Đà Nẵng cuối tuần

NGHỆ THUẬT QUẦN CHÚNG

Gìn giữ sự mộc mạc

07:36, 14/01/2024 (GMT+7)

Nghệ thuật quần chúng với đa số “nghệ sĩ” không chuyên nghiệp tham gia biểu diễn nên nhiều chương trình, tiết mục đậm chất hồn nhiên và bình dị. Giữa nhịp sống sôi động, nghệ thuật quần chúng vẫn có một vị trí rất riêng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Lớp tập huấn nghệ thuật Hô hát bài chòi do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố tổ chức cho các hội viên. Ảnh: K.H
Lớp tập huấn nghệ thuật Hô hát bài chòi do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố tổ chức cho các hội viên. Ảnh: K.H

Sức sống nghệ thuật “tự biên, tự diễn”

Vài năm trở lại đây, cứ đến cuối tuần, cơ sở dạy nhạc tại nhà riêng của nhạc sĩ Đoàn Ngô Tĩnh ở đường Khái Tây 2 (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) lại trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu quen thuộc của các hội viên CLB Sáng tác ca khúc Sơn Trà (quận Sơn Trà). Những ai yêu thích và quan tâm đến hoạt động âm nhạc nói riêng, nghệ thuật quần chúng nói chung đều ít nhiều biết đến CLB này, nơi hội ngộ của gần 20 thành viên là các nhạc sĩ, người tham gia sáng tác âm nhạc. Sau gần 7 năm kể từ ngày thành lập (tháng 4-2016), CLB đã đánh dấu chặng đường hoạt động sôi nổi bằng việc ra mắt đĩa CD tập hợp 20 ca khúc tình ca, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người và truyền thống lịch sử - văn hóa của quận Sơn Trà nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung. Các sáng tác của hội viên trong CLB được biểu diễn ở nhiều chương trình văn hóa - văn nghệ vào các dịp lễ, Tết cũng như các sự kiện của thành phố, các hoạt động của quận... Nhạc sĩ Đoàn Ngô Tĩnh, Chủ nhiệm CLB cho biết, điều đáng mừng là đến nay, sau khoảng thời gian dài hoạt động, CLB chỉ thêm mới chứ không bớt đi thành viên nào, sáng tác của các nhạc sĩ đã thể hiện rõ tính mới cũng như mang hơi thở đương đại. Qua thời gian, bằng sự chọn lọc của công chúng, nhiều bài hát hay, ý nghĩa do các nhạc sĩ sáng tác đã có được chỗ đứng trong lòng công chúng.

Từ một lát cắt nhỏ qua buổi trò chuyện với nhạc sĩ Đoàn Ngô Tĩnh để thấy rằng, giữa nhịp sống hiện đại, nghệ thuật quần chúng vẫn có một đời sống rất riêng. Ngoài vai trò nâng cao hiệu quả phong trào văn hóa, văn nghệ, tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật tại địa phương, nghệ thuật quần chúng còn góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, là cơ hội đẩy mạnh thông tin đối ngoại, giới thiệu về cảnh sắc, con người Đà Nẵng. Bên cạnh những chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng có quy mô, còn có những hội diễn, hội thi theo ngành, cụm thi đua quy tụ dàn diễn viên hùng hậu và được tổ chức thường kỳ thì một không gian khác để nghệ thuật quần chúng thể hiện sức sống của mình đó là thông qua hoạt động của các CLB văn hóa văn nghệ thu hút đông đảo hội viên tham gia, được tổ chức sinh hoạt định kỳ thường xuyên. Những đêm diễn của các đoàn nghệ thuật quần chúng tại các địa phương, đơn vị vào các dịp lễ, Tết vẫn thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức.

