Đà Nẵng cuối tuần

Những chân thành xin gửi đến quê nhà

16:05, 30/12/2023 (GMT+7)
Tập sách Ngày xưa ơi của tác giả Trần Nguyên Hạnh như những chân tình cô gửi đến quê nhà. Ảnh: T.Y
Tập sách Ngày xưa ơi của tác giả Trần Nguyên Hạnh như những chân tình cô gửi đến quê nhà. Ảnh: T.Y

Vẫn giữ cho mình giọng văn giản dị, chân thành và thuần khiết khi nhắc đến quê nhà Phú Ninh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), Trần Nguyên Hạnh - tác giả tập sách Ngày xưa ơi (NXB Kim Đồng, 2023) - vui vẻ dẫn người đọc đến vùng đồi núi trung du với những thức quà là chùm dủ dẻ chín vàng, là ánh chiều vui trong mắt biếc, là miếng bánh, là củ khoai hay những cánh diều mang theo mơ ước của đám trẻ quê bay xa, chạm tới chân trời xanh thẳm…

Câu chữ nhẹ nhàng, chậm rãi, không vận dụng quá nhiều bút pháp nghệ thuật, những cái tên Quà của ấu thơ, Những mùa dủ dẻ chín vàng, Bếp lửa chiều hôm, Ngoài đồng hoa cải đong đưa, Chạy theo cánh diều, Đường về nhà, Tiếng gà ban trưa… có trong tập sách “Ngày xưa ơi” như thay lời tác giả, rằng con người - dù lớn lên, đi khỏi quê nhà - vẫn luôn khắc khoải nhớ, khắc khỏi ghi sâu trong tâm khảm những kỷ niệm ngày thơ ấu. Đó là những buổi chiều lội suối bắt ốc, hái rau và lên rừng tìm hái dủ dẻ chín hay vạch lá tìm những quả sim rừng cuối mùa còn sót lại. Vào buổi chiều ở vùng trung du nơi tác giả sinh ra, lớn lên, mùa hè về trong từng vệt nắng long lanh rơi rớt trên hàng rào ngõ nhỏ. Nắng có mùi thơm của rơm rạ đương khô, của lúa mới vàng ươm đang phơi trước hiên nhà. Nắng thoảng mùi cỏ non thanh khiết, thoảng mùi đất đai quen thuộc.

Cầm tập sách trên tay, tôi cảm giác như Hạnh đang chậm rãi chuyện trò với mọi người về những ngày xưa của mình. Những ký ức tươi đẹp nằm kề cận nhau, xếp chồng lên nhau. Đâu đó, thoáng hình ảnh Hạnh đang ngồi trong căn phòng cô đơn giữa phố, giữa một ráng chiều vàng, giữa một niềm quê này chợt “gặp một niềm quê cũ” với tất cả rung động, bồi hồi. Tôi tự hỏi, trong cuộc đời một người con xứ Quảng, Hạnh đã bao lần ăn mì Quảng nhưng vẫn nhớ tô “Mì Quảng chị nấu” bằng sự trân trọng, nâng niu. Thì ra, đó là tô mì Quảng Hạnh được ăn ở Sài Gòn, do một người chị đồng hương chuẩn bị. Hạnh thưởng thức tô mì khi nỗi nhớ quê đã chất đầy trong mắt, trong tim: “Từ khi xa nhà, tôi chưa từng ăn tô mì Quảng nào đậm tình cảm như tô mì Quảng chị nấu. Cảm giác xúc động như đang ăn món ăn của bà của mẹ, những người rất đỗi yêu thương tôi… Cũng như mẹ tôi, chị luôn lột vỏ tôm, cắt nhỏ thịt, kho rim đậm đà, lóc hết xương cá, ninh sườn thật nhừ, phi hành nén thơm phức” (Mì Quảng chị nấu). Hạnh vừa ăn, vừa hồi tưởng đến kỷ niệm những lần theo chân mẹ xay gạo tráng mì, ra vườn hái rau cải, diếp cá, chuối chát làm rau sống.

Chưa đủ xuýt xoa tô mì Quảng thơm mùi quê cũ, cuốn sách đưa người đọc đến một món ăn cũng cũ không kém: cá chuồn kho mít non. Nữ tác giả trẻ kể, ngày xưa nhà nghèo, trong mâm cơm gia đình bao giờ cũng có mít non luộc chấm mắm nêm, canh mít, mít kho, gỏi mít non trộn đậu phộng. Hôm nào sang hơn thì có mít non trộn thịt heo ba chỉ. Thế nhưng, trong số những món ăn kết hợp, tác giả vẫn thích nhất món cá chuồn kho mít non: “Mùi thơm của món ăn tỏa trong không gian. Bưng bát cơm nóng hổi, kèm miếng cá chuồn rồi ăn thêm miếng mít non, tôi sướng rân lên. Tôi đã lớn lên với một tuổi thơ đầy ắp tiếng cười cùng những món ăn dân dã như thế” (Đậm đà cá chuồn kho mít non).

Tập hợp 25 tản văn đong đầy kỷ niệm, hồi ức đẹp về quê hương, bản xứ trong “Ngày xưa ơi”, tác giả Trần Nguyên Hạnh cho hay mình muốn ghi lại mỗi khi “lòng dâng lên nỗi nhớ vô bờ”. Với Hạnh, bao cuộc đi xa quê chỉ để trở về trong yêu thương, hào hứng: “Tôi từng nghĩ mình đã thuộc lòng từng khúc cua, gò đất, bãi bờ, tưởng đã nhìn ngắm trọn vẹn cảnh sắc quê hương. Nhưng hóa ra không phải. Mỗi lần quay về là mỗi lần ngạc nhiên” (Về với Phú Ninh). Hay như: “Trong cuộc đời dẫu có bao nhiêu con đường xinh đẹp thì với tôi con đường đẹp nhất vẫn là con đường về nhà… Có những cuộc hành trình xa xăm đưa tôi đi xa mảnh đất mình sinh ra, dẫu vậy, vì luôn ghi nhớ nằm lòng con đường về nhà, bất kỳ con đường nào tôi đi cũng đều có một hướng về định sẵn. Và nhờ có chỉ dẫn ấy, tôi tự tin bước đi khám phá thế giới muôn màu mà không sợ rằng vì những chuyến rong ruổi như thế, một ngày nào đó tôi sẽ không thể trở về nhà” (Đường về nhà).

Như một tấm chân tình dành cho quê hương gửi đến bạn đọc trong tập sách này, tác giả Trần Nguyên Hạnh đúc kết, bài học lớn nhất của cuộc sống chính là lòng biết ơn, sự trân trọng những gì ta nhận được: trân quý sinh mạng chính mình, trân quý mảnh đất mình sinh ra, khung cảnh xinh đẹp ta đang được nhìn ngắm, con đường ta đi, nguồn nước ta uống, bữa ăn ta có, mái nhà ta ở. Và như thế, tác giả luôn biết cách nuôi dưỡng lòng biết ơn vô hạn đối với những điều hiện ra trước tầm mắt và đổ đầy tâm hồn cô những ý nghĩa tốt lành.

KỲ NAM

.