Đà Nẵng cuối tuần

Bình đẳng giới - gánh nặng hai vai

09:04, 15/10/2023 (GMT+7)

Từ nhiều năm qua, trong các cơ quan công sở, công đoàn cơ quan vẫn duy trì phong trào thi đua hai giỏi của phụ nữ và thực hiện từ cấp Trung ương xuống đến cơ sở. Hai giỏi đó là “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Và bỗng dưng những người phụ nữ Việt Nam từ xưa vốn được gọi là phái yếu, là chân yếu tay mềm nhưng vì muốn được công nhận là hai giỏi, phải vươn vai như Phù Đổng, phải mạnh mẽ, phải làm tốt cả công việc chuyên môn ở cơ quan; phải nuôi dạy con tốt, quán xuyến công việc bếp núc ở nhà và kiêm luôn nhiệm vụ phải giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Họ - những người phụ nữ vốn được coi là yếu đuối, sức vóc có là bao so với cánh đàn ông, nhưng để được xã hội công nhận, để làm tốt vai trò của mình cả trong công việc lẫn gia đình, họ phải gánh nặng hai vai - và như thế thì mới được nhận danh hiệu phụ nữ hai giỏi.

Phụ nữ phải gánh nặng hai vai như thế, thì đàn ông ở đâu? Không lẽ chỉ có phụ nữ mới phải làm tốt vai trò, làm tròn trách nhiệm của mình với gia đình, với xã hội, còn đàn ông thì mặc nhiên không phải cố gắng gì, vì họ là đàn ông ư?

Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Đó là trên lý thuyết, còn thực tế ở nước ta thì sao? Dù Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 nhưng trên thực tế, cụm từ “bình đẳng giới” vẫn còn xa lạ với rất nhiều người, kể cả trong các cơ quan, đơn vị mà người đứng đầu là đàn ông.

Theo cách nghĩ từ xưa truyền lại, trong một gia đình truyền thống, đàn ông luôn là trụ cột gia đình, phải lo cơm áo gạo tiền để duy trì cuộc sống của gia đình, do đó đàn ông có quyền quyết định tất cả, còn đàn bà chỉ quanh quẩn trong nhà lo chuyện bếp núc, cơm nước, giặt giũ, hầu hạ gia đình chồng. Nếp nghĩ đó ăn sâu trong tiềm thức của rất nhiều đời, tạo nên dấu ấn khó phai “Trọng nam khinh nữ”,  “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (có một con trai thì vẫn là có, nhưng có mười con gái thì vẫn là không có), điều đó dẫn đến hệ lụy chỉ có đàn ông mới được học hành, mới làm nên sự nghiệp, còn phụ nữ sinh ra chỉ để ngồi trong xó bếp lo hầu hạ, dạ vâng.

Và cho đến nay, dù xã hội đã phát triển vượt bậc về mọi mặt, trong đó có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ, nhưng cách nghĩ về phụ nữ của đa số các bậc đàn ông, kể cả những người có vai vế trong xã hội vẫn chưa thoát khỏi lũy tre làng. Phụ nữ trong mắt họ vẫn là những người yếm thế cần được nâng đỡ, được bảo bọc, chứ không phải là những cá nhân có đầy đủ năng lực, phẩm chất và đủ sức đảm đương mọi vị trí như nam giới.

Chính vì thế mà phụ nữ muốn được công nhận thì luôn phải tự vượt lên chính mình. Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè của mình đã phải tự vượt lên như thế để vừa làm tốt nhất công việc của mình ở cơ quan, vừa nuôi dạy con cái, lo chuyện bếp núc, chợ búa cho cả gia đình, thậm chí làm luôn vai trò của người đàn ông trong gia đình là lo kiếm tiền để duy trì cuộc sống của cả nhà. Và tôi cũng như các bạn bè của mình bị áp cho một nick name không mấy thiện cảm: “đàn ông”.

Là phụ nữ, ai cũng muốn mình xinh đẹp, cũng muốn có thời gian chăm sóc bản thân, muốn được chia sẻ việc nhà, việc nuôi dạy con và cũng muốn được chồng yêu thương chiều chuộng. Những thứ đó đâu có gì là quá xa xỉ, nhưng với chúng tôi, thật sự là quá khó. Vừa phải làm tròn trách nhiệm của mình ở cơ quan nếu không muốn “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, không muốn nhân viên cấp dưới coi thường mình; vừa phải làm vợ, làm mẹ, lo cơm dẻo canh ngọt cho cả nhà, rồi còn phải biết học cách giữ chồng nếu không muốn chồng sa đà với các bóng hồng luôn lảng vảng ngoài kia.

Vậy bình đẳng giới ở đâu? Sao chúng tôi phải nặng gánh hai vai vậy? Đó là chưa nói đến rất nhiều chị em phụ nữ ở sau lũy tre làng còn chịu cảnh bạo hành cả thể xác và tinh thần vì chồng rượu chè, cờ bạc, nợ nần… Chắc hẳn rất nhiều người trong số họ chưa bao giờ hiểu được ba từ “bình đẳng giới”, vì họ sinh ra đã thấy bà mình, mẹ mình sống kiếp phụ thuộc, cả đời quẩn quanh trong xó bếp, mảnh vườn và quen kiểu “chồng chúa, vợ tôi”, có uất ức gì cũng không dám hó hé vì sợ, vì nếp nghĩ từ xưa để lại.

Có lẽ cũng nên góp ý với những người làm công tác phụ nữ về việc duy trì phong trào thi đua hai giỏi trong phụ nữ cả nước. Có nên tiếp tục đặt gánh nặng hai vai lên phụ nữ nữa không nếu muốn thực hiện bình đẳng giới? Tùy theo mỗi trường hợp cụ thể mà đàn ông và phụ nữ có sự chia sẻ trong công việc nhà, tạo điều kiện tốt nhất để cả vợ lẫn chồng phát triển về nghề nghiệp, công việc, học tập và nuôi dạy con.

Không nên đặt lên vai người phụ nữ quá nhiều trách nhiệm, bởi dù sao đi nữa thì phụ nữ về mọi phương diện thì vẫn là phái yếu, vẫn cần được yêu thương, chăm sóc. Hãy để phụ nữ được tỏa hương sắc của họ bởi họ là những đóa hoa. Nếu được chăm sóc đúng mức, thì những đóa hoa đó sẽ làm cho xã hội trở thành một vườn hoa đa sắc, đa hương.

HOÀI GIANG

.