Đà Nẵng cuối tuần

NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

Sống bình tâm

08:29, 17/09/2023 (GMT+7)

Khái niệm tỉnh thức dần trở nên quen thuộc với những người có lối sống tích cực và không quá phụ thuộc vào những tác động từ môi trường bên ngoài. Thực hành theo cách này, tâm trí của họ dần trở nên bình thản, có chiều sâu và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Gần gũi với thiên nhiên giúp tâm, trí con người tĩnh lặng và hạnh phúc hơn. Ảnh: T.Y
Gần gũi với thiên nhiên giúp tâm, trí con người tĩnh lặng và hạnh phúc hơn. Ảnh: T.Y

Giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) sau thời gian gặp triệu chứng rối loạn lo âu khi con gái bước vào tuổi dậy thì, đã chia sẻ tại chương trình “Đào tạo thái độ sống” do Trường Đào tạo kỹ năng UPO - chi nhánh Đà Nẵng tổ chức, rằng chị nhận thấy mình đã quá cầu toàn khi yêu cầu con gái phải chăm ngoan, học giỏi, nghe lời và không phạm lỗi.

Chị Thu kể, cách đây vài tháng, chị phát hiện con gái lấy tiền từ ví mẹ. Phản ứng đầu tiên của chị là chất vấn và la mắng con. Dù vậy, con gái chị sau đó vẫn tiếp tục phạm lỗi. “Thời điểm đó tôi rất căng thẳng, thậm chí đánh con, nói những lời khó nghe với con vì bản thân cảm thấy bất lực, lúng túng”, chị Thu nói.

Trước sự lo lắng của chị Thu, chuyên gia giáo dục Nguyễn Hoàng Thiện, Trường Đào tạo kỹ năng UPO cho rằng, ở độ tuổi còn nhỏ, trẻ rất dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, dẫn đến hành vi trộm tiền hay trộm cắp. Trong đó, việc mong muốn có những món đồ yêu thích hoặc giải quyết một số nhu cầu cá nhân là suy nghĩ hoàn toàn bình thường của trẻ. Tuy nhiên, cùng với việc không thể chờ đợi và mong muốn thỏa mãn nhu cầu tức thì, trẻ có thể bất chấp mọi thứ để có những món đồ đó, kể cả trộm cắp.

Theo anh Thiện, khi gặp trường hợp trên, thay vì la mắng, đòn roi, xúc phạm, cha mẹ cần có biện pháp giáo dục trẻ khéo léo và tâm lý hơn. Lúc này, ba mẹ hãy tỏ ra nghiêm khắc nhưng đừng dùng đòn roi hay lời nói cực đoan, thô tục. Bởi lẽ, trẻ thường có ý thức tốt hơn khi nhận được sự tin tưởng của bố mẹ và cố gắng làm đúng với sự tin tưởng. Hãy bình tĩnh yêu cầu con xin lỗi, hoàn trả số tiền, món đồ, giúp con biết được lỗi lầm của mình và yêu cầu không được tái phạm, tránh ảnh hưởng tâm lý về sau. Bên cạnh phân tích cho con thấy hành động lấy trộm tiền là không tốt, ba mẹ cũng cần dạy con cách quản lý tài chính, kiếm tiền bằng cách giúp ba mẹ làm việc nhà, tiết kiệm tiền ba mẹ cho hay bán đồ cũ không sử dụng...

“Để làm được điều này, ba mẹ cần thay đổi quan điểm nuôi dạy con theo hướng thuận tự nhiên và xem mọi thứ của con trẻ đều có thể giáo dục, uốn nắn theo chiều hướng tốt”, anh Thiện chia sẻ.

