Đà Nẵng cuối tuần

'Để lịch sử được sống lại chân thực theo một cách đẹp đẽ và hấp dẫn hơn…'

13:42, 29/10/2023 (GMT+7)

Thời gian gần đây, sự ra đời của những tác phẩm phim Việt Nam có yếu tố lịch sử trên thị trường điện ảnh đã tạo nên những ý kiến tranh luận xoay quanh bối cảnh, nội dung và nhân vật trong phim. Điều này cho thấy công chúng đã và đang có sự quan tâm, đón nhận phim điện ảnh Việt Nam nói chung và dòng phim có yếu tố lịch sử nói riêng.

Nhà báo, đạo diễn Trương Vũ Quỳnh.
Nhà báo, đạo diễn Trương Vũ Quỳnh.

Theo đó, dòng phim đặc biệt này cần những gì để có thể phát triển tích cực, hài hòa giữa bối cảnh lịch sử với sáng tạo nghệ thuật cũng như bảo đảm thị hiếu của công chúng. Dưới đây là những chia sẻ của nhà báo, đạo diễn Trương Vũ Quỳnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) với Đà Nẵng cuối tuần về câu chuyện làm phim có yếu tố lịch sử.

* Theo anh, tiêu chí nào là quan trọng nhất khi nhà sản xuất, nhà làm phim muốn làm phim có yếu tố lịch sử? Điều gì bắt buộc phải tôn trọng khi làm phim có yếu tố lịch sử?

- Trước tiên, cần xác định, muốn làm phim có yếu tố lịch sử thì phải hiểu biết và tôn trọng lịch sử. Điều này, thoạt nhìn, là đương nhiên và giản đơn, dễ thống nhất. Thực ra không phải vậy, cái mà chúng ta gọi chung là yếu tố lịch sử lại đụng với rất nhiều điều khác: mốc thời gian câu chuyện, ngôn ngữ, trang phục, bối cảnh, lời thoại, văn hóa… Rồi lại đụng đến cái rộng lớn hơn: sự-thật-lịch-sử-của-lịch-sử và sự-thật-lịch-sử-của-điện-ảnh, tức cái hạt nhân lịch sử cụ thể, với các số liệu và ghi chép thật, với cái lịch sử được cách điệu hóa trong nghệ thuật điện ảnh.

Nhiều nhà làm phim ưu tiên cho cái “đúng” trước cái “đẹp”. Trong quá trình gạn lọc chất liệu làm phim, nguyên tắc mà các đạo diễn lưu tâm nhất, thực hiện nghiêm ngặt nhất chính là bảo đảm tính chính xác, nguyên vẹn của những dấu mốc lịch sử đối với tuyến nhân vật và câu chuyện chính. Người làm phim cần có cơ sở kiến thức chuyên sâu của nguồn sử liệu, biết cách kiểm chứng tính xác thực từ nhiều nguồn, và từ đó đặt nền móng cho mọi sáng tạo, hư cấu, thêm thắt...

Dĩ nhiên, nếu chỉ chú trọng đến việc phản ảnh lịch sử sao cho chân thật, cho đúng thì công chúng không cần đến điện ảnh. Nhiều năm qua, khi khai thác đề tài lịch sử, các nhà làm phim Việt Nam thường chú ý nhiều đến các chi tiết, dữ liệu lịch sử một cách cứng nhắc, nặng mô phỏng, thiếu sáng tạo, kém hấp dẫn. Vấn đề đặt ra: bay bổng, hư cấu đến đâu để bộ phim vừa hấp dẫn, lôi cuốn, nhưng lại vừa bảo đảm tính chân xác lịch sử. Đây chính là lằn ranh đặc biệt mong manh, khó xác định, và là thử thách quan trọng nhất đánh giá tài năng của người làm phim…

Một cảnh trong bộ phim
Một cảnh trong bộ phim "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ảnh: Đoàn phim

* Bộ phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau khi ra mắt khán giả đã đón nhận nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh yếu tố lịch sử trong phim. Ở góc nhìn là khán giả và một người làm phim, anh có cảm nhận như nào về bộ phim nói chung và cách đạo diễn xây dựng, truyền đạt nội dung liên quan lịch sử vào phim?

