Đà Nẵng cuối tuần

Triển lãm âm thanh của cá - nơi khoa học và nghệ thuật gặp nhau

16:29, 30/12/2023 (GMT+7)

Tại Ấn Độ đang diễn ra triển lãm có một không hai trên thế giới với tên gọi “Blue Carbon” - “Carbon xanh”, mang lại trải nghiệm độc đáo với mọi người khi họ lần đầu được lắng nghe âm thanh của những loài cá nhỏ sống trong các rạn san hô.

Vì nước là một trong những đặc thù lớn ở bang Goa nên triển lãm đã được thiết kế cho phù hợp với đặc điểm địa lý của bang này.  Ảnh: Indian Express
Vì nước là một trong những đặc thù lớn ở bang Goa nên triển lãm đã được thiết kế cho phù hợp với đặc điểm địa lý của bang này. Ảnh: Indian Express

Tại triển lãm này, ông Vardhan Patankar, nhà sinh vật học biển của Ấn Độ, trưng bày và mời mọi người thưởng thức âm thanh của những loài cá nhỏ sống trong các rạn san hô mà ông đã ghi âm lại được kể từ khi bắt đầu lặn biển nghiên cứu vào năm 2005. Triển lãm là cuộc hội ngộ giữa nghệ thuật và khoa học khi trình bày thêm những phương diện mới còn ít người biết tới về cuộc khủng hoảng khí hậu. Chỉ mãi tới gần đây khái niệm “carbon xanh” mới được nhắc tới khi người ta biết rằng hệ sinh thái ven biển giúp khử carbon tốt hơn nhiều so với cây cối và các cánh rừng như thế nào.

Trải nghiệm độc đáo

Tại khu phức hợp Old PWD Complex ở thành phố Panaji, thủ phủ của bang Goa, nơi nổi tiếng với các bãi biển và những điểm du lịch rất đẹp của Ấn Độ, đang diễn ra triển lãm “Carbon xanh” trưng bày “những bài hát của đại dương”. Đây là các băng ghi lại âm thanh của những con cá sống trong các rạn san hô nhỏ được nhà sinh vật biển Vardhan Patankar ghi lại ở bang Goa.

Đã có những nghiên cứu sâu về âm sinh học (một ngành nghiên cứu về cách các loài vật giao tiếp với nhau bằng âm thanh) của động vật có vú dưới biển, nhưng những thông tin về âm sinh học của các loài cá sống trong rạn san hô vẫn còn rất ít. Theo ông Patankar, các loài cá sống trong rạn san hô cũng có khả năng tạo ra các âm thanh giống như các loài động vật ăn cỏ nhưng âm thanh của chúng ở tần số rất thấp, chỉ khoảng 10 Hertz - mức ở dưới ngưỡng có thể nghe được của tai người.

Để có thể thu được những âm thanh đang được trưng bày tại triển lãm, ông Patankar đã đặt một thiết bị hydrophone (đầu thu sóng trong nước) trong môi trường tự nhiên ở đảo Grand và đảo St George của bang Goa. Sẽ không quá khi bảo rằng đây là triển lãm âm thanh lần đầu tiên mang lại những trải nghiệm độc đáo như vậy tại Ấn Độ cũng như trên thế giới.

Tổ chức triển lãm này, ông Patankar mong muốn mang tới một trải nghiệm đặc biệt, từ đó khiến công chúng quan tâm nhiều hơn tới phương diện tương đối mới của cuộc khủng hoảng khí hậu, đó là vai trò của các hệ sinh thái biển trong việc khử carbon.

Thông thường người ta vẫn nghĩ cây và những cánh rừng là các giải pháp thiết yếu nhất cho tình trạng trái đất ấm lên vì chúng hấp thụ khí CO2 và thải ra O2. Tuy nhiên, kể từ khi thuật ngữ “carbon xanh” (blue carbon) được các nhà nghiên cứu nêu ra vào năm 2009, những nghiên cứu về sau ngày càng chỉ ra thực tế các hệ sinh thái ven biển với cỏ biển, rừng ngập mặn, thực vật phù du và các rặng san hô thậm chí còn có khả năng khử carbon mạnh mẽ hơn cả những cánh rừng. Đơn cử như cỏ biển được ước tính có khả năng khử carbon với tốc độ nhanh hơn 30 lần so với một cánh rừng.

Hội ngộ nghệ thuật và khoa học

Triển lãm Carbon xanh là kết quả hợp tác giữa nhà khoa học Patankar và các nghệ sĩ của bang Goa là Kaldi Moss, Waylon D’souza, và hai nhà giám tuyển Ravi Agarwal, Jahnavi Phalkey đến từ Phòng trưng bày nghệ thuật Bengaluru (Science Gallery Bengaluru).

Là một bang nổi tiếng với các bãi biển, triển lãm Carbon xanh đã được thiết kế phù hợp đặc thù rất lớn về nước của bang Goa. Theo đó, để chuẩn bị cho triển lãm, các nghệ sĩ và ông Patankar đã liên tục gặp nhau để trực tiếp trao đổi cũng như có thêm các thảo luận qua mạng với một nhóm mở rộng hơn nhằm tạo ra không gian triển lãm có tính tham gia và tương tác cao nhất cho người xem. 

Trong bối cảnh nhân loại đã chứng kiến một mùa hè với nhiệt độ nóng kỷ lục kể từ lúc các mức nhiệt được ghi lại từ năm 1880, rõ ràng toàn thế giới đang ngày càng lo ngại về những tác động của biến đổi khí hậu do chính con người gây ra. Tuy nhiên tới nay vẫn có những phương diện liên quan tới cuộc khủng hoảng khí hậu chưa được nhận thức chính xác và đầy đủ. Triển lãm Carbon xanh lần này là một trong các nỗ lực của những người làm khoa học và nghệ thuật muốn thay đổi điều đó.

"Chúng tôi nghĩ rằng, thay vì nói về biến đổi khí hậu, chúng ta hãy nói về carbon. Chúng ta hãy tiếp cận chúng từ nơi khởi nguồn của sự sống trên hành tinh này để cho thấy rõ tính phức tạp của vấn đề… Chúng ta đang sống trên một hành tinh xanh và tất cả những vùng nước này vẫn đang liên tục thu giữ carbon”.

Jahnavi Phalkey, một trong hai nhà giám tuyển của triển lãm Carbon xanh chia sẻ về ý nghĩa thông điệp sâu mà triển lãm này  mong muốn gửi tới mọi người

TRẦN ĐẮC LUÂN

.