Trong khi đó, chị Trần Thị Tố Nga (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho hay chị luôn giữ thái độ “đừng quá cầu toàn” trong nuôi dạy con và nhìn nhận mọi thứ xung quanh. Chị đồng cảm với quan điểm cho rằng một đứa trẻ hay rửa tay và luôn giữ quần áo sạch sẽ, hẳn khi lớn sẽ dễ cô đơn. Quá sạch là do thôi thúc từ nỗi sợ của vô thức. Luôn rửa tay là cách trấn an mình phải sạch, phải thơm tho trong mắt người khác. Những đứa trẻ ấy thường e ngại khi muốn bắt tay ai, ôm ai càng khó. “Đó không phải là cổ vũ cho hành động mất vệ sinh, mà là khích lệ trẻ chấp nhận, hòa hợp và thích nghi với điều kiện thực tế. Dù đang chăm sóc 2 con nhỏ nhưng tôi vẫn luôn bình thản, có thời gian dành cho bản thân, gia đình bởi suy nghĩ: nếu không được cái tốt nhất, hãy cứ vui với cái tốt nhì, hoặc chỉ tốt vừa vừa”, chị Nga vui vẻ nói.

Cải thiện sức khỏe và tinh thần

Nhiều ý kiến cho rằng, mọi sự tỉnh thức, thay đổi của con người (so với thói quen ban đầu) đều cần thái độ nghiêm túc và kiên trì. Anh Lê Văn Lâm (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) chia sẻ bản thân từng cảm thấy việc dậy sớm lúc 5 giờ sáng là “cực hình”, nhưng suy nghĩ này đã thay đổi khi anh cảm nhận sự yên bình, mát mẻ trên bãi biển lúc bình minh. Chưa kể, từ khi phong trào chèo SUP đón bình minh trên biển Mân Thái nở rộ, anh đã nghĩ “họ làm được, tại sao mình không làm được”, từ đó thay đổi thói quen dậy sớm đi biển, tập thể dục, thư giãn.

“Dậy sớm, tập thể dục, ăn uống lành mạnh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của tôi. Điều này không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn giúp tinh thần lạc quan, giảm căng thẳng, lo âu, sẵn sàng đối mặt với khối lượng công việc lớn trong ngày. Tất nhiên, tôi phải mất hơn 2 tháng mới tạo được thói quen này vì thời gian đầu phải cố gắng lắm mới dậy đúng khung giờ mong muốn”, anh Lâm cho hay.

Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều người tham gia các lớp tư vấn tâm lý ứng dụng với mong muốn hiểu được con người bên trong (hoặc mong muốn) của chính mình. Xu hướng này cho thấy nhận thức về tâm lý, sức khỏe tinh thần của con người đã có sự thay đổi nhằm ứng phó với những tình huống căng thẳng và tạo ra môi trường sống lành mạnh. Theo các chuyên gia tâm lý, việc hiểu rõ hơn về bản thân giúp họ phát triển cá nhân tốt hơn. Và, cách sống chậm lại giúp họ có thời gian suy nghĩ, xác định lại mục tiêu, từ đó tối ưu hóa năng lực cá nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, công nghệ đã giúp việc tìm hiểu về tâm lý, sức khỏe tâm thần trở nên dễ dàng hơn. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng, khóa học, nền tảng trực tuyến cung cấp tài liệu, câu chuyện, bài viết giúp người dùng nắm bắt kiến thức phát triển bản thân. Đặc biệt, khi gặp vấn đề khó giải quyết hơn, họ đã mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.

Đơn cử, các khóa học tâm lý ứng dụng do Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ tâm lý Cadeaux tổ chức đã giúp hàng trăm học viên lý giải và thấu cảm những vấn đề mà người khác gặp phải, cũng như thực hành một số tình huống gây băn khoăn, áp dụng kiến thức giải quyết chúng… Tiến sĩ Hằng Phương cho hay, những khóa học như thế có thể giúp mỗi người trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong ứng xử nhằm chọn cách giải quyết thông minh, trọn vẹn trong mối quan hệ vợ chồng, con cái, bố mẹ. Đồng thời, cung cấp cái nhìn sâu sắc về sức khỏe tâm thần, chữa lành những tổn thương, nỗi sợ bên trong và đặc biệt là giao tiếp hiệu quả trong mỗi tình huống khác nhau.

TIỂU YẾN

.