Đà Nẵng cuối tuần

AN TOÀN MÙA MƯA BÃO

Vận hành hồ, đập đa mục tiêu

05:53, 29/10/2023 (GMT+7)

Cách đây 1 năm, trong tối 14-10-2022, hồ Hố Dư bị vỡ đập đất gây lũ ống làm sập một phần nhà và cuốn trôi nhiều tài sản của người dân. Lũ quét trên sông Cu Đê vượt mức lịch sử đã làm xói lở bờ sông đoạn qua đèo La Ngà và đe dọa an toàn đập dâng Nam Mỹ thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Rút kinh nghiệm, năm nay, công tác quản lý, vận hành các hồ, đập được tăng cường để bảo đảm an toàn cho công trình, hạ lưu và bảo đảm đa mục tiêu.

Hồ Hòa Trung đã được nâng cấp kiên cố, an toàn đủ để
Hồ Hòa Trung đã được nâng cấp kiên cố, an toàn đủ để "đương đầu" mưa lũ với tần suất "ngàn năm có một". Ảnh: HOÀNG HIỆP

An toàn cho người dân

Vì nhiều lý do, khi xây dựng các đập hoặc mái đập để tạo hồ chứa được đắp bằng đất gây nhiều lo ngại về vỡ đập nhất là khi mưa quá lớn làm nước tràn qua mặt đập hoặc dòng nước mưa quá lớn trên mái đập chảy mạnh gây xói lở dần. Để khắc phục tình trạng này, các hồ chứa trên địa bàn thành phố được xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp đều có xây dựng tràn tự do cho nước chảy qua khi mực nước trong hồ dâng quá cao.

Tuy nhiên, một số hồ chứa cũ xây dựng trước đây mà đến nay không còn sử dụng, không được cải tạo, xây dựng tràn tự do hoặc hồ chứa nhỏ do người dân xây dựng dễ có nguy cơ vỡ do nước mưa chảy tràn qua mặt đập. Hồ Hố Dư ở thôn Trạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) là một ví dụ điển hình. Do mưa quá lớn, tập trung trong thời gian ngắn đã làm xói lở thân đập gây vỡ đập vào ngày 14-10-2022.

Sau khi bị vỡ đập của hồ Hố Dư, gia đình ông Nguyễn Thanh Niên (trú tổ 2, thôn Thạch Nham Đông) đã khôi phục lại một phần ngôi nhà bị lũ ống làm sập và xây dựng phía trước một ngôi nhà 2 tầng để tránh ngập kết hợp đổ bê-tông cốt thép tường rào nhằm chắn chính diện dòng nước chảy vào. Nhận thấy hồ chứa này không còn phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND thành phố chỉ đạo huyện Hòa Vang và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không tích nước trở lại đối với hồ này. Địa phương cũng quyết định không khôi phục lại hồ để tránh hình thành một “quả bom nước” treo trên đầu người dân ở tổ 2, thôn Thạch Nham Đông.

Tuy nhiên, trong các đợt mưa lớn, nước mưa từ lưu vực rộng lớn chảy về lòng hồ trước đây tạo thành một khe nước chảy qua vị trí đập bị vỡ rồi chảy về khu vực dân cư ở tổ 2, gây ngập sâu đường và tràn vào một số nhà dân. Ông Nguyễn Thanh Niên cho biết: “Trước đây, khi xây dựng đường quốc lộ 14B (đường Trường Sơn), đơn vị thi công đã phá bỏ cống hộp băng qua đường ở chỗ kiệt 9 và trổ cống ở kiệt 11 nên nước chảy dồn về một mương đất qua khu dân cư để thoát vào cống ở kiệt số 11.

Từ mùa lũ năm 2020, lượng nước lớn ở lưu vực từ dưới chân đập đất của hồ Hố Dư xuống hạ lưu đã làm quá tải tuyến mương đất này, nước dâng cao gây ngập đường. Sau khi bị vỡ đập, mỗi khi mưa lớn, nước từ trên núi không còn được hồ giữ lại nữa nên chảy tràn về khu dân cư gây ngập sâu. Người dân đề nghị thành phố có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải bổ sung hoặc mở rộng cống băng qua quốc lộ 14B để chống ngập úng cho khu dân cư”.

Trong đợt mưa gây lũ quét lịch sử trên sông Cu Đê xảy ra ngày 14-10-2022, khu vực ta-luy âm đoạn qua đèo La Ngà và sát thượng lưu đập của hồ chứa Nam Mỹ (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên bị xói lở. Tình trạng này không chỉ đe dọa an toàn đập dâng Nam Mỹ mà còn gây lo ngại khi xảy ra mưa lũ lớn, dòng chảy của sông Cu Đê có khả năng thay đổi dòng chảy, mở cửa sông mới ở khu vực khe Trí.

