Đà Nẵng cuối tuần

Luật tục của người Ve

06:07, 29/10/2023 (GMT+7)

Quảng Nam có các tộc người thiểu số Cơ tu, Xơ Đăng (gồm người Ca Dong, Xơ Teng, Mơ Nâm), Cor, Gié-Triêng (gồm người Ve, Tà Riềng, Bhnong) cư trú từ lâu đời ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Người Ve có quan niệm khác nhau về chết lành (chit cmôt) và chết xấu (chit preng).Trong cuộc sống đời thường, mỗi tộc người có một quan niệm về thế giới tâm linh khác nhau. Người Ve cũng vậy, thần linh (yàng), ma (cmốt)… đều có một thứ mà họ gọi là vô hình, là mhol, tựu trung đó là cách họ gọi hồn người hay linh hồn của người, của vật đã khuất, đã mất đi.

Người Ve chuẩn bị chôn cất người chết. Ảnh: ST
Người Ve chuẩn bị chôn cất người chết. Ảnh: ST

Trước đây, sự giao lưu văn hóa và những mặt khác trong đời sống xã hội bị hạn chế đã làm cho các tộc người sinh sống trên địa bàn miền núi nói chung, tộc người Ve nói riêng kém phần hiểu biết về khoa học. Họ quan niệm linh hồn hay hồn người và sự ốm đau, chết chóc của một cá nhân hay cộng đồng đều có sự liên quan. Bởi vậy, họ cho rằng, con người khi ngủ thì hồn người lìa khỏi xác và đi về cõi nào đó, khi sắp thức dậy hồn về lại, nhưng chẳng may lạc lối khi về sẽ bị ốm đau, mệt mỏi thì phải mời thầy mo đến cúng bái.

Các già làng người Ve cho biết, khi được mời tới cúng bái, thầy mo được dịp phán xét theo chủ quan của thầy và bày vẽ ra nhiều lễ vật, nào là cá suối phơi khô hoặc nướng (3 con) và một ít gạo. Hoặc thầy bảo sắm một số con vật như: gà, heo… mổ lấy tim, gan nướng để dâng lễ, sau đó thầy mo cho con bệnh ăn. Nếu người bệnh không thuyên giảm thì thầy phán kiểu như hồn người bị ma quỷ bắt nên không về được, đang chờ ngày về với tổ tiên ông bà hoặc đi theo ma quỷ.

Hoặc khi có người nào đó bị chết (quan niệm của tộc người thiểu số nói chung là chết xấu) do phạm đến luật tục của dân làng, nên bị cho là xúc phạm đến thần linh, ma quỷ nên họ bị trừng phạt hoặc ma quỷ bắt đi (làm hại). Trường hợp này dù có làm lễ cúng thần linh, ma quỷ cũng vẫn khó tránh khỏi chết chóc, nếu qua khỏi tai ương thì thầy phán rằng do thần linh động lòng thương nên tha lỗi.

Hai trường hợp nêu trên, tộc người Ve tin rằng, nếu người bệnh rơi vào nguyên nhân thứ nhất thì người bệnh sẽ được chết lành (chit cmôt) ngược lại là chết xấu (chit preng). Nếu chết xấu, thầy cúng dùng phép thuật và công cụ (vũ khí) của thầy để đánh đuổi ma quỷ không cho làm hại đến hồn người bệnh.

Thông qua thầy mo, người Ve còn quan niệm, khi có người chết đi sẽ xuất hiện một hồn mới là mhol plo (hồn bếp); khi chôn cất xong, hồn người chết sẽ về nhà người thân trong gia đình và trú ngụ nơi mà lúc sống người chết thường hay dùng bếp để nấu ăn và sẽ phù hộ cho thân nhân họ. Hồn này sẽ ở lại với gia đình trong vòng một năm và sẽ hóa thành con ruồi rồi bay đi và không về nữa. Sau khi chôn cất người chết, trước khi gia đình ăn bữa cơm đầu tiên thì chủ nhà lấy ít cơm, thức ăn ném vào một góc bếp, nơi mà khi còn sống người chết thường hay dùng với ngụ ý là mời mhol plo cùng ăn.

Việc mời người chết ăn kéo dài suốt một năm. Người Ve tin rằng nếu không thực hiện điều ấy thì mùa màng thất thu và ốm đau sẽ đến với người nhà; còn linh hồn (mhol đích) của người sau khi chết sẽ biến thành hồn ma (cmốt đích) và sẽ ở tại mộ. Do đó, người Ve làm mồ cho cmốt đích ở, nơi chôn cất những người đã chết gọi là làng ma, người sống có thể gặp hồn ma khi nằm mơ.

Như vậy, theo quan niệm của tộc người Ve, khi con người đang sống thì tồn tại một linh hồn, lúc chết đi tồn tại hai linh hồn (hồn người và hồn ma); đây là sự khác biệt giữa tộc người Ve và các tộc người thiểu số khác. Chính vì lẽ đó, khi chết xấu, hồn ma thường hay quấy nhiễu làng xóm, gây ra cho dân làng bệnh tật, tai nạn… Cho nên nếu chẳng may có người chết xấu, gia đình thường tổ chức tang ma nhanh nhất, có nơi chỉ có gia đình đưa người chết ra nghĩa địa chứ dân làng lo sợ không dám đưa tang.

Trong trường hợp gia đình hay người láng giềng đưa tang xong, trước khi về lại làng phải vào khe, qua suối tắm rửa sạch sẽ (kể cả những dụng cụ đưa tang) với quan niệm là không để lại dấu vết cũ để hồn ma khỏi bám vào và theo đó về gia đinh, làng bản hại dân lành. Đối với người làm nghề cúng bái (thầy mo) thì ngược lại, khi trong làng có người làm nghề cúng bái chết đi, cả làng đều tham gia đưa tang. Cũng theo quan niệm của người Ve, những người chết vì ốm đau, bệnh tật (gọi là chết lành, chết tốt) thì hồn sẽ về với tổ tiên, ông bà….

Từ đó, người Ve cho rằng chết chỉ là sự chuyển tiếp từ cuộc sống đời thường sang thế giới khác (cả thế giới tổ tiên lẫn làng ma), nên người Ve không có tục giữ mả, bỏ mả và thờ cúng tổ tiên, khi chôn cất xong, người Ve không còn đến ngôi mộ người chết nữa. Bởi trong niềm tin của họ, người chết vẫn còn sống ở một nơi khác, một dạng khác, nhưng điều kiện và cách sống khác trước. Vậy nên, quan niệm về “hồn người” là một phần tín ngưỡng tâm linh của người Ve; trong đó có hồn người sống và hồn ma người chết; họ phân chia linh hồn và hồn ma người chết lành và chết xấu, người dân và người làm nghề cúng bái, hồn của thần linh và ma quỷ.

Thiết nghĩ, cần có một công trình nghiên cứu cụ thể về tộc người Ve, về tất cả các vấn đề tín ngưỡng, tâm linh về hồn người nhằm ngăn ngừa những tập tục lạc hậu nặng tính bói toán của các thầy mo. Đặc biệt, việc tuyên truyền rộng rãi về các chủ trương, chính sách về văn hóa xã hội, về đời sống mới… để đời sống văn hóa tinh thần của tộc người Ve ngày một theo kịp trào lưu nếp sống mới văn minh và hiện đại.

PHẠM VĂN BÍNH

.