- Chúng ta đang chứng kiến, đến nay, chỉ vừa ra rạp trong một thời gian rất ngắn, “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã gây ra những tranh luận rất sôi nổi. Những ý kiến tranh luận này chủ yếu tập trung xoay quanh câu chuyện các Hội đoàn…

Kỳ thực, sự việc không chỉ bắt đầu từ các tên gọi. Với tư cách người xem phim, chúng ta cần chia sẻ với nỗ lực của người làm phim khi họ muốn lựa chọn một cách diễn đạt riêng, theo cách họ cho là tốt nhất, mới mẻ và hấp dẫn nhất để phim có thể đứng được trong đời sống tinh thần xã hội. Sự kỳ vọng ấy thúc giục trong họ nỗi thèm khát dựng lên một bối cảnh đặc trưng chất Hội đoàn, với những con người hào sảng đi lại trong không gian ấy, trang phục và lời nói ít nhiều phóng khoáng, trượng nghĩa, ngang dọc… Nhưng thật lòng, việc xây dựng hình ảnh các nhóm này trong phim đã làm chạnh lòng người Việt, gây ít nhiều hụt hẫng đến cảm xúc, tinh thần của công chúng Việt, khi họ đã trót mang theo tình yêu với tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi…

Dĩ nhiên, không ai có thể buộc phim phải mô phỏng lịch sử. Phim là phim mà lịch sử là lịch sử. Mỗi thứ có một ngôn ngữ riêng của nó. Điện ảnh có ngôn ngữ của nó, và đừng bắt nó phải làm cái việc của lịch sử. Điện ảnh sẽ phản ảnh lịch sử theo kiểu của nó. Thực ra, trừ những người phải làm công việc thẩm định hay kiểm duyệt và một số ít khán giả bị ảnh hưởng theo lối xem phim lý tính, chăm chú vào các chi tiết để suy diễn vô lối, thiếu đi sự cởi mở, còn số đông người xem không quan tâm nhiều lắm đến từng chi tiết hay từng câu thoại… cái mà họ quan tâm là cảm xúc mà bộ phim mang đến. Vì thế, việc quan trọng hơn cả đối với một tác phẩm điện ảnh là không phải nó mang đến nhận thức cụ thể gì về lịch sử mà cái chính là nó mang lại cảm xúc gì về phần lịch sử trong đó. Vẫn là câu chuyện muôn thuở, đi cân bằng giữa hai chân: hư cấu, sáng tạo và ghi chép, mô phỏng… Trên hành trình nhọc nhằn làm phim về đề tài lịch sử này, chúng ta cần ủng hộ những người sáng tạo, để lịch sử được sống lại chân thực theo một cách đẹp đẽ và hấp dẫn hơn…

* Có ý kiến cho rằng ranh giới giữa sự thật lịch sử và việc sáng tạo, thêm thắt trong những bộ phim có đề tài lịch sử hiện nay vẫn chưa thực sự rạch ròi, đặc biệt khi lịch sử luôn là đề tài nhạy cảm, đây là câu chuyện không chỉ của riêng điện ảnh Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Nhìn từ câu chuyện của “Đất rừng phương Nam” và nhiều bộ phim khác, theo anh, điện ảnh Việt Nam nên làm gì để cân bằng 2 yếu tố trên?