Trong mùa hè vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã triển khai khắc phục xói lở bước 1 với việc thi công tường kè chắn bằng rọ đá. Nhưng vào ngày 13-10-2023, mưa, lũ lớn đã xuất hiện 1 vị trí sạt lở tại khu vực đèo La Ngà và đến sáng 15-10-2023, vị trị này sạt lở thêm và tiếp tục có dấu hiệu rạn nứt, nguy cơ sạt lở thêm 4 vị trí.

Tại hồ Hòa Trung, những năm trước, hồ được nâng cấp với việc đổ bê-tông kiên cố và nâng thành bê-tông trên mặt đập lên để có thể “cầm cự” với mưa cực đoan được tính toán với tần suất xuất hiện “ngàn năm có một”, không cho nước tràn qua mặt đập, mà chảy qua tràn tự do để bảo đảm an toàn hồ chứa.

Tuy nhiên, hiện còn một số đoạn kênh thoát lũ Hòa Liên chưa được xây dựng hoàn thành làm nhiều người dân lo ngại nước từ tràn tự do của hồ Hòa Trung và lưu vực Khu Công nghệ cao Đà Nẵng chảy về tràn vào, ngập các khu vực dân cư. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) Ngô Thành Tâm cho biết: “Hiện còn đoạn kênh thoát lũ Hòa Liên từ thôn Tân Ninh đến khu vực cầu Quảng chưa được thi công, dự kiến triển khai đền bù giải tỏa, thi công từ năm 2024-2027”.

Quan tâm vận hành an toàn hồ, đập

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lê Văn Tuyến cho biết, sau các đợt mưa lũ, nước các hồ chứa nhỏ và hồ Hòa Trung đã dâng lên qua tràn tự do, nước hồ Đồng Nghệ đã dâng lên qua tràn xả sâu. Hiện nay, các hồ chứa được quản lý trên địa bàn thành phố đều được nâng cấp và đều có tràn tự do để khi mực nước hồ dâng qua khỏi mực nước dâng bình thường thì chảy qua tràn tự do, tránh tình trạng nước chảy qua mặt, mái đập gây vỡ đập.

“Hiện các hồ đã được nâng cấp nên kiên cố hơn. Dù vậy, công tác vận hành an toàn các hồ vẫn được quan tâm thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Theo đó, khi có mưa lớn thì công nhân tuần tra, theo dõi, bảo vệ hồ; chuẩn bị vật tư, vật liệu để khắc phục các sự cố nhỏ phát sinh ngay từ đầu... để bảo đảm an toàn tối đa cho các hồ, đập”, ông Tuyến nói.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, hiện trên địa bàn thành phố có 75 công trình thủy lợi, trong đó có 19 hồ chứa, 27 đập dâng... Bên cạnh phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống công trình thủy lợi còn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp; thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ; góp phần bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai... Để bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, nhất là trong những năm gần đây, khi thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là mưa cực đoan, đơn vị đã thường xuyên kiểm tra các công trình hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ, kịp thời đề xuất sửa chữa các hạng mục công trình bị xuống cấp để bảo đảm vận hành an toàn công trình.

Thời gian qua, ngành thủy lợi cũng tham mưu UBND thành phố chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. “Hiện nay, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ thủy lợi phải luôn luôn học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để ứng phó, phát huy hiệu quả đa mục tiêu các công trình hồ, đập”.

Phát huy kinh nghiệm trong nhiều năm tham gia quản lý, vận hành, trước tình hình mưa cực đoan, tập trung trong thời gian ngắn, các đơn vị, địa phương tiếp tục vận hành các hồ, đập bảo đảm an toàn và đa mục tiêu. Trong đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 18-10, hồ thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) đã được vận hành tích toàn bộ 133 triệu m3 nước về hồ, cắt gần trọn lũ không để nước sông Vu Gia và sông Cẩm Lệ dâng cao thêm, góp phần giảm ngập lụt cho thành phố Đà Nẵng.

Thời gian đến, Công ty CP Thủy điện A Vương tiếp tục công tác bảo đảm vận hành hồ chứa an toàn cho công trình, cho hạ du theo các phương án, tuân thủ đúng quy định vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ ban hành; tăng cường ca trực vận hành, sửa chữa, trực chỉ huy tại nhà máy, đập; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ, bản tin cảnh báo, dự báo, quan trắc lượng mưa, mực nước hạ du trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để bảo đảm vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du và tích đủ nước phục vụ cấp nước, cấp điện hạ du trong mùa cạn năm 2024.

Trao đổi thêm về tình huống nếu tái xuất hiện trần mưa cực đoan gây ngập lụt với tần suất “ngàn năm có một” như ngày 28-10-2020, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đak Mi cho rằng: “Với dung tích phòng lũ trong hồ thủy điện Đak Mi 4, đủ khả năng điều tiết lũ. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương bổ sung kịch bản và thẩm quyền quyết định sử dụng phần dung tích từ mực nước dâng bình thường đến mực nước lũ kiểm tra (dung tích siêu cao) của hồ chứa để vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du khi có tình huống”.

HOÀNG HIỆP

.