Đà Nẵng cuối tuần

Chắt chiu hương vị quê nhà…

14:48, 06/01/2024 (GMT+7)

Chiều nay tôi đã thấy không khí Tết ùa về trong căn nhà nhỏ. Không phải bởi những dòng trạng thái đếm ngược “còn 7 ngày Chủ nhật nữa là đến Tết” đăng đầy trên mạng. Cũng không phải bởi thấy người ta đã bắt đầu rao bán mận rừng, rượu Tết. Mà là vì những túi măng khô mẹ để dành mang xuống cho cháu con. Măng mẹ xếp gọn gàng thành từng bó, cuộn kín trong mấy lớp nilon. Tay thoăn thoắt mở từng bó măng, mẹ dặn: “Mấy bó này là măng bát độ, mẹ hái đúng đợt non, ngon lắm. Con để phần gửi vào cho bạn. Còn bó này là măng mai. Chỗ kia là ít măng vụn, toàn lá non để lại nhà ăn. Nhà mình ăn thì không cần đẹp”. Năm nào cũng vậy, mẹ bắt đầu phơi măng từ tháng 6. Vườn rậm, đi lấy măng là mồ hôi ướt đầm lưng áo, đàn muỗi đói lâu ngày thi nhau bu vào chích. Măng tươi mang về mẹ bóc sạch, chọn lấy phần non mang đi luộc. Măng luộc xong, mẹ vớt ra mang phơi. May gặp hôm nào trời nắng măng còn mau khô, chứ phơi gió phơi sương thì chỉ lo măng hỏng. Cả yến măng tươi có khi chỉ được vài lạng măng khô. Mẹ cóp từng chút một dành để làm quà cho người nọ người kia, mỗi nơi một ít. Phần của tôi năm nào cũng nhiều nhất vì có bạn phương xa thèm một bát canh măng vào ngày Tết đến. Đó là chị bạn người Sài Gòn trót thương tôi như là em gái. Thương luôn cả những món quà quê từ bàn tay của mẹ. Đó là người bạn thân gốc Bắc, theo gia đình vào Nam đã nhiều năm. Bạn dặn: “Gửi cho mình ít thôi, Tết đủ nấu bát canh thắp hương cho mẹ”. 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Canh măng khô là một món canh cổ truyền, ít khi thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Canh măng thường nấu với móng giò hoặc sườn heo, đặc biệt thích hợp với những ngày se lạnh. Món canh giữ vai trò “điều hòa” vị cho mâm cỗ Tết vốn nhiều chất đạm. Nguyên liệu nấu gồm măng khô, móng giò, nấm hương, mộc nhĩ. Để có được một nồi canh măng cũng khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian, đặc biệt là khâu sơ chế măng khô. Chiều hai bảy Tết mẹ tôi đã bắt đầu ngâm măng. Ngày nào cũng chịu khó thay nước. Ngâm tầm hai, ba ngày thấy măng đã nở ra, màu sáng hơn thì mang đi luộc. Luộc măng cũng phải đổ đi vài lần nước. Cho đến khi nước luộc măng không còn màu đục, miếng măng mềm vừa tới thì là được.

Sau khi cắt bỏ phần măng già, xơ. Phần măng non mang cắt miếng vừa ăn, mang xào với chút mỡ và mắm, muối để miếng măng ngấm đều gia vị thì mang ninh với móng giò đã được làm sạch sẽ. Đến khi miếng măng thấm vị ngọt, móng heo mềm cũng là lúc thêm nấm hương, mộc nhĩ đã sơ chế vào, đun thêm tầm 10 phút. Lúc xơi canh măng ra bát, rắc thêm vài cọng hành lá, rau mùi là được ngay một bát canh măng chuẩn vị. Măng mềm vừa tới, nước canh đậm đà, móng giò thì béo ngậy thơm ngon rất đưa cơm ngày rét. Nên suốt bao nhiêu năm nay trên mâm cỗ thắp hương ngày Tết của gia đình tôi không bao giờ thiếu đi món canh này. Nó mang hương vị của quê nhà, chắt chiu từ mảnh đất trung du khô cằn đá sỏi. Chắt chiu từ mảnh sân quê, cái nắng trưa hè và bàn tay gầy gò của mẹ.

Anh tôi đi làm ăn ở xứ người cũng sắp đến mùa Tết thứ năm. Thỉnh thoảng cứ có ai từ Việt Nam sang là anh lại dặn mẹ gửi cho ít đồ quê. Lần này trong túi đồ mẹ gửi sang còn thêm bó măng khô. Tết này anh cùng bạn bè gói bánh chưng, nấu bát canh măng khô hẳn là cũng vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà. Tôi đi lấy chồng, mỗi dịp Tết nhìn bát bát canh măng nghi ngút khói bốc lên là nhớ nhà đến cồn cào. Bạn tôi, nửa đời người xa quê không có chốn về. Tết này chỉ biết vọng cố hương bằng ký ức, những vần thơ rưng rức và bát canh măng nóng hổi dâng lên bàn thờ mẹ. Một năm trải qua biết bao nhiêu biến cố thăng trầm. Ai đó mất việc ngay cận Tết. Ai đó đầu tư chứng khoán thua lỗ trắng tay. Ai đó đau ốm cả năm, tiền nong xoay xở. Thôi ta hãy gác lại những được - mất, thắng - thua. Hãy xoa dịu và ủ ấm tâm hồn bằng một tách trà nóng, một cuốn sách hay hoặc một món ăn mang hương vị quê nhà. Với tôi năm hết Tết đến chỉ cần được bình an, khỏe mạnh ngồi sum vầy bên nhau nhấm nháp vài sợi mứt hay thưởng thức món canh măng của mẹ cũng đã là hạnh phúc lắm rồi. Tết này, bếp nhà bạn nấu món gì?

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

.