Đà Nẵng cuối tuần

Tên gọi các nơi thờ cúng của người Việt

10:41, 17/09/2023 (GMT+7)

* Người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng với các tên gọi khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am… Làm thế nào để phân biệt các kiến trúc gắn với tôn giáo, tín ngưỡng này? (Lê Châu, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Đền Thiên Trường (Nam Định), nơi thờ các hoàng đế Triều Trần. Ảnh: V.T.L
Đền Thiên Trường (Nam Định), nơi thờ các hoàng đế Triều Trần. Ảnh: V.T.L

- Hai hình thức kiến trúc phổ biến gắn với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt là chùa và đình. Nếu chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni... thì đình là nơi thờ Thành hoàng của các làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.

Có nhiều tài liệu phân tích chi tiết về sự khác nhau giữa các hình thức kiến trúc tín ngưỡng khác như đền, miếu, nghè, điện, phủ, quán, am... Ví như bài viết “Phân biệt chùa, đình, đền, phủ, miếu, quán trong phong tục Việt” đăng trên trang baophapluat.vn.

Theo đó, đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh theo truyền thuyết dân gian hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.

Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu - tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng. Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần; miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu Thổ thần hoặc thần Hậu thổ. Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Miếu nhỏ còn được gọi là miễu (cách gọi của người miền Nam).

Nghè là hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có khi thờ Thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc. Nghè cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thần trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đáp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật.

Điện thờ là một hình thức của đền, là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ. Tuy vậy quy mô của điện nhỏ hơn đền và phủ, lớn hơn so với miếu thờ. Điện thông thường thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam tứ phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác. Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân.

Trang chuahoangphap.com.vn (Chùa Hoằng Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết thêm về phủ, quán, am. Phủ là nơi thờ Mẫu (Phủ Giầy, Phủ Tây Hồ,...) một số nơi thờ tự (không nhất thiết thờ Mẫu) ở Thanh Hóa cũng gọi đền là phủ. Am cũng được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Am là một ngôi nhà nhỏ, lợp lá, ban đầu dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Quán là một dạng đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Tùy theo từng thờ mà có các dạng thức khác nhau. Có thể kể tới các quán điển hình như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán... đều ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay).

ĐNCT

.