- Tôi không nghĩ cần phải cân bằng các yếu tố này. Sự thật lịch sử cần được tôn trọng tối đa và sự sáng tạo nghệ thuật trong điện ảnh cũng cần được huy động tối đa. Hai yếu tố này không đối nghịch nhau, không cứ bảo vệ sự thật lịch sử thì hạn chế sáng tạo, và ngược lại. Đây là chuyện muôn thuở của sáng tạo nghệ thuật. Đã có rất nhiều ví dụ cho chuyện này. Nhiều sự thật lịch sử được cảm nhận thật nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến nhận thức và cảm xúc người tiếp nhận thông qua những tác phẩm hư cấu và giàu tưởng tượng nhất. “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi là tiểu thuyết, không là ghi chép lịch sử, nó phản ảnh lịch sử bằng văn học với tất cả sức mạnh của văn học. Tới lượt mình, phim “Đất rừng phương Nam” của Nguyễn Quang Dũng phản ảnh lịch sử bằng điện ảnh, nó có đời sống của nó. Việc cân nhắc và lựa chọn chất liệu để làm nên tác phẩm làm sao để nó được cộng đồng tiếp nhận và yêu mến mới thật sự quan trọng. Câu chuyện liên quan tranh luận này, dính dáng nhiều đến cái tên phim, nó buộc người làm phim khó thoát ra khí quyển của cuốn sách mà nó nhận là “cuống nhau” để sinh ra nó…

Dĩ nhiên, người làm phim liên quan lịch sử luôn cần biết khả năng xử lý hài hòa, hiệu quả giữa sự thật lịch sử với hư cấu, tưởng tượng, và đó là nguyên tắc cần tuân thủ để bộ phim không rơi vào tình huống quá phụ thuộc vào lịch sử hoặc đi xa quá, làm không tới hoặc bóp méo, xuyên tạc lịch sử.

* Nhìn rộng hơn, theo anh, những nhà làm phim Việt Nam hiện nay đối mặt với những thuận lợi và khó khăn nào khi theo đuổi dòng phim có yếu tố lịch sử?

- Trong quá trình hội nhập và sự phát triển kinh tế thị trường, điện ảnh trở thành ngành nghệ thuật phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt. Bây giờ không phải như ngày xưa, người xem có muôn vàn lựa chọn, không tạo được sức lôi kéo thì không ai vì mình mà trung thành. Các hãng làm phim tư nhân thì đa phần chạy theo lợi nhuận, nhanh chóng chuyển hướng sản xuất chạy theo các dòng phim giải trí, như một cách nhanh chóng để thu hồi vốn. Rất ít đạo diễn, nhà sản xuất mạo hiểm đầu tư vào phim lịch sử. Do đó, dòng phim này trở thành dòng phim đa số được Nhà nước bảo trợ để chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ chính trị theo từng thời điểm lịch sử.

Do chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, không buộc phải cân đong đo đếm lỗ lời nên đa số nặng về minh họa và tái hiện lịch sử, các nhà làm phim dường như vẫn chưa vượt ra khỏi các sự kiện lịch sử để mang đến cho khán giả những thước phim về lịch sử chân thực nhưng nhiều cảm xúc và để lại dấu ấn sáng tạo cá nhân rõ nét của đạo diễn.

Những năm gần đây, nền điện ảnh Việt Nam đã tạo dấu ấn với một số gương mặt đạo diễn trẻ tài năng... Họ thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, được học hành, đào tạo bài bản, được tiếp cận với công nghệ làm phim hiện đại, có tư duy đổi mới, táo bạo, và nhiều khát vọng… Bằng nỗ lực, những người trẻ này đã ít nhiều đóng góp cho điện ảnh đất nước trong lĩnh vực làm phim về đề tài lịch sử. Thế nhưng, như đã nói, việc đầu tư cho các loại phim này còn hạn chế.Do vậy, cần có sự đầu tư hơn nữa về phía Nhà nước, cần có nhiều đơn đặt hàng cho loại phim này, và có thêm cơ chế khuyến khích người có tài năng, có tư duy mới, có ý tưởng sáng tạo mới. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng, chờ đợi được thưởng thức nhiều hơn các bộ phim lịch sử hấp dẫn, chiếm lĩnh được thị trường.

Câu chuyện còn sẽ liên quan đến nhiều thứ khác nữa như một đội ngũ biên kịch giỏi, các phương tiện kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ kỹ xảo, tài chính, độ mở của công chúng nghệ thuật… Những chuyện ấy thì rất rộng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

XUÂN SƠN thực hiện

.