Tham vọng siêu ứng dụng X của Elon Musk

.

Biểu tượng mới của Twitter không còn là chú chim xanh mà là chữ X màu trắng trên nền đen, đánh dấu tham vọng của tỷ phú Elon Musk trong việc biến mạng xã hội này thành một siêu ứng dụng (super app) tương tự WeChat của Trung Quốc.

Logo mới của Twitter ở trụ sở công ty này tại San Francisco, California, Mỹ.  Ảnh: The Independent
Logo mới của Twitter ở trụ sở công ty này tại San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: The Independent

Twitter được đổi logo trong lúc đối mặt với sự cạnh tranh của ứng dụng Threads nằm trong hệ sinh thái Meta. Theo hãng tin tức Insider, ông chủ của Twitter có thể dốc toàn lực để X trở thành “ứng dụng mọi thứ” (everything app), nhưng sự khác biệt lớn giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến kế hoạch này thất bại.

“Ứng dụng mọi thứ”

Ngày 24-7, khi đổi logo chú chim xanh quen thuộc thành X, Musk đăng dòng tweet: “Ứng dụng mọi thứ” có tính năng “thông tin toàn diện và khả năng điều hành toàn bộ thế giới tài chính của các bạn”. Giám đốc điều hành Twitter - CEO Linda Yaccarino cho rằng, X là trạng thái tương tác không giới hạn trong tương lai tập trung vào âm thanh, video, tin nhắn, thanh toán/ngân hàng, để tạo ra một thị trường toàn cầu cho ý tưởng, hàng hóa, dịch vụ và cơ hội.

Ngay trước khi mua lại Twitter trị giá 44 tỷ USD hồi tháng 10-2022, Musk đã bày tỏ tham vọng biến mạng xã hội này thành “ứng dụng mọi thứ”. “Việc mua Twitter là chất xúc tác để tạo ra X, một ứng dụng mọi thứ”, Musk viết tweet vào ngày 4-10-2022. Vị tỷ phú này muốn tạo ra siêu ứng dụng - nền tảng tích hợp đa dịch vụ, cung cấp “tất cả trong một”, tương tự WeChat của Trung Quốc, bao gồm: nhắn tin, gọi điện thoại, gọi xe, đi chợ hộ, giao nhận hàng, mua vé máy bay, chuyển tiền, đọc báo điện tử…

Chữ X - xếp thứ 24 trong bảng chữ cái - vốn hiện diện trong các thương hiệu kinh doanh và cuộc sống cá nhân của Musk. Vị tỷ phú giàu nhất nhì thế giới lý giải: “X là hiện thân của sự không hoàn hảo trong tất cả chúng ta, điều khiến chúng ta trở nên độc nhất”.

Năm 1999, Musk cùng một số người bạn khởi nghiệp bằng việc thành lập công ty X.com. Sau này, hãng công nghệ hàng không vũ trụ của Musk có tên Space Exploration Technologies Corporation (Công ty Công nghệ Thám hiểm Không gian) được gọi ngắn gọn là SpaceX. Tháng 4-2023, Musk thành lập tập đoàn X Holdings - tập đoàn mẹ của các công ty Twitter, Tesla, SpaceX, Neuralink và The Boring Company. Ba tháng sau, ông ra mắt công ty phát triển trí tuệ nhân tạo có tên xAI. Không những thế, Musk còn đặt tên cho con trai mình là X. Elon Musk.

Với Musk, chữ X có lẽ tượng trưng cho những giá trị tiềm ẩn trong mỗi con người và mang thông điệp “không giới hạn”, như chính tham vọng của ông về một siêu ứng dụng hàng đầu ở Mỹ.

Thách thức lớn

Thuật ngữ “super app” không xa lạ với người dùng smartphone ở châu Á bởi các ứng dụng Grab (Singapore), Kakao (Hàn Quốc), Gojek (Indonesia) trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt là WeChat. Song, chưa có một siêu ứng dụng nào nổi bật tại Mỹ và châu Âu.

WeChat có sự khởi đầu rất khác Twitter và sự khởi đầu đó là một phần công thức kỳ diệu giúp ứng dụng này thành công. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã ra mắt WeChat dưới dạng một ứng dụng nhắn tin đơn giản vào năm 2011. Tính đến tháng 12-2022, theo Statista, WeChat có hơn 1,3 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng, gần gấp 4 lần so với hơn 368 triệu người dùng hằng tháng mà Twitter có.

Nếu Musk chỉ chú ý số người dùng và đơn giản giả định rằng việc thêm các chức năng vào X sẽ biến nó trở thành WeChat của phương Tây, thì ông đã bỏ sót điểm mấu chốt. Bản thân WeChat là một hệ sinh thái xã hội đã “khóa” người dùng ngay từ đầu, điều mà Facebook và X có thể sẽ không làm được.

Bất kỳ người dân Trung Quốc nào cũng không thể rời khỏi WeChat vì người thân, bạn bè, đồng nghiệp của họ đều dùng ứng dụng này. Và nếu không dùng WeChat, họ không thể mua bất cứ thứ gì trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Các nhà bán lẻ Trung Quốc không dùng tiền mặt và chấp nhận thanh toán qua dịch vụ ví kỹ thuật số của WeChat là WeChat Pay và cả Alipay. Mọi người sử dụng WeChat và Alipay để thanh toán các hóa đơn tiện ích, đặt tour, nộp tiền phạt, gửi tiền ngân hàng, đầu tư chứng khoán, lên lịch các cuộc hẹn khám bệnh…

Khi Tencent giới thiệu WeChat cách đây hơn một thập niên, không gian kỹ thuật số ở Trung Quốc vẫn đang phát triển. Lúc đó, các ứng dụng gọi xe như Uber, Lyft và Didi Chuxing của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu; công ty Facebook (hiện là Meta) chưa mua lại Instagram và WhatsApp - điều không quan trọng đối với người tiêu dùng Trung Quốc, vì các nền tảng của Meta hầu như không thể truy cập được ở quốc gia này. Song, những điều kiện nói trên đã giúp WeChat dễ dàng tự quảng cáo là một cổng truy cập tất cả các dịch vụ chỉ bằng một cú kích chuột. Trong khi đó, Mỹ hay châu Âu vẫn phụ thuộc vào thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thay đổi hành vi tiêu dùng là điều không dễ.

Hiện chưa có tính năng mới nào của X được công bố, ngoại trừ logo. X sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ - các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số đã có sẵn ở thị trường Mỹ và châu Âu. Hơn nữa, tỷ phú Elon Musk phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý để bảo vệ thương hiệu X bởi hàng trăm công ty, trong đó có những cái tên lớn như Microsoft và Meta, có quyền sở hữu trí tuệ đối với chữ X. Từ năm 2003, Microsoft sở hữu nhãn hiệu X liên quan thông tin liên lạc về hệ thống trò chơi điện tử Xbox. Còn Meta sở hữu nhãn hiệu liên bang đã đăng ký vào năm 2019 bao gồm chữ X màu xanh trắng cho các lĩnh vực phần mềm và phương tiện truyền thông xã hội.

KHÁNH LINH (theo Insider, NYT, Independent)
;
;
.
.
.
.
.