Đà Nẵng cuối tuần

Đêm ba mươi trong niềm nhớ

16:37, 20/01/2024 (GMT+7)

“Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa… hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa”. Giao thừa là giờ phút trời đất giao hòa, tiễn năm cũ đi qua với những điều được mất, đón năm mới cùng bao sự háo hức chờ trông. Thời khắc này sao thiêng liêng đến diệu kỳ!

Bữa cơm tối muộn màng chiều cuối năm được dọn lên trên chiếc bàn gỗ nhỏ, tiếng í ới gọi mời cơm vang lên một lúc thì mọi thành viên mới tập hợp đầy đủ. Ai ai cũng mải mê, bận rộn với việc dọn dẹp, quét tước sắp xếp nhà cửa, bàn ghế, tủ sách; làm việc đến say sưa dù bụng đói và đôi tay nhăn nhúm vì vọc nước. Ngày cuối năm tiếp thêm cho mỗi người một nguồn năng lượng để thu dọn những gì chưa được của ngày tháng cũ, sắp xếp cho ngăn nắp lại cuộc đời mình và chuẩn bị chờ đón những gì mới mẻ hơn chăng? Chúng tôi rửa dọn chén bát; đem bộ tách trà, ly uống rượu hay mời khách ra rửa bụi; khay đựng bánh trái cũng được tráng úp lên rổ cho ráo. Ngoài hiên, bọn trẻ con hàng xóm tay trong tay dắt đến từng nhà xem trang trí đèn dây cho những chậu mai, chậu quật; tiếng cười trong veo của chúng như gợi mở ký ức những đêm trừ tịch ở quê nhà tôi thuở trước.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mới đó mà hơn nửa đời người đi qua, thời gian phủ mờ lên tất cả; thời gian làm cho những tấm ảnh thờ ông bà, mẹ tôi và các bác có chút ố vàng nhưng những kỷ niệm về họ vẫn tươi rói bất chấp quy luật trôi chảy nghiệt ngã đó. Tôi vẫn nhớ như in bữa cơm chiều ba mươi, sau lễ rước ông bà, nhà tôi và nhà bác cùng dọn mâm trên hai chiếc bàn gỗ dài ở nhà trên và xếp ghế cho đủ các thành viên của hai gia đình. Bà tôi dặn hai con dâu nấu cơm nhiều để thừa lại trong nồi cho sang năm được dư giả; còn thức ăn thì giục bọn trẻ con phải dùng cho hết chớ không để vì sáng mai mồng Một ăn chay. Bữa cơm cuối năm thịnh soạn nhất trong cái thời buổi khó khăn sao mà ngon đến lạ lùng. Sự ngon miệng ấy không chỉ vì trẻ con chúng tôi hằng ngày ăn uống thiếu thốn mà ngon bởi không khí đầm ấm, sum họp. Bà tôi vui lắm, những nếp nhăn như giãn ra, hỏi chuyện đứa con này rồi lại quay sang hỏi mấy cháu gái, năm tới cho đứa nào đi lấy chồng… Cơm nước xong, trời đêm ba mươi tối mịt mùng nhưng ngoài sân bếp than chụm bằng trối tre đỏ rực và nồi bánh tét đang sôi sùng sục. Ba tôi vừa dùng cơm xong đã vội ra canh nồi bánh, cần mẫn đun từng gốc trối đã chẻ làm tư vào bếp. Bà tôi dùng cây xẻng nhỏ xúc những hòn than đỏ rực và giục ba tôi soi đuốc cùng ra cái giếng thường ngày chúng tôi vẫn gánh nước đổ đầy hai ảng lớn. Tò mò, bọn con nít chúng tôi cũng sè sẹ bám đuôi. Sợ bà la, cả bọn im thin thít, chỉ dám trơ mắt nhìn. Bà nhanh tay hất cả xẻng than đỏ xuống lòng giếng, chỉ nghe vang lên tiếng “xèo… xèo” và những hòn than nhanh chóng tắt ngúm khi gặp nước. Không hiểu bà đang làm gì, chúng tôi xúm vào hỏi ba, người giải thích bà dùng than đỏ khử phèn cho nước để năm mới giếng sẽ cho làn nước trong và ngọt hơn.

