Nữ sinh Đà Nẵng nhận liên tiếp 2 học bổng ở Vương quốc Anh

.

Huỳnh Ngọc Minh Thi là sinh viên tiêu biểu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VN-UK), Đại học Đà Nẵng. Với thành tích học thuật ấn tượng, tháng 7-2023, Minh Thi nhận học bổng toàn phần bậc tiến sĩ, chuyên ngành Y khoa Lâm sàng tại Đại học Oxford Vương quốc Anh (OUCRU). Đây cũng là lần đầu tiên, Đại học Đà Nẵng có một sinh viên 2 lần liên tiếp nhận học bổng toàn phần bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại Oxford và Cambridge - nhóm hai trường đại học danh giá của Vương quốc Anh.

Huỳnh Ngọc Minh Thi tại Margaret Wileman Building, Đại học Cambridge. Ảnh: NVCC
Huỳnh Ngọc Minh Thi tại Margaret Wileman Building, Đại học Cambridge. Ảnh: NVCC

Minh Thi theo học chuyên ngành Khoa học Y sinh tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VN-UK), Đại học Đà Nẵng năm 2017. Thời gian học tập tại đây, cô gái trẻ đã chứng minh sự nỗ lực, tài năng của mình và được thầy cô kết nối để trở thành thực tập sinh tại OUCRU - đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford.

Đặc biệt, thời điểm đó, OUCRU chỉ tuyển 4 vị trí thực tập sinh và Minh Thi phải cạnh tranh với nhiều ứng viên giỏi đến từ các trường đại học khác. Dù biết, nếu trượt suất thực tập ở OUCRU, bản thân có thể tốt nghiệp trễ so với bạn bè cùng khóa nhưng Minh Thi vẫn quyết định thử sức và thành công. May mắn hơn, kết quả thực tập sinh ở OUCRU đã giúp nữ sinh này nhận học bổng toàn phần cho chương trình thạc sĩ tại Đại học Cambridge năm 2021.

Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại VNUK, đầu năm 2022, Minh Thi lên đường sang Đại học Cambridge học thạc sĩ và được làm việc tại Wellcome Sanger Institute - nơi giải mã trình tự bộ gen người đầu tiên trên thế giới. Lĩnh vực nghiên cứu của Minh Thi là Genomic Science (nghiên cứu về bộ gen của vi khuẩn), một nhánh nhỏ của Khoa học Y sinh. “Thời điểm đó, Cambridge như một giấc mơ đối với tôi. Nơi tôi có thể bồi dưỡng khả năng nghiên cứu và học tập của mình”, Minh Thi chia sẻ.

Trong thời gian học tập tại Cambridge, Minh Thi tích cực nghiên cứu, trao dồi kiến thức, tìm kiếm học bổng tiến sĩ. Nhờ nỗ lực học tập, cơ hội tiếp tục mở ra với cô gái trẻ khi mới đây, cô trở thành nghiên cứu sinh ngành Clinical Medicine tại Oxford, với suất học bổng toàn phần. “Đối với tôi, Khoa học Y sinh là một ngành học rất hay, kích thích tính tìm tòi sáng tạo của người nghiên cứu. Quãng thời gian tiếp xúc với các bệnh án giúp tôi vững tin hơn vào sứ mệnh mà mình đang theo đuổi. Tôi cảm thấy bản thân có thể giúp đỡ các bệnh nhân một cách gián tiếp nhờ nghiên cứu và báo cáo tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh, từ đó có thể đưa ra lời khuyên cho các bác sĩ trong việc sử dụng kháng sinh có hiệu quả”, Minh Thi nói.

Có thể nói, sinh viên học y sinh có cơ hội tìm hiểu cấu trúc, chức năng và sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể con người, cũng như hiểu được cơ chế sinh học, bao gồm cả bệnh tật và sự phát triển của cơ thể. Theo Minh Thi, đây là ngành học tương đối mới, mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội nghề nghiệp, bao gồm lĩnh vực nghiên cứu, học thuật, công nghệ sinh học, công nghệ ADN, công nghệ tái tạo tế bào, gen và nhiều lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến khác liên quan tới lĩnh vực này.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.