Đà Nẵng cuối tuần

Hột vịt chưng ngày mưa

14:11, 29/10/2023 (GMT+7)

Cha cởi chiếc áo tơi, máng lên vách phên rồi bước vô nhà. Trên tay cha là một cái hột vịt, trắng đục, còn vương mấy cọng rạ nhỏ. Tôi đoán rằng cha lại lượm đâu đó ngoài ruộng mương, từ những đàn vịt băng đồng ngập nước đẻ rớt mà chủ đàn lượm sót. Tôi lon ton theo cha xuống bếp. Cha đập hột vịt vô cái tô nhỏ, rồi ra ảng, lấy cái gáo dừa múc nước lạnh đổ vô cho xâm xấp miệng tô, nêm chút muối rồi lấy đũa đánh loãng ra. Đợi nồi cơm trên bếp sôi, chắt nước xong, cha đặt tô hột vịt vô nồi cơm rồi đậy vung lại. Tôi ngồi lì bên bếp, đợi cơm chín tới...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngoài trời mưa không ngớt rơi trên mái tranh; gió từng cơn quật vô tấm phên tre, ràn rạt. Cái lạnh thấm vô từng khe hở, lan khắp gian nhà dưới, nhưng rồi bị bếp lửa ấm than hồng đẩy chạy trở lui. Tôi dọn chén đũa lên chiếc mâm nhôm, bưng nồi cơm vừa chín tới đặt lên chiếc rế tre, hồi hộp mở nắp vung. Một làn hơi nước mỏng tang bay lên. Mùi cơm ghế khoai lát trộn lẫn mùi hột vịt chưng tỏa ra thơm ngát.

Cha lấy cặp tre nhỏ, kẹp lấy tô hột vịt chưng rồi để lên mâm. Dưới đáy tô còn vương mấy hột cơm, tôi nhanh tay lượm bỏ vô miệng, chẹp chẹp, nóng hổi. Cả nhà quây quần bên mâm cơm, mẹ lấy muỗng vách một miếng hột vịt chưng, bỏ vô chén tôi. Tôi bưng chén cơm lên hít hà, nghe mùi hột vịt chưng thấm lên tận óc, rồi nhẩn nha vạch từng chút và với cơm ghế khoai… Thơm ngon đến tận bây giờ!

Đó là những ngày tháng cũ xưa, lùi trong ký ức chừng đã 40 mùa đông, nhưng vẫn hiển hiện mồn một trong tôi mỗi khi mưa gió vỗ ràn rạt trên mái nhà. Và mỗi khi mở tủ lạnh, thấy mấy hột vịt để trên ngăn tủ, tôi lại nghe dậy hương mùi hột vịt chưng ngày cũ. Nhà nghèo, đông con, bữa cơm thiếu đồ ăn, nên khi lượm được cái hột vịt đẻ rớt ngoài đồng, là cha tôi nâng niu như báu vật.

Một cái hột vịt, không thể đem chiên lên một cách xa xỉ, mà phải đổ vô cái tô rồi thêm nước nhiều cho thật loãng, đổ mắm muối vô mằn mặn, thì mới đủ cho cả nhà ăn với cơm. Nên hột vịt chưng của nhà tôi lõng bõng, không thể lấy đũa gắp mà phải lấy muỗng múc, nhưng cũng múc muỗng lưng lưng, còn dành cho người khác nữa. Mùi hương của hột vịt chưng ấy thơm lừng trong bữa cơm ngày đông giá buốt, ấm cả gian nhà dưới. Và rưng rưng theo tôi đi mãi trong đời...

Tôi đã cố chưng lại cái hột vịt như cách cha tôi làm ngày xưa, cùng câu chuyện cũ trên bàn ăn, nhưng cả nhà chỉ quẹt sơ qua. Một mình tôi ăn trong nỗi nhớ nhung ngập tràn ký ức… Bởi bây giờ, đâu còn cảnh đói cơm lạt muối nữa. Từ ăn no chuyển sang ăn ngon, từ mặc ấm lên thành mặc đẹp. Cái hột vịt chưng, bây giờ cũng làm theo nhiều kiểu, biến tấu khác nhau, tùy theo món ăn kèm. Đó là món hột vịt chưng với thịt băm, với tôm, với mắm ruốc mắm cá, với tàu hũ, với cà chua, với nấm; cả thịt chưng hột vịt muối nữa…

Nhưng cách thường thấy nhất là hột vịt chưng ăn với cơm tấm. Cũng là những hột vịt ấy, nhưng trộn với thịt băm, bún tàu cắt khúc, nấm mèo và cà rốt xắt sợi, cùng các loại gia vị hành, tiêu, ớt, bột nêm, đường, nước mắm…, thêm chút bột vào khuấy đều lên, đổ vô tô sứ hoặc thủy tinh đem hấp cách thủy. 

Một chút lòng đỏ hột vịt để riêng, đánh tan, khi món ăn vừa chín tới thì quét mỏng lên bề mặt, đem đi hấp tiếp vài phút nữa. Vậy là ra món hột vịt chưng thịt băm ngon lành, đẹp mắt, cắt từng miếng bỏ lên dĩa cơm tấm trắng phau cùng miếng sườn nướng thơm lừng, sẽ thành bữa ăn hấp dẫn cả vị giác và thị giác của nhiều người.

Nhưng, chén cơm ghế khoai ngày xưa, với góc muỗng hột vịt chưng cùng mắm muối và nước lạnh luễnh loãng của cha tôi, vẫn tỏa hương đâu đó giữa ngày mưa lạnh sụt sùi miền Trung…

ANH QUÂN

.