Đà Nẵng cuối tuần
Trải nghiệm để lan tỏa yêu thương
Hành trình theo chân Long của nhà báo Đoàn Hạo Lương để kết tinh nên tập ký sự Tây Bắc “Đi cùng Long” (NXB Đà Nẵng, 2023) là một câu chuyện đặc biệt. Sự kết hợp hài hòa giữa ký sự và ảnh phóng sự, giữa chất liệu văn học và tư duy, cách chiếm lĩnh của báo chí, đã làm nên nét sáng tạo độc đáo và sức hấp dẫn riêng của cuốn sách.
Cầm “Đi cùng Long” trên tay, người đọc đâu cần hớt hải chuẩn bị hành lý, hay lo toan điều kiện, vẫn có thể thong dong trên những mảnh đất Tây Bắc. Để rồi hiểu hơn về thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây. Thêm cảm mến tấm lòng của những người trẻ nơi miền xuôi như Long và Lương đã giành cho đồng bào, đồng thời trăn trở sâu sắc với những vấn đề mang tính thời sự mà tác giả đặt ra.
Hạnh phúc đến từ việc trải nghiệm
Đoàn Hạo Lương sinh năm 1980, hiện đang công tác tại Báo Đà Nẵng. Như chính anh tâm sự, tập ký sự Tây Bắc “Đi cùng Long” là sự khẳng định cho tình yêu với cuộc đời và sự tâm huyết, dám dấn thân, dám trải nghiệm, dám vượt ra khỏi vùng an toàn để “tiến gần đến với bản thân mình hơn”, tự tin và trưởng thành hơn. Người đọc sẽ đồng cảm sâu sắc bởi câu chuyện tự bạch của chính tác giả trước khi khởi hành chuyến đi của mình về với Tây Bắc và cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được đi, được trải nghiệm và khám phá của anh.
Ký sự là thể loại chính luận nghệ thuật, phù hợp với việc chuyển tải những câu chuyện trải nghiệm đầy tính nhân văn, giàu chất liệu văn học nhưng cũng không kém phần thời sự. Bởi đứng trước thiên nhiên và con người đẹp như thế, không nhẽ nào mà người viết lại để ngòi bút của mình không phác họa những vẻ đẹp mời gọi đó để làm nên sự phiêu diêu, bay bổng, lãng mạn của tập ký sự, vừa lồng ghép và đi đến làm bật rõ những vấn đề mang tính thời sự sâu sắc. Chất thơ trong việc tiếp cận, khai thác thiên nhiên, văn hóa, con người đã quyện hòa cùng với tư duy báo chí đã làm nên sức hấp dẫn, cuốn hút của tập ký sự.
“Đi cùng Long” được kết cấu thành ba chương. Chương 1 với 5 ký sự, tập trung làm rõ bức chân dung về Long, về câu chuyện gác lại cuộc sống phố phường, bằng tư duy độc lập, ý nghĩ riêng biệt và bản lĩnh của một người trẻ để lên rừng cắm bản. Đó là những dự án, hoạt động thiện nguyện của một nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ lên với vùng cao Tây Bắc để lan tỏa tình yêu thương.
Xoay quanh câu chuyện ấy của Long, qua ngòi bút và chùm ảnh phóng sự của tác giả, người đọc sẽ hiểu rõ vô vàn khó khăn mà chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ này gặp phải, khâm phục khả năng thích ứng và tạo lập những nền tảng căn bản để Long bắt tay vào dự án của mình. Chính những vẻ đẹp mạnh mẽ của tuổi trẻ toát lên từ nhiếp ảnh Long đã là cầu nối và rồi lan truyền ngọn lửa cảm hứng vào tác giả. Để rồi ý nghĩ rằng mình phải đi và viết về những vùng đất mới phóng khoáng hơn, bay bổng hơn và phiêu diêu hơn đã gợi dậy mạnh mẽ trong anh.
Hướng về đồng bào vùng cao
Đến với chương 2, người đọc sẽ chính thức đồng hành với tác giả để trải nghiệm Tây Bắc. Những bước chân đầu tiên trong hành trình ấy, ta cảm nhận được những tình cảm, nỗi niềm của người viết giành cho Thủ đô Hà Nội. Để rồi như một sự dạo đầu đầy háo hức, tác giả đã ký thác lại hành trình từ Hà Nội về với Tây Bắc. Men theo mạch ký sự đó, người đọc như thể được sống trong chính cảm giác của tác giả trong mỗi cung nhịp của chuyến đi. Và rồi khi lên đến Tây Bắc, người đọc cùng say sưa trước vẻ đẹp ngây ngất của thiên nhiên, con người, văn hóa nơi đây.