Đêm càng khuya, sương xuống nhiều, mẹ và các chị tôi đem mâm bột nếp rang và xay mịn đã ngậm sương vào nhà. Người thì cạo đường bát, người nhanh tay trộn đường vào bột, dùng cái chai cán mỏng hỗn hợp và bắt đầu in bánh. Những đôi tay thoăn thoắt chà trộn và bỏ bột vào khuôn, dùng mấy ngón tay ấn chặt xuống. Không bao lâu những chiếc bánh in hình chữ vạn, chữ phước, hình nhánh mai, con cá chép, đóa hoa hồng xếp hàng thẳng tắp trong chiếc mâm nhôm. Mẹ tôi cời than đỏ từ nồi bánh tét sắp chín, bỏ một ít tro vào nồi và kê lên đặt mâm bánh in vừa xong vào sấy vàng. Thường ngày, vào giờ này bọn con nít như tôi đã ngáy khò nhưng hôm nay nhìn người lớn bận bịu với công việc, chúng tôi háo hức chạy ra sân ghé đu cổ ba rồi chạy vào nhà xem mẹ sấy bánh in, mùi bột nếp pha đậu xanh nghe thơm lựng cả gian bếp. Bánh sấy xong, chờ cho nguội, mẹ tôi xếp riêng ra cái đĩa kiểng để cúng giao thừa; một phần bỏ vào bọc ni-lon cột chặt để chưng lên bàn thờ, còn bao nhiêu xếp vào cái thẩu thủy tinh to để dọn khách và cho con cái ăn trong mấy ngày xuân. Ngoài kia ba và bác tôi đang vớt bánh tét, những đòn bánh quấn lạt nằm xếp hàng ngay ngắn trên chiếc nong con, tỏa hương lá chuối thoang thoảng…

Có tiếng gà gáy xa xa, ba tôi sau khi dấm tro cho tàn than bếp nấu, lặng lẽ xếp cái bàn tròn ra giữa sân và bắt đầu dọn mâm cúng giao thừa. Nào là hoa quả, giấy vàng mã, bình hoa cúc, đòn bánh tét, ổ bánh tổ cho đến đĩa bánh in vừa sấy xong được bày lên bàn theo trật tự. Lệ thường, năm nào nhà tôi cũng cúng giao thừa với hương hoa, đĩa trái quả và bánh ngọt như vậy, để cầu mong một năm mới đầy ngọt ngào và an ổn. Bà tôi, bác và ba tôi trong bộ áo dài đen đứng thâm nghiêm bên mâm cúng. Mùi hương trầm quyện trong khói sương vào giây phút giao thừa, cùng sự trầm tư của người lớn khiến bọn trẻ con chúng tôi cũng không dám ngọ nguậy. Ba giục mẹ chế ấm trà và rót vào hai chiếc tách bên bàn cúng. Bác tôi cầm nén hương cháy đỏ lầm rầm vái nguyện và cắm vào bát… Thời điểm giao thời năm cũ và mới lắng đọng trong trí óc non nớt của chúng tôi biết bao nhiêu điều; khiến cho cái miệng hay hóng hớt, đôi chân chạy liến thoắng dường như chững lại, nhường chỗ cho những dòng cảm xúc ùa về.

Ký ức ngày xưa nay vẫn quanh quẩn trong tôi mỗi khi dọn mâm cúng giao thừa cho gia đình nhỏ. Bên hiên hàng xóm, pháo hoa tầng thấp phun từng chùm đủ màu sắc, tiếng nổ lẹt đẹt như ai lấy cây đập vào tấm phên tre. Chương trình cầu truyền hình đang chiếu cảnh bắn pháo hoa tại Thủ đô Hà Nội và sau đó  là giọng đầm ấm của Chủ tịch nước đọc lời chúc Tết đến toàn thể nhân dân… Một mùa xuân mới lại về và lòng tôi cũng lâng lâng, chứa chan bao niềm tin và hy vọng cho những gì mới mẻ và rạng rỡ hơn.

NGUYỄN THỊ THU THỦY

.