Đà Nẵng cuối tuần

Ứng xử hoa hậu

16:41, 19/08/2023 (GMT+7)

Khi một ai đó mắc lỗi, tùy theo mức độ và phạm vi, dư luận sẽ lên án sòng phẳng, song giống như mọi quy ước đạo đức, mục đích của sự lên án, phê phán là để đối tượng tốt hơn, chứ không phải truy diệt, vò nát một con người. Vấn đề là không dùng cái sai này để đè bẹp cái sai khác.

Ứng xử trên mạng xã hội đã có nhiều quy định cụ thể; công chức, đảng viên, nhà báo… đều có bộ quy tắc về việc nên và không nên làm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc cộng đồng mạng đồng loạt truy tận cùng, diệt tận gốc một ai đó lỡ lời trở thành hiện tượng khó chấp nhận. Sự việc một cô hoa hậu dại miệng sau khi đăng quang về thông điệp gửi đến bạn bè cùng lứa, với người yêu và đỉnh của dại dột là đặt mình nổi tiếng ngang với những người nổi tiếng nhất là điều ai cũng cảm thấy không chỉ cái miệng cô dại mà toàn bộ nhân cách của cô cũng dại. Sự việc dồn cô hậu và gia đình đến chân tường của sự chịu đựng.

Việc cô hậu này dại miệng là điều đáng chê trách, phê phán. Nhưng khi cô biết hối lỗi, van xin một cơ hội làm lại, thậm chí cả người cha tội nghiệp cũng phải lên tiếng xin tha thứ cho con gái mình, vậy mà miệng lưỡi mạng vẫn không buông tha. Họ đòi cái gì? Trả lại vương miện và tước danh hiệu? Việc đánh hội đồng trên mạng là hiện tượng càng ngày càng phổ biến, hình thành tâm lý đám đông theo kiểu a dua. Một comment càng độc địa càng “đã”. Không gì đơn giản hơn là phê phán một sự việc, hiện tượng đã được kết luận sai. Hình như có một số người chỉ chờ người khác sơ hở rồi thản nhiên nhận xét, truy chụp ác ý. Đây không phải thị phi, đây là sự lên tiếng của cái ác dưới một hình thức hợp lệ chỉ có trong cõi mạng.

Nói như vậy không có nghĩa là bao che cho sự nghèo nàn kiến thức và thiếu khiêm tốn của cô hậu kia. Sự lệch chuẩn giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp trí tuệ cũng như sự nghèo nàn về kiến thức nền là điều cần phê phán. Vấn đề đáng quan tâm hơn là vì sao lại xuất hiện một hậu chỉ có cái vẻ bề ngoài ấy? Sự vạ miệng của cô phản ánh một thực tế đáng lo sợ hơn nhiều.

Không lẽ một người tốt nghiệp THPT, sau 12 năm đèn sách lại có thể ứng xử ngây ngô và tầm thường như vậy? Vì sao quá trình giáo dục toàn diện mà lại “xuất xưởng” một hậu dám đặt mình ngang với những bậc cả dân tộc tôn kính? Lẽ nào ban tổ chức không nhận ra những khiếm khuyết về mặt nhận thức xã hội của một người sẽ là hoa hậu? Phong cách, tính cách và phẩm chất phải có của một người sẽ được vinh danh đẹp nhất không thể không phát lộ trong quá trình chuẩn bị. Ảo tưởng về nhan sắc, hời hợt trong khâu chuẩn bị và thiếu tính chuyên nghiệp trong tổ chức thi khiến việc chọn ra người tiêu biểu trong số người dự thi không xứng với danh hiệu. Có lẽ không chỉ lỗi của riêng cô...

Nói thêm điều nhiều người đã nói, có cần thiết mỗi năm nước ta phải có tới hơn 30 cuộc thi hoa hậu và cũng chừng ấy danh hiệu? Sẽ khó mà nhớ hết tên các cuộc thi sắc đẹp này, và càng không thể nhớ hết các hoa hậu. Đó là mới nói về số lượng, chứ nếu đủ kiên nhẫn theo dõi hết các cuộc thi ta còn thấy sự nghèo nàn cả về nội dung đến hình thức tổ chức. Cuộc thi nào cũng vẫn những câu hỏi và tiết mục na ná nhau. Đã có nhiều ý kiến về sự lạm phát danh hiệu người đẹp nhưng vì sao lại kéo dài?

Lập luận cho rằng cầu tạo ra cung cho chính nó, bởi xã hội cần nên càng nhiều hình thức tổ chức càng tốt, càng nhiều hoa hậu càng hay, càng tạo ra sự sôi động, người phụ nữ Việt Nam cần được nhiều hơn sự tôn vinh… Tình hình sẽ không còn kiểm soát khi mỗi địa phương có quyền cấp phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu. Chất lượng tổ chức và phẩm chất cao đẹp của một hoa hậu sẽ không thể nào xuất hiện đại trà. Vạ miệng của cô hoa hậu không thể không có trách nhiệm của đơn vị tổ chức.

Có ý kiến nói rằng chính siêu lợi nhuận và thói háo danh làm hỏng sự cao quý vốn phải có của danh hiệu hoa hậu quốc gia. Liệu rồi phải có một cuộc thi chọn hậu của các hậu hằng năm? Thực tế, rất cần sự quản lý hợp lý của chính quyền và ngành chức năng, để cho việc thi và danh xưng hoa hậu thật sự là một sự kiện văn hóa, là sự biểu dương xứng đáng nhan sắc của phụ nữ Việt Nam.

NHÃ ĐAN

.