh ngày cũ/ Về nơi bắt đầu (Ký ức phố). Mặc dù mối tình ở Hà Nội, mối tình ở Huế trong thơ Trương Nam Hương mang những sắc thái khác nhau nhưng có cùng điểm chung là sự vấn vương, luyến tiếc: Mười năm trở lại dòng sông ấy/ Soi nước Hương Giang chợt nhíu mày/ Chợt thấy mình già mau đến vậy/ Qua cầu tiếc ngẩn... áo người bay (Mười năm trước Huế); Một thời Hà Nội lung liêng/ Sương cong mái phố, khói nghiêng mặt hồ/ Một thời Hà Nội mộng mơ/ Đắm mê hương sữa đến giờ chưa tan (Hà Nội một thời)… Trương Nam Hương chủ yếu mượn “em” để bộc lộ tình yêu đối với hai vùng kinh đô.
Nơi hun đúc tài năng
Nếu Huế truyền dòng máu, Hà Nội từng nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt ngào thì Thành phố Hồ Chí Minh bồi đắp, hun đúc tài năng thi ca cho Trương Nam Hương. Anh lập nghiệp và thành danh ở thành phố hiện đại và rộng lớn này. Xưa nay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được xem là vùng đất sôi động, tiếp thu nhanh nhạy cái mới ở nhiều lĩnh vực, trong đó văn học nghệ thuật. Vì vậy, “em” Sài Gòn trong thơ Trương Nam Hương khác với “em” Huế, Hà Nội: Em nhỏn nhẻn nhắc ta tìm quán gió/ Thơ với đời xúng xính chật hai tay (Bạn và em). Tình yêu của anh cũng bạo dạn, ga lăng hơn: Muốn tràn em sông nước ướt một ngày (Muốn). Giọng thơ không nhẹ nhàng, ngọt ngào mà tinh nghịch, tếu táo: Quán vườn mỗi rượu và nem/ cũng khăn ướp lạnh cũng em cực kỳ/ váy người ngắn đến mê ly/ ngẫm thơ tứ tuyệt có khi còn dài (Quán vườn). Công bằng mà nói, mảng thơ Trương Nam Hương viết về Thành phố Hồ Chí Minh không hay bằng mảng thơ anh viết về Huế và Hà Nội. Nhưng nếu không sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, chưa chắc anh viết được những bài thơ hay về Hà Nội, Huế. Phải sống xa Huế, Hà Nội và khắc khoải nhớ Huế, Hà Nội mới viết được những bài thơ gan ruột như Màu Huế, Với sông Hồng…
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi Trương Nam Hương miệt mài lao động chữ nghĩa: Tứ như vốc hạt tình gieo xuống/ mảnh đất hồn ta chữ lặng chờ/ ngày như giấy trắng đêm như mực/ ngọn bút khơi mầm - những luống thơ (Những luống thơ). Chính cái công phu lao động chữ nghĩa cần mẫn miệt mài như thế đã góp phần giúp anh viết được những bài thơ hay về Huế, Hà Nội và những bài thơ để đời như “Tâm sự nàng Thúy Vân”.
Huế, tháng 7-2023
MAI VĂN HOAN