Ông Vũ Thế Hệ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà trải lòng, phần lớn các “nghệ sĩ” tham gia hoạt động nghệ thuật quần chúng đều không chuyên nghiệp, vì niềm đam mê với nghệ thuật và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội nên mới tích cực tham gia. Dẫu vậy, thông qua hoạt động này, đơn vị vẫn tập hợp được một lực lượng những “nghệ sĩ” không chuyên nhưng lại hát hay, múa dẻo, khiêu vũ uyển chuyển… Họ là nòng cốt tích cực tham gia phong trào văn nghệ quần chúng, phục vụ các hội nghị, thực hiện công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương; đem lại sức sống mới và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cũng như những hội thi, hội diễn ở nhiều cấp. Bác Trần Minh Đặng, hội viên CLB Văn nghệ người cao tuổi quận Sơn Trà chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều anh em, tham gia CLB Văn nghệ người cao tuổi quận Sơn Trà chỉ với mong muốn góp thêm lời ca, tiếng hát để gầy dựng phong trào văn hóa - văn nghệ cơ sở ngày càng vững mạnh, là sân chơi tinh thần, sống vui, sống khỏe cho những người cao tuổi. Dù xã hội ngày càng hiện đại nhưng sức mạnh của nghệ thuật quần chúng thì không dễ gì bị mất đi vì đó là nhu cầu tự thân, tự nhiên và phù hợp với đông đảo người dân. Ngay cả khi thiếu thốn phương tiện, cơ sở vật chất hoặc khó khăn về điều kiện hoạt động thì hội viên vẫn nhiệt tình tham gia”.

Song hành cùng nhịp sống thành phố

Nghệ thuật quần chúng với đa số “nghệ sĩ” không chuyên nghiệp tham gia nên nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật quần chúng luôn đậm chất hồn nhiên và bình dị. Đây cũng là điều mà những ai quan tâm và yêu mến phong trào này vẫn luôn trăn trở để gìn giữ bởi thực tế, có không ít hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng đang bị “chuyên nghiệp hóa”. Người hoạt động trong ngành văn hóa không còn lạ với thực tế một số đơn vị tham dự các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng nhưng sử dụng diễn viên không phải của đơn vị mình mà đi thuê từ nơi khác hoặc thuê diễn viên, ca sĩ chuyên nghiệp. Điều này khiến cho người dân yêu thích văn nghệ, có năng khiếu nghệ thuật ít có cơ hội thể hiện, qua đó khó phát hiện các hạt nhân văn nghệ mới tại cơ sở.

Để phát triển và cũng cố chỗ đứng của nghệ thuật quần chúng trong lòng khán giả giữa sự cạnh tranh của các nền tảng giải trí hiện đại mà vẫn gìn giữ được sự chân chất, mộc mạc mà gần gũi của phong trào, đại diện các trung tâm văn học - nghệ thuật trên địa bàn thành phố cho rằng, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và hoạt động văn hóa văn nghệ của các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ bài bản cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở, đặc biệt là công tác hướng dẫn, triển khai tổ chức các hoạt động nghệ thuật quần chúng tại địa phương. Một giải pháp nữa được đưa ra, đó là khuyến khích thành lập và phát triển các nhóm sở thích, các CLB văn hóa văn nghệ nhằm thu hút đông đảo hội viên đủ mọi lứa tuổi, thành phần cùng tham gia, tổ chức sinh hoạt định kỳ thường xuyên. Nhất là ưu tiên bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, chú trọng công tác quảng bá rộng rãi các hoạt động nghệ thuật đến quần chúng nhân dân.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố đề xuất giải pháp, cần quan tâm tìm kiếm và phát triển các hạt nhân phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ sở vì đây sẽ là lực lượng nòng cốt để phát huy, tạo sự lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần thông qua các hoạt động nghệ thuật quần chúng. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông qua các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động nhằm lan tỏa sâu rộng các hoạt động nghệ thuật quần chúng trong đời sống xã hội. Tổ chức thường xuyên hơn các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các chương trình liên hoan, cuộc thi…

Nhìn nhận về vai trò của nghệ thuật quần chúng, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố khẳng định, nghệ thuật quần chúng vẫn luôn song hành cùng nhịp sống thời đại, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng âm nhạc của địa phương. Đồng thời, các hoạt động này cũng góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, là cơ hội đẩy mạnh thông tin đối ngoại, giới thiệu về cảnh sắc, con người Đà Nẵng về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Giai đoạn 2018-2023, có 22 hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng thuộc hệ thống ngành văn hóa - thể thao tổ chức cấp thành phố và 138 hoạt động cấp huyện. Năm 2018 số người tham gia hoạt động nghệ thuật quần chúng trên 22.500 người thì đến năm 2023 là gần 29.000 người.

(Sở Văn hóa - Thể thao thành phố)

KHÁNH HÒA

.