Vẻ đẹp của mùa xuân vùng cao được tác giả lưu giữ qua ngòi bút giàu hình ảnh. “Những dãy núi tai mèo cao trập trùng xanh ngắt với những mảng sáng đậm nhạt”. Núi đồi Tây Bắc hiện lên hùng vĩ, hoang sơ nhưng đầy thơ mộng. Tất cả cộng hưởng lại tạo nên một bức tranh đẹp đẽ, mà như tác giả nói ấy là “bức tranh thủy mặc” làm lòng người say sưa. Trên cái phông nền ấy, người đọc sẽ được khám phá về dược liệu, văn hóa, phong tục, tập quán, vẻ đẹp của con người Tây Bắc. Cũng như được trải nghiệm cảm giác chinh phục đỉnh núi Fansipan, nơi được coi là nóc nhà Đông Dương.
Đặc biệt giữa cái phơi phới của lòng người trước vẻ đẹp mùa xuân Tây Bắc, ký sự “Nơi trái tim thuộc về” độc giả sẽ chùng lại và rồi lắng sâu hơn trước cảm xúc của nhiếp ảnh Long khi anh trở về với phố phường. Anh nhớ bản tha thiết, nhớ những tháng ngày tự do phóng khoáng nơi đây, anh cảm thấy mình như là con chim lạc lõng ở thành phố này. Và rồi phía sau cuối của chương 2 là những chiêm ngẫm, những thấu cảm, những ý định, và hứa hẹn của tác giả về mảnh đất này từ góc nhìn của một nhà báo, một con người giàu trái tim yêu thương.
Ở chương 3, người đọc trở lại với Tây Bắc thêm một lần nữa cùng tác giả, nhưng lần này không phải là mùa xuân, mà khoảng thời gian tháng mười. Cảnh sắc Tây Bắc mở ra, với những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, mà hễ đứng ở đâu trên hành trình đó cũng có thể chớp được những khoảnh khắc ảnh nghệ thuật. Các ký sự của chương 3 và chùm ảnh phóng sự đã làm sáng tỏa “mùa yêu thương” ấy là chuyến thiện nguyện về với các bản cao của Long và tác giả.
Theo chặng đường đó, ta thấy được những khó khăn trên từng dặm số mà hai người phải đối mặt. Hình ảnh con người vùng cao thêm nhiều lần nữa hiện lên, đó là những phụ nữ Mông tần tảo, những em bé dân tộc thiểu số đáng yêu, hồn nhiên như chính những loài hoa của núi rừng. Qua trang viết, bạn đọc cùng tác giả thưởng thức những đặc sản nơi đây như chè shan tuyết, thịt trâu gác bếp... Các ký sự trong chương này cũng làm rõ sự tâm huyết của một nhà báo, toát lên từ cách nhìn của anh, về những điều mà anh trăn trở như việc phát triển du lịch nơi đây, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao, vấn đề làm từ thiện, vấn đề thất nghiệp của thanh niên do kém hiểu biết, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa...
Và đến cùng, người đọc sẽ rơi vào trạng thái vừa tiếc nuối vừa mến phục bởi sự chia tay của anh và nhiếp ảnh Long. Nuối tiếc bởi những dự định giúp đồng bào vùng cao còn dang dở do nhiều nguyên nhân, bởi chuyến đi của họ phải gác lại. Nhưng “kết thúc để bắt đầu”, sự bắt đầu ấy không chỉ của tác giả và nhiếp ảnh Long mà mỗi độc giả cũng bắt đầu câu chuyện của mình để giao cảm, để tận hưởng và tận hiến cho cuộc đời.
Dành một không gian riêng nào đó, khi thật thư thái, bên một quán cà phê giữa mùa đông này, lật giở từng trang của tập ký sự “Đi cùng Long” , người đọc sẽ có những thấu cảm đặc biệt. Một cách tự nhiên, ta sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn bởi những câu chuyện tình yêu thương đầy mến mộ, ta biết ơn cuộc đời này, và rồi yêu quý cuộc đời này hơn biết bao! Và rồi, một ý nghĩ lại bật ra: ta phải bắt đầu chuyến đi cho riêng mình để vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân?
TRẦN VIỆT HOÀNG