Đà Nẵng cuối tuần
Xóa bỏ thành kiến cho viện dưỡng lão
Đến thăm viện dưỡng lão, tôi bắt gặp những hình ảnh ấm áp và bình yên đến lạ. Trong tiết trời dịu mát của buổi sáng sớm, các bạn điều dưỡng đang ân cần, nhẹ nhàng đưa các cụ đi dạo quanh con đường rợp bóng cây xanh. Trên những chiếc xe đẩy, các cụ thoải mái tận hưởng không gian tĩnh lặng, thoáng đãng, thỉnh thoảng trò chuyện cùng nhau.
Ở góc khác của viện dưỡng lão, một số cụ đang tập dưỡng sinh hoặc đang được các bạn điều dưỡng hướng dẫn cách sử dụng những dụng cụ thể thao chuyên biệt và những bài tập dành riêng cho mỗi tình trạng sức khỏe khác nhau. Niềm vui ánh lên trong từng ánh mắt, khuôn mặt, sự an bình hiển hiện qua từng chuyển động nơi đây. Dường như không có sự buồn bã, tủi phận hay cô đơn như quan niệm xưa giờ vẫn thường gắn cho ba chữ: “viện dưỡng lão”.
Viện dưỡng lão (hay còn được gọi là nhà điều dưỡng, nhà nghỉ dưỡng, trung tâm chăm sóc….) là nơi được xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho việc điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, chăm sóc đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Tại đây, người cao tuổi sẽ được đội ngũ y tế chất lượng cao chăm sóc, đồng hành mỗi ngày với nhiều hoạt động tập thể phong phú, vui vẻ và ấm cúng. Vì vậy, những suy nghĩ như để cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là vô trách nhiệm dường như không còn phù hợp.
Nhiều người cho rằng, những người lớn tuổi sống trong viện dưỡng lão đầy đủ vật chất nhưng thiếu thốn tình cảm. Họ cho rằng việc đưa ba mẹ vào đây là đi ngược với truyền thống và làm mất đi giá trị gia đình. Tất nhiên, nếu có đầy đủ điều kiện về nhà ở, thời gian và kiến thức chăm sóc người cao tuổi thì việc cha mẹ già ở với con cháu vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Nhưng một khi con cháu bận rộn, không gian sống giữa các thế hệ chật hẹp, dễ nảy sinh mâu thuẫn hoặc con cháu làm việc, học hành ở xa, thì liệu rằng việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão có phải là điều xấu? Thay vì cả ngày phải sống trong 4 bức tường thì ở viện dưỡng lão, các cụ già sẽ được kết bạn, giao lưu với nhiều người cùng thế hệ. Thay vì tự lo liệu ở nhà với các mối nguy hiểm tiềm ẩn như té ngã, bất ngờ đột quỵ…, thì ở viện dưỡng lão, các cụ sẽ được chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, điều trị tâm lý và bảo đảm chế độ dinh dưỡng khoa học một cách phù hợp nhất.
Người già thường có nhiều bệnh nền, do đó, nếu ở cùng con cháu không có thời gian theo sát, không có kiến thức và phương tiện y tế, có thể sẽ không cứu giúp được trong lúc nguy cấp. Trong khi đó, ở những viện dưỡng lão đúng tiêu chuẩn, sẽ có bác sĩ lão khoa, có y tá túc trực, những nhân viên y tế được đào tạo kỹ năng chăm sóc người già chuyên nghiệp, kịp thời. Vậy nên, việc để cha mẹ ở viện dưỡng lão - nhìn một cách toàn diện và công tâm - đó là lựa chọn hợp lý.
Với quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” - đôi khi đứa con phải hy sinh công việc và thậm chí cả gia đình để làm tròn chữ “hiếu”. Thực tế đã có không ít mâu thuẫn gia đình do trách nhiệm phụng sự cha mẹ già đôi bên, con cái phải bỏ việc ở thành phố để về quê chăm sóc cha mẹ… Trong những trường hợp này, cần có một giải pháp vừa giúp chăm sóc chu đáo cho cha mẹ, vừa tạo điều kiện để con cháu phấn đấu học tập, làm việc, tạo dựng thành công và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Viện dưỡng lão chính là một trong những giải pháp đó.
Cũng phải thừa nhận, có những người con xem bố mẹ là gánh nặng và thoái thác trách nhiệm chăm sóc cho viện dưỡng lão, cả năm mới đến thăm bố mẹ một lần. Chính những trường hợp xấu, đơn lẻ này đã tạo nên thành kiến đối với viện dưỡng lão. Thật ra khi ở viện dưỡng lão, các cụ già hoàn toàn không bị tách biệt với gia đình, con cháu. Việc lựa chọn viện dưỡng lão gần nhà cũng như con cháu hiếu thảo, lui tới thăm nom thường xuyên, chia sẻ những câu chuyện, tin tức về tình hình học tập, công tác… sẽ giúp các cụ cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp.
Trước cuộc sống bộn bề lo toan, mô hình viện dưỡng lão ngày càng trở thành xu hướng tất yếu của xã hội nhưng cần phải được gắn chặt với trách nhiệm của con cái, có sự trao đổi, thống nhất với cha mẹ. Việc vào viện dưỡng lão cần được cân nhắc dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình, tình trạng sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ; có sự tìm hiểu kỹ càng để bảo đảm được chăm sóc tốt nhất.
Thiết nghĩ, có nhiều cách báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ, tùy vào hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình để lựa chọn phương án tốt nhất. Việc con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão chăm sóc cần được nhìn nhận toàn diện, tích cực và cởi mở hơn. Đối với riêng tôi, khi đặt chân vào viện dưỡng lão, hầu như những thành kiến đã được xóa bỏ.
ĐỖ LAN HƯƠNG